Chốt phương án chuyển đổi đầu tư dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông
- Thường vụ Quốc hội đề nghị cân nhắc chuyển 8 dự án cao tốc sang đầu tư công
- Dự án cao tốc Bắc – Nam: Có nơi người dân chưa đồng thuận về giá đền bù
Chiều 1-6, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể thay mặt Chính phủ trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (lần 2) về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, ngoài dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết không có nhà đầu tư qua sơ tuyển, các dự án còn lại được xem xét chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công dựa trên 3 nguyên tắc. Đầu tiên, các dự án được lựa chọn chuyển đổi sang đầu tư công phải thực sự cần thiết, cấp bách và được lựa chọn khách quan, khoa học.
“Tuy nhiên, nếu các dự án kết nối không liên tục, dòng phương tiện bắt buộc phải di chuyển vào - ra các nút để tới các tuyến song hành nên sẽ giảm tính hấp dẫn, kém thu hút vận tải và không phát huy tối đa được năng lực vận tải liên tục với tốc độ cao của đường bộ cao tốc, có thể gây áp lực lớn lên giao thông nội vùng”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị 3 phương án chuyển đổi.
Tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Bộ Chính trị đã có ý kiến xem xét chuyển đổi một số dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công nhưng không chuyển hết cả 8 dự án.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể |
“Trong 3 phương án chuyển đổi hình thức đầu tư của Chính phủ đề xuất, tôi cho rằng phương án 3 là phù hợp nhất”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói và phân tích, trong phương án 3 có một dự án không có nhà đầu tư qua sơ tuyển (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) đương nhiên phải chuyển đổi hình thức đầu tư. Hai dự án còn lại là Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây lưu lượng xe rất lớn, một đoạn tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội (Mai Sơn - QL45), đoạn kia kết nối với TP. Hồ Chí Minh nên việc chuyển đổi sang đầu tư công là phù hợp.
“Hơn nữa, hai đoạn Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây vốn nhà nước góp ít, vốn nhà đầu tư lại lớn nên sẽ khó khăn về vốn tín dụng nếu tiếp tục triển khai bằng PPP”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói và nêu quan điểm thống nhất lựa chọn phương án 3, chuyển 3 dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - QL45 và Dầu Giây - Phan Thiết từ PPP sang đầu tư công.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng nói: “Tôi nhất trí cao với phương án 3 của Chính phủ đề xuất, chuyển đổi hình thức đầu tư 3 dự án từ PPP sang đầu tư công. Dự án không có nhà đầu tư (Vĩnh Hảo - Phan Thiết) chắc chắn Nhà nước phải làm. Hai đoạn còn lại là Mai Sơn - QL45 và Dầu Giây - Phan Thiết, tôi cũng thống nhất lựa chọn vì tính cấp thiết, nếu làm đầu tư công sẽ nhanh và thu hồi vốn Nhà nước qua thu phí cũng nhanh hơn”.
Đề cập đến nội dung này, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cũng đồng ý với phương án 3 của Chính phủ đề xuất. “Chọn phương án chuyển dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Mai Sơn - QL45 và Phan Thiết - Dầu Giây từ PPP sang đầu tư công là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện”, ông Hải nói.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lựa chọn chuyển đổi hình thức đầu tư các dự án cao tốc Bắc - Nam từ PPP sang đầu tư công theo phương án 3 của Chính phủ. “Chính phủ cần hoàn thiện tờ trình để trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 để Quốc hội xem xét, quyết định”, ông Hiển đề nghị và cho biết, đối với các dự án chuyển từ PPP sang đầu tư công vẫn phải tiến hành các thủ tục đấu thầu theo đúng quy định.