Chánh án TANDTC chia sẻ với sinh viên về điểm mới của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015
- Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Đánh giá một vụ án phải trên cơ sở hồ sơ
- Chánh TANDTC Nguyễn Hòa Bình: Nhiều nước không quy định cứng lứa tuổi 14-16
- Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hoà Bình nguyện xây dựng Toà án trong sạch và liêm chính
Tại buổi Tọa đàm, đồng chí Nguyễn Hòa Bình đã chia sẻ về những điểm mới, tính nhân văn và những bước tiến trong bảo vệ quyền con người của Bộ Luật Tố tụng Hình sự Việt Nam 2015.
Theo Chánh án Toà án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, một trong những điểm mới quan trọng của Bộ luật này là lần đầu tiên đặt ra việc xử lý pháp nhân (công ty, doanh nghiệp, tập đoàn). Điều này gần như trái hoàn toàn với quan niệm truyền thống về tội phạm.
Đông đảo giảng viên, sinh viên ĐHQGH tham gia buổi giao lưu |
“Tại sao lại đặt ra vấn đề xử lý pháp nhân? Vì trên thực tế, pháp nhân vi phạm rất nhiều. Chẳng hạn như vụ việc VEDAN, Formosa xả thải ra môi trường, chúng ta có xử lý hành chính nhưng nhẹ, chưa đủ răn đe. Bên cạnh đó, nếu doanh nghiệp vi phạm, chúng ta chỉ xử lý cá nhân người điều hành thôi là chưa đúng địa chỉ, chưa giải quyết được triệt để vấn đề vì đối tượng được hưởng lợi trong những vi phạm này là công ty, là Hội đồng quản trị, là cổ đông chứ không phải chỉ là Giám đốc, Tổng giám đốc. Ngoài ra, trên thế giới, hiện có gần 120 quốc gia xử lý các pháp nhân vi phạm nên chúng ta đặt ra quy định này là phù hợp. Tất nhiên, quy định này chủ yếu áp dụng với các pháp nhân thương mại và chỉ giới hạn trong một số loại tội danh về môi trường, thuế khóa, trật tự an toàn xã hội, sở hữu trí tuệ... Hình phạt chủ yếu là phạt tiền, xử lý hành chính, trường hợp quá đặc biệt mới xử lý hình sự”- Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nói.
Sinh viên Khoa Luật-ĐHQGHN đặt câu hỏi với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tại buổi giao lưu |
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng đặc biệt nhấn mạnh về tính nhân đạo, nhất là những bước tiến trong việc bảo vệ quyền con người của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Trong đó, đáng chú ý là việc bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh; bỏ đi một số loại tội không nguy hiểm cho xã hội và khó có thể chứng minh trên thực tế, gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng như tội tảo hôn, báo cáo sai trong kinh tế, tội cố ý làm trái; hạn chế hình phạt tù và mở rộng các hình phạt không bỏ tù, trong đó, ưu tiên đối với những tội danh vì mục đích là lợi nhuận, lấy đồng tiền làm mục tiêu như đánh bạc, cho vay nặng lãi, tai nạn giao thông...
Đặc biệt là bổ sung các trường hợp miễn trừ trách nhiệm hình sự. Đây có thể xem là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ quyền con người. Ngoài 4 trường hợp được quy định trong Luật năm 1999, Bộ luật năm 2015 bổ sung thêm 3 trường hợp được miễn trừ đó là gây thiệt hại trong quá trình bắt giữ tội phạm; rủi ro trong nghiên cứu và áp dụng khoa học kỹ thuật; thi hành mệnh lệnh của cấp trên.
Ngoài ra, Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015 còn bổ sung Chế định tha tù trước thời hạn đối với cá nhân cải tạo tốt có điều kiện và chính sách hạn chế biện pháp phạt tù đối với tội phạm vị thành niên.
Sinh viên ĐHQGHN trao đổi, chia sẻ với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao tại buổi giao lưu |
Trả lời câu hỏi của sinh viên về việc Việt Nam có tiếp tục cải cách tư pháp nữa hay không, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết: Cải cách là nhu cầu của thực tế cuộc sống. Thực tiễn đang đặt ra nhiều vấn đề và cũng đây là nội dung mà chúng ta cần đặt ra trong cải cách tư pháp. Chẳng hạn như vấn đề kinh tế chia sẻ đang đặt ra nhiều đòi hỏi mà hệ thống tư pháp cần giải quyết như vụ việc các hãng taxi truyền thống kiện Grab taxi tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong tương lai, hệ thống tư pháp của Việt Nam cũng phải tính đến việc áp dụng một số mô hình mà các nước tiên tiến đang áp dụng như xây dựng hệ thống Tòa án điện tử, Tóa án thông minh; số hóa tài liệu dành cho tội phạm; ghi âm, ghi hình trong quá trình xét xử, điều tra...
“Chúng ta cần tính đến việc học hỏi thế giới để có thể ứng dụng các phần mềm để người dân có thể tự phán quyết. Các phần mềm này cho phép nạp đầu vào những thông số, khi có đủ dữ liệu, sẽ hiện lên kết quả của bản án tương tự. Từ đó, giúp người dân có thể đưa ra quyết định kiện hay không kiện, kháng cáo hay không kháng cáo”- PGS.TS Nguyễn Hòa Bình cho hay.
Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình với cán bộ lãnh đạo, giảng viên DHQGHN |
Trước thắc mắc của nhiều bạn trẻ về việc máy móc, trí tuệ nhân tạo liệu có thể thay thế con người trong việc xét xử khi chúng ta bước vào cuộc cách mạng 4.0, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định: Dù khoa học có phát triển đến mấy thì việc xét xử vẫn phải do con người đảm nhiệm. Lý do là có những vấn đề luật không thể chi tiết hóa hết được. Trong những tình huống cụ thể này, rất cần đến những yếu tố khác như kinh nghiệm, văn hóa, tính nhân văn, lẽ công bằng trong trái tim con người mà máy móc, trí tuệ nhân tạo không thể nào thay thế được.