Chủ tịch Quốc hội: “Có những tội luật sư không thể làm ngơ“

14:13 27/05/2017
"Đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được, nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được".

Do còn nhiều ý kiến chưa được phát biểu cũng như một số nội dung còn có ý kiến tranh luận, sáng nay (27-5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị  góp ý về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Khoảng 40 đại biểu tham dự hội nghị dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 tiếp tục là nội dung nhận được ý kiến tranh luận "nảy lửa".

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh phát biểu tại hội nghị sáng nay 27-5.

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh – Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, điều tra tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan điều tra, luật sư với trách nhiệm người bào chữa và trách nhiệm công dân, luật sư phải ứng xử thế nào? Nếu luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa không? Xã hội có tẩy chay nghề luật sư không? Chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác rồi thì không biết nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không?

“Trao đổi với các chuyên gia của Nhật, Đức, Mỹ, họ nói, ở nước họ, trong trường hợp biết thân chủ của mình chuẩn bị thực hiện tội phạm hoặc lên kế hoạch thực hiện tội phạm thì báo cho cơ quan nhà nước, nhưng họ chỉ khoanh lại trong những tội đặc biệt nghiêm trọng như khủng bố, lật đổ chính quyền. Còn những tội phạm đã thực hiện rồi thì miễn trừ cho luật sư” – ông Thịnh cho biết và đề nghị với điều kiện ở Việt Nam cũng cần giảm số tội mà luật sư phải tố giác.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các luật sư tiếp tục thảo luận riêng.

Trước ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi với Liên đoàn Luật sư là trước khi sửa bộ luật này có điều gì làm thui chột nghề luật sư chưa?

“Biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì phải xem lại chỗ này. Ở đây tôi hiểu nên giới hạn trong tội nào, chứ đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được. Nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và cho rằng biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì luật sư hoàn thành nghĩa vụ của mình, nhưng nó ảnh hưởng tới quốc gia, đất nước, tới nhiều người dân vô tội nữa nên làm ngơ là không được.

Trao đổi lại, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh chia sẻ, Luật sư không những bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho khách hàng mà quan trọng hơn nữa là bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Tất cả luật sư đều có bổn phận trách nhiệm để có thể tham gia bào chữa trong tất cả các vụ án, luật sư tham gia là tốt cho cả xã hội chứ không chỉ tốt cho thân chủ đó.

Đại biểu Nguyễn Thái Học bày tỏ quan điểm không đồng tình với ý kiến của nhiều luật sư.

Tranh luận lại với ý kiến của đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, đại biểu Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho biết, bản thân ông rất suy nghĩ và từng có thời gian 8 năm hành nghề luật sư nên rất hiểu và chia sẻ. Nhưng quan điểm của ông là ủng hộ khoản 3 điều 19 vì quy định như thế là luật đã ghi nhận vai trò, trách nhiệm của luật sư, cũng ghi nhận mối quan hệ đặc biệt giữa luật sư với thân chủ.

"Bố mẹ, anh chị em vợ chồng có nghĩa vụ tố giác tội phạm là những người thân thích của mình, thì bản thân luật sư với mối quan hệ đặc biệt với thân chủ cũng có trách nhiệm trong việc tố giác tội phạm. Luật giới hạn chỉ tố giác tội phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Như thế là phù hợp, chứ không phải ràng buộc luật sư tố giác mọi tội phạm” – ông Nguyễn Thái Học phân tích.

Theo vị đại biểu đoàn Phú Yên, điều này phù hợp với trách nhiệm của luật sư, vừa bảo vệ quyền lợi thân chủ của mình, đồng thời bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa – đây là một trong những nghĩa vụ của luật sư.

"Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, ở đây có thể các luật sư mong muốn sự chia sẻ của các ĐBQH nhưng chia sẻ cũng phải trên cơ sở pháp luật” – ông Học nhấn mạnh và cho rằng, quy định khoản 3 điều 19 là phù hợp với hoạt động của luật sư, không ảnh hưởng đến hoạt động hành nghề luật sư hay làm thui chột nghề này hoặc ảnh hưởng sự thu hút đầu tư nước ngoài.

Nêu ý kiến tại Hội nghị, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh quan hệ giữa luật sư với thân chủ là một trong những vấn đề rất quan trọng của hệ thống tư pháp.

“Xuất phát từ công ước về quyền con người mà chúng ta ký thì Liên Hợp Quốc ban hành Nghị quyết về quan hệ giữa luật sư và người được bào chữa. Trong nghị quyết này có ghi là các Nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để bảo vệ quyền bí mật giữa luật sư và thân chủ” – luật sư Nghĩa dẫn chứng và cho biết, chữ “tố giác” rất rộng.

“Một ông đi tố giác ông hàng xóm, biết cái gì đi tố giác đã nguy hiểm còn một ông luật sư đi tố giác chính người mình bào chữa, sau tòa xử không phạm tội, ông tố giác bậy thì làm sao?” – ông Nghĩa nêu ví dụ và đề nghị có thể không cần thu hẹp tội phải tố giác nhưng bổ sung 3 điều kiện là luật sư phải biết rõ, có chứng cứ và nếu những hành vi đấy không được tố giác sẽ dẫn đến nguy hiểm cho xã hội.

Do còn ý kiến khác nhau, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra ngồi lại thảo luận thấu tình đạt lý với các luật sư, có thể mời các nhà làm luật tranh luận riêng.

Theo vov

Ngày 27/4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã triệt phá đường dây tội phạm có tổ chức, hoạt động “Rửa tiền", "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”; khởi tố bị can và bắt tạm giam 13 đối tượng. Kết quả điều tra xác định, các đối tượng đã trực tiếp hoặc thuê người thành lập hơn 250 công ty ma nhằm mở tài khoản công ty phục vụ hoạt động phạm tội, với tổng giao dịch hàng chục ngàn tỷ đồng…

Sau thời gian theo dõi, ngày 12/4/2024, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hồ Chí Minh bắt quả tang nhóm đối tượng do Tăng Khải Văn (sinh năm 1988, trú tại quận 10) cầm đầu đang tổ chức đánh bạc qua mạng, dưới hình thức cá độ bóng đá.

Nguồn tin từ Cơ quan CSĐT Công an TP Nha Trang (Khánh Hòa) chiều nay (27/4) cho biết, trong hành trình truy bắt 3 đối tượng người nước ngoài gây án cướp tài sản có tổng trị giá gần 700 triệu đồng, các trinh sát hình sự phát hiện còn có 1 đối tượng đồng phạm khác cũng là người nước ngoài, nên đang khẩn trương truy lùng.

Quá trình kiểm tra, đối tượng khai nhận đang cất giấu trong người 1 khẩu súng ngắn, trong súng có chứa 4 viên đạn  với mục đích mua về để sử dụng phòng thân và hiện đang cất giấu ma tuý đá, heroin, hồng phiến tại chỗ ở của hai vợ chồng.   

Chiều 27/4, Trung tá Tạ Quang Dung, Trưởng Công an huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị cho biết, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị phát hiện một đường dây vận chuyển ma túy từ Lào vào Việt Nam theo đường mòn, lối mở trái phép trên tuyến biên giới huyện Hướng Hóa, nên xây dựng phương án đấu tranh, bắt giữ.  

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp với nguồn tin từ người dân cung cấp, lực lượng Công an đã khẩn trương truy bắt nhanh gọn 3 người nước ngoài đã đột nhập cửa hàng kinh doanh điện thoại ở phố biển Nha Trang (Khánh Hòa) để cướp tài sản.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文