Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp

17:39 14/09/2020
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 48, chiều nay, 14/9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.


Đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai chiếm đa số

Trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng giảm trên hầu hết các tiêu chí cơ bản. So với năm 2019, số lượt công dân đến các cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh giảm 4%, số đoàn đông người giảm 17,7%, số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính nhà nước giảm 11,5%. Tuy nhiên, tổng số đơn thư các loại tăng 1,6%. 

Về khiếu nại so với năm 2019 giảm 5,8% số đơn, 15,5% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (61,5%). Về tố cáo so với năm 2019 tăng 20,8% số đơn, giảm 0,8% số vụ việc thuộc thẩm quyền. Nội dung tố cáo trong lĩnh vực hành chính chiếm đa số (64,8%).

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.

Về kết quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo, có 459.149 lượt công dân đến cơ quan hành chính nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh (giảm 4%), với 296.864 vụ việc (giảm 2,4%), có 3.779 lượt đoàn đông người (giảm 17,7%). 

Về tiếp nhận và xử lý đơn thư, các cơ quan hành chính tiếp nhận 305.769 đơn thư các loại. Có 189.202 đơn đủ điều kiện xử lý với 20.958 vụ việc khiếu nại, 8.120 vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền. So với năm 2019, số đơn thư các loại tăng 1,6%; số vụ việc khiếu nại thuộc thẩm quyền giảm 15,5%, số vụ việc tố cáo thuộc thẩm quyền giảm 0,8%.

Đối với giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, cơ quan hành chính nhà nước các cấp đã giải quyết 24.275 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 83,5% (khiếu nại 17.171 vụ việc, đạt 81,9%; tố cáo 7.104 vụ việc, đạt 87,5%). Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước, trả lại cho tập thể, cá nhân 42,1 tỷ đồng, 72,7 ha đất; khôi phục, bảo đảm quyền lợi cho 1.020 tập thể, cá nhân; kiến nghị xử lý vi phạm 541 người, chuyển cơ quan điều tra 12 vụ, 13 đối tượng.

Về giải quyết các vụ việc khiếu nại phức tạp, tồn đọng, kéo dài, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác, cùng các thành viên Tổ, đã trực tiếp làm việc tại 10 địa phương, chỉ đạo giải quyết 24 vụ việc.

Xử lý nhanh các khiếu nại, tố cáo liên quan đến cán bộ, công chức Toà án

Báo cáo của Chánh án Toàn án Nhân dân tối cao (TANDTC) về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND năm 2020 do Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình bày cho biết, thời gian qua, tình hình khiếu nại, tố cáo vẫn diễn biến phức tạp, một số vụ khiếu nại, tố cáo đông người, gay gắt, kéo dài, qua nhiều cấp giải quyết nhưng đương sự vẫn tiếp tục khiếu nại. 

Trong 10 tháng đầu năm 2020, các Tòa án đã nhận được 19.722 đơn thư các loại. Qua phân loại, số đơn mới thụ lý có 6.222 đơn/vụ đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; 4.044 đơn khiếu nại đối với các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán; 34 đơn tố cáo đối với cán bộ Tòa án. So với cùng kỳ năm trước, số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý mới giảm 446 đơn; đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán giảm là do TANDTC đã tổ chức nhiều Hội nghị chuyên đề, Hội nghị giải đáp các vướng mắc về nghiệp vụ cho các Tòa án nên kỹ năng, chất lượng giải quyết các loại vụ việc của đội ngũ công chức có chức danh tư pháp được nâng lên.

Về kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tổng số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mà các Tòa án phải giải quyết là 15.136 đơn/vụ; đã giải quyết được 7.101 đơn/vụ (đạt tỷ lệ 47%). TANDTC giải quyết được 1.525/2.564 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 59,5%; các TAND cấp cao giải quyết được 5.576/12.572 đơn/vụ, đạt tỷ lệ 44,35%. Trong tổng số 7.101 đơn/vụ đã giải quyết, Tòa án trả lời cho các đương sự là không có căn cứ kháng nghị 6.729 đơn/vụ; kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm 372 đơn/vụ.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Trí Tuệ trình bày báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của TAND năm 2020.

Về kết quả giải quyết đơn khiếu nại đối với quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán TAND, các đơn khiếu nại liên quan đến quyết định tố tụng, hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán đều được các Tòa án quan tâm giải quyết kịp thời nên việc giải quyết đối với loại đơn này luôn đạt tỷ lệ cao. 

Các Tòa án đã giải quyết 4.139/4.540 đơn; đạt tỷ lệ 91,2%. Trong tổng số 4.139 đơn đã giải quyết, có 392 đơn khiếu nại đúng; 142 đơn khiếu nại đúng một phần; 3.605 đơn khiếu nại không có căn cứ; số đơn còn lại (401 đơn) đang trong thời hạn giải quyết và được các Tòa án tiếp tục xem xét, xử lý trong quá trình giải quyết vụ án…

Nhìn chung, công tác giải quyết đơn tố cáo đối với cán bộ, công chức Toà án được thực hiện nghiêm túc, không để tồn đọng, kéo dài, các trường hợp có sai phạm đều được xử lý nghiêm.

Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn diễn biến phức tạp

Báo cáo về công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao (VKSNDTC) tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội Khóa XIV, Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Duy Giảng cho biết, năm 2020, tình hình khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù số lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại địa điểm tiếp công dân của VKSND giảm (14%), nhưng số lượng đơn do VKSND tiếp nhận tăng (3,4%) so với cùng kỳ năm 2019.

Về kết quả tiếp công dân, tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn, trong kỳ, VKSND các cấp đã tiếp 14.881 lượt công dân; trong đó, lãnh đạo VKSND các cấp tiếp 552 lượt; tiếp nhận, xử lý 75.048 đơn, trong đó, 23.873 đơn thuộc thẩm quyền giải quyết, 18.048 đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát và 33.127 đơn không thuộc thẩm quyền. 

Phó Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Duy Giảng trình bày Báo cáo về công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Về kết quả công tác giải quyết đơn, VKSND các cấp thụ lý 23.873 đơn/13.018 vụ việc; đã giải quyết 11.074 đơn/6.913 vụ việc, đạt 53%. Cụ thể, đơn khiếu nại trong hoạt động tư pháp đã thụ lý 2.489 đơn/1.892 việc, giảm 13,3%; đã giải quyết 2.064 đơn/1.679 việc, đạt tỷ lệ 88,74%; đơn tố cáo trong hoạt động tư pháp, VKSND các cấp đã thụ lý 261 đơn/229 việc; đã giải quyết 249 đơn/217 việc, đạt tỷ lệ 94,7%.

Về công tác giải quyết đơn do các cơ quan Đảng, Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Đại biểu Quốc hội chuyển đến VKSNDTC, VKSND các cấp thụ lý 220 đơn/192 vụ, việc; đã giải quyết 100 đơn/84 vụ việc, đạt tỷ lệ 43,8%. Trong đó, có 192 đơn/164 vụ, việc đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND; đã xử lý, giải quyết 89 đơn/73 vụ, việc, đạt 44,5%.

Chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo còn thấp

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, so với năm 2019, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân trong năm 2020 vẫn diễn biến phức tạp tập trung trong thời gian trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và thời gian diễn ra Kỳ họp thứ Chín của Quốc hội (đặc biệt số đơn tố cáo tăng 20,8%). 

Về cơ cấu, lĩnh vực khiếu nại, tố cáo không có nhiều thay đổi so với năm trước, tập trung chủ yếu về khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm tỷ lệ 61,5 % tổng số đơn khiếu nại (so với năm 2019 giảm 5,4%); về tố cáo vẫn chủ yếu là tố cáo cán bộ, công chức vi phạm pháp luật trong quản lý, thực thi công vụ... tập trung vào lĩnh vực hành chính chiếm tỷ lệ 64,8% (so với năm 2019 giảm 1,8%).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020.

Về kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền, theo Báo cáo của Chính phủ, mặc dù số lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo năm 2020 thuộc thẩm quyền giảm so với các năm trước, nhưng các cơ quan hành chính chỉ giải quyết được 83,5% vụ việc, chưa đạt mức chỉ tiêu phấn đấu, giải quyết kịp thời, có hiệu quả trên 85% các vụ việc và thấp hơn so với các năm 2017, 2018 và 2019. Bên cạnh đó, chất lượng giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là ở cấp cơ sở còn thấp. Đây là tồn tại kéo dài đã nhiều năm, gây bức xúc cho người dân và là một trong các nguyên nhân dẫn đến gia tăng đơn thư khiếu nại, tố cáo.

Về việc giải quyết đơn do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy, trong năm 2020, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục dành sự quan tâm đến việc giải quyết đơn do đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội chuyển đến; đã xem xét, xử lý, giải quyết 507/600 vụ việc (đạt 84,5%), thấp hơn so với tỷ lệ đơn được giải quyết năm 2019 (86,1%). 

Tuy nhiên, theo Báo cáo của Chính phủ, mới có 18 bộ, ngành Trung ương và 61 địa phương có số liệu báo cáo về nội dung này, nên chưa tổng hợp được đầy đủ. Đây là tồn tại đã được chỉ ra trong năm 2019, nhưng sang năm 2020 vẫn chưa khắc phục triệt để…

Tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa đạt yêu cầu

Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ các báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành TAND và ngành KSND năm 2020, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành TAND, năm 2020, TANDTC tiếp tục chú trọng công tác tiếp công dân, triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, Ủy ban Tư pháp nhận thấy công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành TAND vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chỉ đạt 47%, giảm so với cùng kỳ năm 2019, chưa đạt tỷ lệ 60% theo yêu cầu Nghị quyết số 96 của Quốc hội. Tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo đối với các quyết định và hành vi tố tụng của Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán đạt cao (91,2%) nhưng báo cáo chưa phân tích cụ thể các dạng sai sót trong quá trình tiến hành tố tụng của người tiến hành tố tụng thuộc TAND làm cơ sở để rút kinh nghiệm chung trong toàn ngành.

Về tình hình và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của VKSND, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, VKSND các cấp đã triển khai nhiều biện pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, kết quả giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo nói chung thuộc thẩm quyền giải quyết của VKSND giảm 4,4% so với năm 2019; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm đạt 50,2%, tuy có tăng so với năm 2019 nhưng chưa đạt chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội là trên 60%.

Cần có giải pháp xử lý, ngăn chặn việc khiếu nại, tố cáo không đúng

Đa số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao nội dung các báo cáo của Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2020; cho rằng, tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo trong năm qua đã có những chuyển biến tốt hơn so với các năm trước, số lượt người, số đoàn đông người đến khiếu nại, tố cáo cũng như số lượng vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền đều giảm. Qua đó, góp phần tạo bầu không khí phấn khởi chào mừng các ngày lễ trọng đại của đất nước, bảo đảm ổn định tình hình an ninh, trật tự phục vụ tổ chức thành công Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Một số ý kiến cho rằng, thời gian qua vẫn còn hiện tượng khá phổ biến là đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi đi khắp nơi. Do đó, đề nghị cần có giải pháp để xử lý dứt điểm vấn đề này. Cùng quan điểm, nhìn từ thực tế ở một số địa phương, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình đề nghị, các cơ quan làm rõ các giải pháp để xử lý, ngăn chặn đối với các đơn thư khiếu nại, tố cáo không đúng, bởi đây cũng là yếu tố quan trọng để hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo gửi lòng vòng.

Phương Thuỷ

Đến trưa 27/12, Công an TP Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) vẫn đang phong tỏa hiện trường vụ cháy xảy ra tại dãy nhà trọ cao 5 tầng trong hẻm 63, đường số 10, phường Tăng Nhơn Phú B, TP Thủ Đức để làm rõ nguyên nhân vụ cháy khiến 2 người tử vong, 8 người bị thương.

Ngày 27/12, Sở GD&ĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, Trường Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (Saigon Star International School) gồm Trường Mẫu giáo Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn và Trường tiểu học Quốc tế Ngôi sao Sài Gòn (phường Thạnh Mỹ Lợi (TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) chưa được Sở cấp phép hoạt động giáo dục.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu và môi trường Công an tỉnh Thanh Hoá đã phối hợp với Công an TP Sầm Sơn phá Chuyên án sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, bắt giữ 2 đối tượng: Nguyễn Hữu Nam (SN 2000, ở phường Trung Sơn, TP Sầm Sơn) và Triệu Y Tám (SN 2001, ở xã Hợp Sơn, huyện Ba Vì, TP Hà Nội).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文