Cát tặc hoành hành trên địa bàn Hà Nội

10:50 09/07/2017
UBND TP Hà Nội cho biết, tình hình khai thác cát sỏi trên địa bàn thành phố vẫn diễn ra khá phức tạp, chủ yếu núp dưới hình thức thực hiện dự án nạo vét luồng lạch đường thủy nội địa để tận dụng khai thác nên rất khó xử lý.


1 năm  xử lý 235 vụ khai thác cát sỏi

Theo UBND TP Hà Nội, hiện nay trên địa bàn thành phố có 14 đơn vị được cấp Giấy phép khai thác cát bãi nổi lòng  sông đang còn hiệu lực với tổng diện tích hơn 472ha, tổng trữ lượng mỏ là hơn 22.600m3. Trong đó có 5 đơn vị đang hoạt động, 1 đơn vị dừng hoạt động và đề nghị trả lại mỏ đã được UBND TP chấp thuận chủ trương, 8 đơn vị chưa hoạt động do chưa có đường vận chuyển, chưa thực hiện xong thủ tục thuê đất với Nhà nước.

Ngoài các đơn vị hoạt động khai thác cát bãi nổi theo Giấy phép nêu trên, trên địa bàn thành phố có 18 đơn vị xin chủ trương thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm, trong đó có 13 đơn vị được thành phố chấp thuận chủ trương, 12/13 dự án đã được triển khai. Tính đến nay, còn 6 dự án đang triển khai thi công, chủ yếu trên sông Hồng (5 dự án). UBND TP Hà Nội khẳng định các dự án trước khi triển khai đều phải được Cục Đường thủy nội địa (Bộ GTVT) chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố bàn giao mốc giới dự án cho nhà thầu chi công. Nhưng, hiện các dự án đều đang tạm dừng hoạt động.

Theo đánh giá của các Sở, ngành chức năng Hà Nội, giai đoạn vừa qua tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn ra, chủ yếu hoạt động lén lút vào ban đêm và sáng sớm, đặc biệt tại các địa bàn giáp ranh; một số đơn vị lợi dụng Giấy phép khai thác khoáng sản đã sử dụng phương tiện tàu hút, tàu cuốc để khai thác cát trái phép, sai phạm vi được cấp phép; một số đơn vị lợi dụng việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp thu hồi sản phẩm, thi công quá giờ quy định, đưa phương tiện chưa được chấp thuận vào để khai thác.

Số liệu tổng hợp của CATP Hà Nội cho thấy, từ ngày 9-5-2016 đến ngày 8-5-2017, các phòng nghiệp vụ Công an các quận, huyện, thị xã đã phát hiện, kiểm tra xử lý 235 vụ, 312 đối tượng, tạm giữ 283 tàu thuyền, phương tiện và công cụ liên quan đến hoạt động khai thác cát như đầu nổ, sên; đã hoàn thiện hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 187 vụ  với số tiền xấp xỉ 5 tỷ đồng, tịch thu 8 tàu hút; đang tiếp tục xác minh làm rõ, chờ xử lý 48 vụ; xử lý 6 vụ kinh doanh cát không rõ nguồn gốc, tạm giữ 6 phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính 15 triệu đồng.

Kiến nghị giao các dự án nạo vét cho thành phố đấu giá

Lãnh đạo UBND TP Hà Nội đánh giá, việc kiểm tra, giám sát của Cục Đường thủy nội địa đối với dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa trong thời gian qua chưa được thực hiện tốt. Một số đơn vị lợi dụng dự án nạo vét luồng đường thủy, khai thác khoáng sản không đúng quy định như: Khai thác quá độ sâu và phạm vi cho phép; sử dụng quá số lượng hoặc sai phương tiện đã được chấp thuận, hoạt động ngoài thời gian quy định. Ngoài ra, việc phối hợp quản lý của Cục Đường thủy nội địa với địa phương trong việc thực hiện dự án nạo vét luồng đường thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm trong thời gian qua còn nhiều bất cập, nên chưa kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm.

Vì vậy, UBND TP Hà Nội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung quy định về nạo vét luồng đường thủy nội địa, vùng nước cảng, bến thủy nội địa kết hợp tận thu sản phẩm. Như, chỉ cho phép triển khai những dự án nạo vét trong danh mục dự án được phê duyệt và công bố; không chấp thuận những dự án do nhà đầu tư đề xuất như quy định hiện hành, để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu nạo vét luồng đường thủy, tránh tình trạng lợi dụng nạo vét khai thác cát trái phép. 

Cục Đường thủy nội địa Việt Nam phải ký hợp đồng thuê tư vấn giám sát thay vì đơn vị nạo vét thuê tư vấn giám sát như hiện nay. Tư vấn giám sát có trách nhiệm định kỳ tổng hợp, thông báo kết quả thực hiện dự án, khối lượng nạo vét đến Sở GTVT, Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an TP và UBND các quận, huyện, thị xã nơi thực hiện dự án. Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét bàn giao toàn bộ các dự án nạo vét theo kế hoạch hàng năm cho UBND TP tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư tham gia nạo vét theo hình thức xã hội hóa nhằm tăng cường quản lý hoạt động nạo vét kết hợp tận thu sản phẩm.

Ngọc Yến

Để chấn chỉnh hình thành thói quen tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT, lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm 6 nhóm hành vi là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông; việc xử lý vi phạm theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”

Sau khi thành lập các doanh nghiệp và đăng ký hoạt động kinh doanh trên lĩnh vực khám chữa bệnh, Lin Chao Yang và Wu Jin Biao cùng các đồng phạm đã móc nối đường dây làm giả giấy tờ, hợp thức hóa cho các bác sĩ Trung Quốc chưa đủ điều kiện nhưng vẫn ngang nhiên hành nghề tại Việt Nam. Đặc biệt, có hàng loạt phòng khám đa khoa (PKĐK) tại Đà Nẵng có bác sĩ người Trung Quốc "khám chui"...

Dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Ung Bướu Cần Thơ được kỳ vọng đáp ứng nhu cầu khám, tầm soát và điều trị ung bướu của nhân dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Sau hơn 6 năm triển khai, dự án chỉ đạt 21,3% tổng giá trị khối lượng, gây lãng phí và bức xúc trong nhân dân.

Bộ Công an vừa ban hành hướng dẫn tuyển sinh CAND năm 2025 với các trình độ đào tạo đại học chính quy tuyển mới, trung cấp CAND và tuyển sinh văn bằng 2 đối với công dân đã tốt nghiệp trình độ đại học trở lên. Trong đó, tuyển sinh trình độ đại học chính quy tuyển mới đối với học sinh tốt nghiệp THPT vào các học viện, trường CAND từ nhiều năm nay luôn nhận được sự quan tâm lớn từ học sinh và dư luận xã hội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.