Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến: Tình trạng lõi nghèo cần “liều thuốc” đủ mạnh

10:43 13/08/2018

Sáng nay, 13-8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề này.



Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến có trách nhiệm trả lời về việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao.

Cần có chương trình mục tiêu quốc gia

Mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến sáng nay đã có 23 ĐBQH đăng ký chất vấn.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hoá) mở đầu bằng câu hỏi: Giảm nghèo bền vững là một trong những mục tiêu để chúng ta đảm bảo sự tiến bộ và công bằng xã hội, nhưng trong thực tế hiện nay, tổng dân số 53 dân tộc thì tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số rất cao, cứ 3 đồng bào dân tộc thì có 1 người nghèo, cứ 2 người nghèo của cả nước thì có 1 người nghèo là dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Điều đáng quan tâm là thu nhập bình quân đầu người đồng bào thiểu số rất thấp, có nơi chỉ bằng 1/3 thu nhập bình quân đầu người cả nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch về giàu nghèo ở các vùng miền… “Đề nghị Bộ trưởng làm rõ trách nhiệm của Uỷ ban Dân tộc miền núi? Giải pháp của Uỷ ban dân tộc như thế nào để khắc phục tình trạng trên” – ĐBQH Bùi Sỹ Lợi chất vấn.

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến đánh giá, đây là câu hỏi có tầm chiến lược, đang làm day dứt, trăn trở nhiều cấp lãnh đạo và chính bản thân ông. Theo Bộ trưởng, số hộ nghèo cả nước hiện này là hơn 1,6 triệu hộ; số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số là hơn 864.000 hộ, tức là chiếm hơn 55%. Còn thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu số có nơi chỉ 7-8tr đồng/người/năm, chỉ bằng 1/5 cả nước chứ không phải 1/3 như đại biểu nêu.

“Tôi may mắn được công tác ở 2 tỉnh miền núi nên nắm vững tình hình này. Ngay khi nhận nhiệm vụ vào tháng 4-2016, tôi đã tích cực phối hợp với Chính phủ và hệ thống của ngành mình tìm giải pháp tháo gỡ” – Bộ trưởng thông tin.

Cụ thể, đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2085 ngày 31-10-2016 về chính sách đặc thù hỗ trợ kinh tế xã hội cho đồng bào miền núi. Nhằm hỗ trợ đồng bào có đất sản xuất, nước sinh hoạt, vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất…

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến

“Chúng tôi kỳ vọng với những giải pháp ấy sẽ bớt được phần nào. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn nên hiệu quả chưa đạt được. Chúng tôi luôn suy nghĩ, hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc là trách nhiệm cả hệ thống chính trị. Với trách nhiệm của cơ quan tham mưu chính, chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của mình và sẽ tiếp tục có giải pháp” – Bộ trưởng cho biết.

Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã đưa ra một số giải pháp: Thứ nhất là phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, nhất là giao thông và thông tin. “Trong khi còn khó khăn thì phải ưu tiên giảm về khoảng cách địa lý” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh nguồn nhân lực và phát triển giáo dục- đào tạo. Tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, ổn định dân cư. Hiện nay chỉ riêng khu vực Tây Nguyên có 19.000 hộ cần phải ổn định dân cư, phải giải quyết đất sản xuất…

Tăng cường tuyên truyền vận động, thuyết phục bà con tự vươn lên, không trông chờ, dựa dẫm vào Nhà nước. Việc đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng là giải pháp căn cơ để giải quyết khó khăn, tăng thu nhập…

“Chúng ta phải tích hợp tất cả các chính sách này để thành chương trình mục tiêu quốc gia phát triển dân tộc thiểu số vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Vì tôi ví như 1 người uống thuốc chữa bệnh, nếu chỉ uống kháng sinh 2-3 viên thì chưa đủ liều, dẫn tới bệnh kéo dài và thành mãn tính. Nên lúc này cần nhất có chương trình đó, có sự tập trung đầu tư nguồn lực, tập trung chỉ đạo và có mục tiêu cụ thể, có tiêu chí đánh giá. Và sau 3 năm, 5 năm, 10 năm sẽ có kết quả cụ thể hơn” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến khẳng định.

ĐBQH Bùi Sỹ Lợi

ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) nêu quan điểm, các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc như Điện Biên, Cao Bằng, Hà Giang đều có tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo rất cao, trên 40%, được coi là vùng lõi nghèo của cả nước. Xin Bộ trưởng cho biết một số giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng lõi nghèo này?

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến thừa nhận, tỷ lệ nghèo mà đại biểu nói rất đúng, ở các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc là cao nhất. Giải pháp ông đề ra là làm sao giải quyết được 3 vấn đề chính: Kết nối giao thông, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm cho bà con; giải quyết sinh kế như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, nước sản xuất cho đồng bào; thu hút đầu tư và dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào.

“Đâu đây có những điểm sáng về vấn đề này nhưng trở thành phong trào là chưa có. Chúng tôi vẫn thiết tha đề nghị lại một lần nữa là phải có chương trình quốc gia đủ mạnh để giải quyết căn cơ các vấn đề, đáp ứng yêu cầu của bà con” – Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc đề nghị.

Chính sách giống nhau nhưng không trùng lặp

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, qua giám sát và khảo sát, các chương trình, chính sách, dự án đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số miền núi có nhiều chồng chéo, phân tán nguồn lực, hiệu quả thực hiện chưa cao…

“Ví dụ, hỗ trợ phát triển sản xuất có 4 chính sách, nước sinh hoạt có 3 chương trình, một số chính sách không phù hợp vùng, khu vực. Những tồn tại nêu trên chậm được khắc phục. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm và giải pháp khắc phục?” – ông Những nêu câu hỏi.

Đại biểu cũng chất vấn tình trạng đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ miền Bắc vào Tây nguyên không có giấy tờ, bị hạn chế về học tập. Có vùng có mấy trăm hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhưng chỉ có 1 cháu học đến lớp 9?

Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho biết: Theo Nghị định 05 của Chính phủ về công tác dân tộc, chúng ta có 13 nhóm chính sách và phân công 14 Bộ chủ trì. Như vậy, vấn đề đại biểu nêu có nhiều đầu mối quản lý chính sách dân tộc là đúng, vì đồng bào dân tộc thiểu số sống ở 51 tỉnh. Không có 1 bộ nào có đủ nguồn nhân lực, điều kiện để đáp ứng đầy đủ chính sách. Chính phủ phân công các bộ ngành như vậy nhưng các bộ chủ yếu xây dựng chính sách, đôn đốc, kiểm tra và theo dõi việc thực hiện. Còn việc triển khai thực hiện chính sách dân tộc chủ yếu ở các địa phương.

ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng

“Do đó, kết quả việc thực hiện chính sách có vai trò của các bộ ngành, có trách nhiệm của chúng tôi, nhưng vai trò chính ở các địa phương” – Bộ trưởng thừa nhận.

Theo ông, đúng là có chính sách nhiều bộ đề xuất, ví dụ như nước sạch, Uỷ ban Dân tộc và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng đề xuất, nhưng không hề chồng chéo, trùng lặp. “Mỗi 1 xã có 15-20 thôn thì chương trình này đầu tư thôn này, chương trình khác không đầu tư vào thôn ấy nữa mà đầu tư thôn khác. Do vậy, sự hưởng lợi khác nhau chứ không trùng nhau. Nhưng tôi thừa nhận là cũng không tốt”, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phân tích.

Ông đề nghị cần có nghiên cứu tầm quốc gia để giải quyết việc 14 triệu đồng bào dân tộc thiểu số này có cuộc sống tốt hơn. “Nó là vấn đề chiến lược, vấn đề kinh tế - chính trị, văn hoá, sinh thái – môi trường, an ninh – quốc phòng… Nếu tích hợp lại thành chương trình mục tiêu quốc gia, có ban điều hành do Phó Thủ tướng điều hành, có một ban điều hành triển khai, đôn đốc thì sẽ hiệu quả hơn rất nhiều” – Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh.

Bộ trưởng cho rằng, Uỷ ban Dân tộc là cơ quan ngang Bộ, tức không phải là Bộ nhưng thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Do đó, theo ông nếu không thành lập được Bộ thì đề nghị cấp có thẩm quyền để cho Uỷ ban Dân tộc hoạt động trở lại đúng như mô hình Uỷ ban, có các bộ ngành tham gia…

Về di cư tự do vào các nơi, Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến cho rằng không chỉ phía Bắc vào Tây Nguyên mà còn có tình trạng di cư đến Tây Bắc, Tây Nam Bộ. “Vấn đề đại biểu Nhưỡng nêu là chính xác, tôi cũng đã dành 1 cuộc làm việc tại Đắk Nông nhưng các đồng chí vẫn chưa giải quyết được vấn đề hộ khẩu và CMND. Nhưng bây giờ tỉnh đã quan tâm, bố trí trường học ở các điểm đó, hầu hết do nhân dân đóng góp song nhà nước cử giáo viên vào” – Bộ trưởng nói.

Ông khẳng định, đây là vấn đề cần có sự chia sẻ của các bộ, ngành khác chứ một mình Uỷ ban Dân tộc không thể giải quyết được.


Quỳnh Vinh

Sự phát triển nhanh chóng của Internet, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội kéo theo việc người sử dụng tăng nguy cơ phải tiếp xúc với tin giả. Việc người dùng mạng xã hội thường xuyên phải tiếp cận với tin giả có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Thế nên việc nhận diện và xử lý tin giả là rất quan trọng, góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 3/5 cho biết, một lần nữa cầu Crimea lại nằm trong tầm ngắm của Kiev với sự hỗ trợ từ phương Tây. Bà Zakharova cảnh báo, bất kỳ hành động gây hấn nào nhằm vào Crimea đều sẽ bị đáp trả nặng nề.

Cơ quan phòng vệ dân sự bang Rio Grande do Sul, miền Nam Brazil, ngày 3/5 (giờ địa phương) cho biết trận lũ lụt kỷ lục ở bang đã khiến 39 người thiệt mạng và 68 người khác vẫn mất tích, buộc hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.

Dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (huyện Quế Sơn, Quảng Nam) đang được triển khai xây dựng theo kiểu “rùa bò”, chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc giải tỏa đền bù gặp khó khăn. Trong khi trường mới chưa được xây xong, thầy cô giáo cùng 562 học sinh nhà trường phải dạy và học trong ngôi trường cũ xập xệ, mất an toàn.

Một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) cho hay, bất kỳ một cuộc tấn công bộ binh nào nhằm vào thành phố Rafah đều sẽ gây ra đau khổ, tổn thất lớn đối với cả triệu người Palestine tị nạn tại đây.

Lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ các cá nhân riêng lẻ thực hiện, mà nay hoạt động này còn được “nâng cấp” bởi những ổ nhóm tội phạm có tổ chức dưới mác công ty, tập đoàn. Thay vì thành lập công ty, tập đoàn để hoạt động kinh doanh, sản xuất, mang lại giá trị tinh thần, vất chất cho xã hội, không ít đối tượng đã lấy đó làm bình phong để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng đã làm giả bằng cấp để nộp hồ sơ làm cộng tác viên, phóng viên của một số báo, tạp chí. Sau đó, với danh nghĩa phóng viên, cộng tác viên, các đối tượng này đã đến cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh thu thập thông tin liên quan đến hoạt động điều hành, kinh doanh, sản xuất của các cơ sở rồi cưỡng đoạt tài sản.

Tại dự thảo Quy chế quản lý hoạt động trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận, đang được UBND TP Hà Nội lấy ý kiến người dân, TP lên kế hoạch cấm các hoạt động, sự kiện dưới hình thức thuần túy hội chợ thương mại, chương trình khuyến mại, giới thiệu sản phẩm... quanh phố đi bộ hồ Gươm và vùng phụ cận.

Trung Quốc ngày 3/5 đã phóng một tàu vũ trụ không người lái thực hiện sứ mệnh kéo dài gần hai tháng nhằm lấy đá và đất từ phía xa của Mặt Trăng, trở thành quốc gia đầu tiên thực hiện nỗ lực đầy tham vọng này.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文