Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

18:20 31/05/2018
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản, ngày 31-5, tại Phủ Thủ tướng, Thủ đô Tokyo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã hội đàm và dự chiêu đãi chính thức của Thủ tướng Nhật Bản ShinzoAbe chào mừng Chủ tịch nước Trần Đại Quang và đoàn đại biểu cấp cao của Việt Nam.

Tại buổi hội đàm, trong bầu không khí hữu nghị, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, hai Nhà lãnh đạo đã trao đổi ý kiến sâu rộng về quan hệ Việt Nam – Nhật Bản và bày tỏ vui mừng về việc quan hệ hai nước đang ở giai đoạn rất tốt đẹp qua 45 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, phát triển thực chất, nhanh chóng trên mọi lĩnh vực với nhiều điểm tương đồng về lợi ích chiến lược. 

Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí cao về những phương hướng lớn và các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, thực chất và hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới; nhất trí năm 2018 là năm khởi đầu mở ra một giai đoạn phát triển mới trong quan hệ hai nước.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng ShinzoAbe

Thủ tướng Shinzo Abe nhiệt liệt chào mừng chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, coi đây là sự kiện chính trị rất quan trọng trong quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản; Nhật Bản đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế, xã hội, vị thế, vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới và hết sức coi trọng Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang cảm ơn sự đón tiếp đặc biệt trọng thị, thân tình của Nhà vua và Hoàng hậu, Hoàng gia, Thủ tướng ShinzoAbe và Chính phủ Nhật Bản; khẳng định Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là đối tác quan trọng hàng đầu và lâu dài, đánh giá cao sự hợp tác, giúp đỡ hiệu quả về nhiều mặt đối với Việt Nam; đồng thời chia sẻ những thành quả kinh tế của Nhật Bản thông qua chính sách Abenomics.

Hai Nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường sự tin cậy chính trị thông qua việc duy trì các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, tăng cường hợp tác và giao lưu giữa hai đảng cầm quyền và quốc hội hai nước.

Hai bên hoan nghênh sự phát triển mạnh mẽ của hợp tác kinh tế giữa hai nước thời gian qua, nhất trí tiếp tục thúc đẩy tăng cường liên kết kinh tế theo tinh thần hai bên cùng có lợi, thúc đẩy tăng cường đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam, hợp tác trong các dự án lớn, trọng điểm về cơ sở hạ tầng chất lượng cao, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực, ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam; thúc đẩy tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước, tạo điều kiện để thủy sản và hoa quả của Việt Nam như vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản. 

Quang cảnh cuộc Hội đàm 

Thủ tướng ShinzoAbe khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội thông qua nguồn viện trợ phát triển cũng như thúc đẩy hợp tác các dự án cơ sở hạ tầng chất lượng cao, cam kết cung cấp thêm khoản viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam trị giá 16 tỷ Yên, tương đương 142 triệu USD cho dự án nâng cao năng lực đào tạo nghề. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao sự đóng góp của viện trợ phát triển của Nhật Bản đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam, nhất trí việc hai nước phối hợp chặt chẽ nhằm sử dụng hiệu quả nguồn viện trợ phát triển này.

Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh quốc phòng, triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, trang thiết bị quốc phòng, quân y, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, khắc phục hậu quả chiến tranh thông qua rà phá bom mìn và hỗ trợ nạn nhân đi-ô-xin tại Việt Nam, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển và chia sẻ kinh nghiệm về chính sách biển. Hai Nhà lãnh đạo hoan nghênh hai bên bắt đầu đàm phán hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và hiệp định chuyển giao người bị kết án.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, nông nghiệp, y tế, môi trường, lao động, xây dựng và phát triển đô thị, cải cách hành chính, hợp tác địa phương. Thủ tướng ShinzoAbe khẳng định sẽ hỗ trợ Việt Nam đào tạo bồi dưỡng cán bộ cao cấp, cải cách hành chính và tiếp tục tiếp nhận thực tập sinh kỹ năng của Việt Nam sang Nhật Bản.

Hai Nhà lãnh đạo khẳng định hai nước sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2018, tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân nhằm làm sâu sắc hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, cho rằng đây là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản cho thời gian tới.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là tích cực phối hợp với các đối tác quốc tế đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn quốc tế và khu vực trong những vấn đề hai bên cùng quan tâm.

Hai bên đã trao đổi về tình hình Bán đảo Triều Tiên; khẳng định ủng hộ các nỗ lực vì hòa bình, ổn định và phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các bất đồng bằng biện pháp ngoại giao và hòa bình.

Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về tầm quan trọng của việc bảo đảm hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông, thúc đẩy giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, kiềm chế và tránh mọi hành động làm tổn hại lòng tin, nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và có hiệu lực pháp lý.

Sau hội đàm, Việt Nam và Nhật Bản đã ra Tuyên bố chung về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Nhật Bản của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang và Phu nhân.

Sau hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng ShinzoAbe đã chứng kiến các Bộ ngành và cơ quan hai nước trao đổi 4 văn kiện ký kết, bao gồm:

- Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cấp học bổng phát triển nhân lực trị giá 745 triệu Yên, tương đương 6,77 triệu USD.

- Công hàm trao đổi dự án viện trợ không hoàn lại cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở (SPR) tại thành phố Hồ Chí Minh trị giá 1,96 tỷ Yên, tương đương 17,8 triệu USD.

- Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quản lý đất đai, tài nguyên nước, đo đạc, bản đồ, thông tin không gian địa lý, khí tượng thủy văn và viễn thám ký giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường của Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản.

- Biên bản Hợp tác về xây dựng và phát triển đô thị (giai đoạn 2018 - 2021) ký giữa Bộ Xây dựng của Việt Nam và Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông Nhật Bản.

Kim Thẩm (từ Tokyo - Nhật Bản)

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文