Cấp thiết củng cố, phát triển lực lượng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật

12:52 05/12/2019
Ngày 5-12, hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo văn học, nghệ thuật (VHNT) hiện nay”do Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương tổ chức đã diễn ra tại TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.


Dự hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc; PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương..., đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc và hơn 180 đại biểu là các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình và văn nghệ sĩ trong cả nước.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương nhận định: Nhìn vào đời sống VHNT hôm nay dễ thấy vai trò mờ nhạt, thậm chí sự vắng bóng của vai trò của phê bình. Trước các yêu cầu bức thiết của đời sống xã hội và VHNT như định hướng giá trị, định hướng thẩm mỹ, định hướng tiếp nhận, định hướng dư luận và định hướng sáng tạo..., phê bình dường như im tiếng, rơi vào tình trạng bất lực, buông xuôi. Đây là một trong các lý do để Hội đồng cân nhắc, lựa chọn hội thảo “Vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn và sáng tạo VHNT hiện nay”. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại hội thảo.

Thực ra, đây là vấn đề không hoàn toàn mới nhưng lại có ý nghĩa kết sức quan trọng, từng trở đi trở lại nhiều lần trong lịch sử phát triển VHNT, được nhiều người quan tâm. Bây giờ, vấn đề lại tiếp tục được đặt ra như một yêu cầu khoa học khách quan, có tính cấp thiết. 

Hội thảo tập trung vào những vấn đề của thực tiễn: Dũng khí phê bình trí tuệ tập thể và trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, trước đời sống xã hội và VHNT của giới nghiên cứu lý luận, phê bình; các yếu tố tác động, đánh giá đúng thành tựu và hạn chế, phân tích nguyên nhân; xác định vai trò định hướng của phê bình trong hoạt động thực tiễn sáng tạo VHNT; đề xuất các kiến nghị, giải pháp khả thi thúc đẩy phê bình, xây dựng đội ngũ, nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu của đời sống xã hội và VHNT, từng bước thay đổi cục diện để phê bình đảm đương được vai trò và thiên chức của mình.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Phải thẳng thắn thừa nhận so với thực tiễn sáng tác rất sôi động, đa dạng, phong phú, thậm chí phức tạp hiện nay, phê bình đang tỏ ra trầm lắng, chưa phát huy hết vai trò và sức mạnh của mình. 

Toàn cảnh hội thảo ngày 5-12.

Trong khi những hạn chế từ lâu tích tụ chưa được giải quyết thì thực tiễn lại xuất hiện những vấn đề mới khiến chúng ta không khỏi lo lắng. Sự thiếu hụt về đội ngũ, nhất là ở các lĩnh vực nghệ thuật như Âm nhạc, Múa, Điện ảnh, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh,… diễn ra từ nhiều năm qua đã được chỉ ra nhưng các giải pháp khắc phục chưa thực sự hiệu quả. 

Ở một số diễn đàn, đã xuất hiện không ít những bài viết cảm tính, thiếu cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi, thậm chí chịu tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, chẳng những không định hướng được sáng tác và tiếp nhận mà còn làm tăng nguy cơ loạn chuẩn, loạn giá trị trong đời sống văn nghệ. 

Trước hàng loạt sự kiện, hiện tượng nóng bỏng xuất hiện trong đời sống VHNT, phê bình nhiều khi còn lúng túng, chưa kịp thời, thậm chí còn mơ hồ trong nhận định, đánh giá và lý giải. Những biểu hiện đó khiến phê bình đang phải đối diện với nguy cơ hiện hữu là sự “quay lưng” của giới sáng tác và công chúng văn nghệ.

Đồng chí Võ Văn Thưởng cũng nhấn mạnh: Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, toàn diện như hiện nay, nền VHNT nước nhà đang đứng trước những cơ hội to lớn và cả những thách thức gay gắt trong quá trình phát triển, đã và đang đặt ra cho phê bình văn nghệ những yêu cầu mới. 

Nhiệm vụ nâng cao tính lý luận, trình độ khoa học, trình độ thẩm mỹ, vốn hiểu biết thực tiễn sáng tác, thực tiễn cuộc sống nhằm đưa phê bình văn nghệ phát triển mạnh mẽ, đồng thời “kiên quyết khắc phục những yếu kém kéo dài của hoạt động phê bình VHNT” như Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X đã nhấn mạnh là rất cấp thiết…

Để góp phần chấn hưng phê bình VHNT Việt Nam hiện nay, một nhiệm vụ cần đặc biệt quan tâm là sớm hoàn thành việc xây dựng hệ thống lý luận văn nghệ Việt Nam hiện đại, khoa học, đủ sức giải đáp những vấn đề đặt ra trong thực tiễn như Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa X và các văn kiện quan trọng của Đảng đã đề ra…

Trong khi chờ đợi những bước chuyển mới về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, các nhà phê bình cần tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, phát huy trách nhiệm xã hội, trách nhiệm công dân của mình để từng bước góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng của phê bình VHNT...

Đồng chí cũng bày tỏ tin tưởng, mặc dù những khó khăn, thách thức trước mắt và lâu dài không nhỏ, nhưng chúng ta tin tưởng rằng, với sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý có hiệu quả của Nhà nước và nhất là tâm huyết, khát vọng của giới văn nghệ hướng tới một nền phê bình VHNT lành mạnh, khoa học, dân chủ, nhân văn, đủ sức đồng hành, là chỗ dựa tin cậy của sáng tác và công chúng tiếp nhận chính nguồn sức mạnh, là cơ sở để chúng ta vượt lên khó khăn, thực hiện tốt sứ mình trong giai đoạn mới, đạt nhiều thành tựu to lớn hơn nữa. Hoạt động lý luận phê bình thực hiện tích cực nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Tại hội thảo, hàng loạt các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn về hoạt động Lý luận, phê bình đã được các đại biểu cùng đặt ra, phân tích và đề ra giải pháp nhằm phát triển lý luận, phê bình trong thời gian tới. 

Thay mặt Ban tổ chức tiếp thu ý kiến của các đại biểu và tổng kết hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT khẳng định, với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, hội thảo đã cơ bản hoàn thành mục tiêu, yêu cầu đề ra.  

Các đại biểu đã tập trung trí tuệ, chỉ ra những vấn đề lý luận mới cần quan tâm, đồng thời bám sát thực tiễn, phân tích, chỉ ra thực trạng, lý giải nguyên nhân, từ đó đề xuất định hướng và các giải pháp nhằm thúc đẩy sự phát triển của phê bình VHNT Việt Nam trong tình hình mới. Các kết quả đạt được trong hội thảo sẽ cung cấp những cơ sở khoa học để Hội đồng tư vấn cho Đảng và Nhà nước tiếp tục có những quyết sách trong lãnh đạo, chỉ đạo lĩnh vực VHNT nói chung, phê bình VHNT nói riêng. 

N.Nguyễn

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文