Chủ tịch nước Trần Đại Quang:

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trước yêu cầu mới

17:36 31/08/2016
Nhân dịp 71 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài viết “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trước yêu cầu mới”. 

Báo CAND xin trân trọng giới thiệu bài viết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành di sản vô giá, truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trọng nhân nghĩa, khoan dung, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người con đất Việt, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. 

Lịch sử đã chứng minh truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta bất luận trong hoàn cảnh nào, đã kết thành sức mạnh vô địch, đưa dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vẻ vang.

Ngay từ khi mới ra đời và trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn xác định đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. 

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã trở thành một trong những bài học kinh nghiệm lớn, là phương thức và cũng là điều kiện bảo đảm thực hiện thành công sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong mỗi giai đoạn cách mạng.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

Từ thực tiễn đấu tranh cách mạng phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khái quát thành tư tưởng đại đoàn kết toàn dân tộc và nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. 

Văn kiện Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng đã chỉ rõ: “Phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng sáng tạo của nhân dân để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; lấy mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia - dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước, tăng cường quan hệ mật thiết giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc” ( 1 ) .

Từ sau Cách mạng Tháng Tám đến nay, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về dân tộc, tôn giáo, thanh niên, phụ nữ, công nhân, nông dân, trí thức, văn nghệ sĩ, người Việt Nam ở nước ngoài... nhằm khơi dậy, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. 

Nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng được coi trọng, có nhiều chuyển biến tích cực. 

Các cấp, các ngành đã hướng mạnh về cơ sở, bám sát địa bàn, bám dân, tăng cường đối thoại với nhân dân, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của nhân dân để tham mưu với Đảng, Nhà nước đề ra các chủ trương, chính sách xử lý có hiệu quả những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống người dân. 

Việc triển khai thực hiện nhiều chính sách, chương trình, mục tiêu đã làm cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ở các vùng đồng bào dân tộc được cải thiện rõ rệt; văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn và phát huy. Công tác vận động đồng bào có đạo, các tín đồ, chức sắc hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc đạt được nhiều kết quả thiết thực.

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội từng bước được tăng cường; dân chủ đại diện, dân chủ trực tiếp ở cơ sở được mở rộng, góp phần động viên các tầng lớp nhân dân đẩy mạnh lao động, sản xuất, tích cực tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách hậu phương, chăm sóc thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, không ngừng củng cố và tăng cường “thế trận lòng dân”, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Việc tập hợp các tầng lớp nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài với các hình thức đa dạng có bước phát triển mới. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân được mở rộng, vai trò và vị trí trong xã hội được nâng cao; nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, đáp ứng tốt hơn nguyện vọng, quyền lợi của đoàn viên, hội viên, động viên, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; thu hút đồng bào ta ở nước ngoài đóng góp nhân lực, vật lực, tham gia xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. 

Qua đó, đã tăng cường không khí dân chủ và sự đồng thuận trong xã hội, tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, đất nước ta đang đứng trước nhiều vấn đề mới đặt ra, tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của nhân dân. 

Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội ngày càng gay gắt; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xâm phạm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân... còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận cùng với các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đang làm xói mòn lòng tin của nhân dân, trở thành thách thức đối với mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. 

Thực tiễn đòi hỏi phải tiếp tục củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy sức mạnh to lớn của toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Để thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với việc xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. 

Quán triệt sâu sắc trong tư tưởng và thực hiện nhất quán trong hành động của từng cán bộ, đảng viên quan điểm mấu chốt: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, nhân dân là chủ, nhân dân làm chủ; đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều sống trong môi trường an toàn, an ninh và được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. 

Nhiệm vụ bao trùm, xuyên suốt của tất cả các cấp, các ngành là tập hợp, động viên được mọi tầng lớp nhân dân ở trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài không ngừng đoàn kết, nỗ lực tham gia xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước.

Tiếp tục thể chế hóa phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thành những chính sách, quy chế, quy định cụ thể để nhân dân phát huy quyền làm chủ trên thực tế và thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với Nhà nước và xã hội. 

Xây dựng cơ chế, chính sách và các hình thức tổ chức để nhân dân được phát huy quyền làm chủ trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, phát triển tài năng, sức sáng tạo, phát triển sản xuất, kinh doanh làm giàu chính đáng, mang lại lợi ích cho mình và cho đất nước. 

Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức “gần dân, hiểu dân, học dân, trọng dân và có trách nhiệm với dân”, gương mẫu, tận tụy với công việc, nói đi đôi với làm, thực sự là công bộc của nhân dân. 

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong bộ máy công quyền trên cơ sở làm rõ trách nhiệm cá nhân đối với những hành vi coi thường và làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, củng cố lòng tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước. 

Kiên quyết, kiên trì thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII), xây dựng các tổ chức đảng, cơ quan nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục truyền thống yêu nước, trách nhiệm công dân, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng sự đồng thuận xã hội và đề cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, ý chí tự lực, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, coi đó là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng, hợp pháp của nhân dân; kết hợp hài hòa lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích của toàn xã hội; huy động sức dân đi đôi với bồi dưỡng sức dân; phát huy dân chủ gắn liền với giữ nghiêm kỷ cương, phép nước, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. 

Đẩy mạnh cải cách tư pháp, cải cách hành chính, đổi mới phong cách, lề lối làm việc, chấn chỉnh thái độ phục vụ nhân dân; hướng hoạt động nhiều hơn về cơ sở, đến từng hộ dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vận động và giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc ở từng cộng đồng dân cư. 

Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tích cực, chủ động tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa phương.

Thường xuyên đối thoại, lắng nghe, tiếp thu, tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bức xúc, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống, việc làm, đất đai, môi trường...; xử lý nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng; giải quyết ổn định những vụ việc khiếu kiện đông người, không để kéo dài, phức tạp. 

Chủ động đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch, phản động chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc hòng chia rẽ nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi; rà soát, điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện những chính sách đã có và nghiên cứu ban hành những chính sách mới để đáp ứng yêu cầu phát triển các vùng dân tộc và nhiệm vụ công tác dân tộc trong giai đoạn mới. 

Giữ gìn và phát huy truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh và tri ân những người có công với nước; tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo, qua đó tăng cường sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo và những người không tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người có các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; đồng thời tích cực đấu tranh chống những biểu hiện, hành vi tà đạo, mê tín, dị đoan, lợi dụng tôn giáo làm phương hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.

Nâng cao vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong việc thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, công tác dân tộc, tôn giáo. 

Đa dạng hóa các hình thức tập hợp, động viên nhân dân đồng tâm, hiệp lực thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực nắm bắt, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên; đồng thời làm tốt vai trò giám sát đối với các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, góp phần xây dựng chính quyền các cấp trong sạch, vững mạnh. 

Đẩy mạnh thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhất là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 - 2020 do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động. Trân trọng, tôn vinh những cống hiến, đóng góp của nhân dân, biểu dương kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt và nhân rộng các điển hình tiên tiến. 

Có chính sách động viên, bồi dưỡng, hướng dẫn và phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc, chức sắc tôn giáo trong việc thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn. 

Quan tâm công tác đối ngoại nhân dân, tích cực vận động và có chính sách thu hút người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh, giữ gìn bản sắc dân tộc, hình ảnh con người, đất nước Việt Nam; khen thưởng, động viên kịp thời những người có thành tích tiêu biểu, đồng thời chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nước sở tại có các biện pháp hữu hiệu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đồng bào.

Sức mạnh của Đảng chính là mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân. Do vậy, mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước phải hợp với lòng dân, xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của người dân, phải làm cho nhân dân hiểu, thấm nhuần, biến thành ý chí và hành động của toàn dân và đi vào cuộc sống. 

Sứ mệnh của Đảng và của cả hệ thống chính trị là phải không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao tầm trí tuệ, sức chiến đấu để tập hợp các tầng lớp nhân dân trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh vững chắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 158-159

GS.TS. Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam

Chiều 18/12, Báo Nhân dân đã tổ chức lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Với việc quét mã QR được tích hợp trên từng bức tranh và sơ đồ trận đánh, người xem sẽ được trải nghiệm thêm thông tin, hình ảnh trực quan về các trận chiến nổi tiếng cùng dấu ấn của những vị tướng tài danh trong lịch sử dân tộc.

Ngày 18/12, Đoàn công tác của Bộ Công an do Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc thông qua kết quả kiểm tra, đánh giá các mặt công tác Công an và kết quả thực hiện chỉ tiêu công tác năm 2024 của Công an tỉnh Ninh Bình. 

Sáng 18/12, Bộ Công an đã tổ chức Hội nghị trực tuyến thực hiện các nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính (TTHC) trọng tâm năm 2024 và chủ động khai thác, sử dụng bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Tổ thường trực cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ. Trung tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ chủ trì Hội nghị.

Ngày 18/12, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước đã phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, lệnh khám xét chỗ ở, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phạm Tiến Thành (SN 1985, trú thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) về tội “Gây rối trật tự công cộng”.

Ngày 18/12, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, từ nay đến Tết, Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, Tết… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Khi đến Km 74 +600 QL49A đoạn qua đèo A Co thuộc xã Phú Vinh, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), xe đầu kéo do tài xế Hảo điều khiển bất ngờ gặp tai nạn lao xuống vực đèo cách mặt đường khoảng 30m. Vụ tai nạn khiến tài xế Hảo tử vong, xe ô tô đầu kéo hư hỏng nặng.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文