Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới xâm nhập từ bên ngoài

14:03 27/07/2020

Chủng virus SARSCoV-2 ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài.



Đây là thông tin Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đưa ra tại cuộc họp Thường trực Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì sáng nay 27/7. 

Phát biểu tại cuộc họp,  Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng. 

Kết quả phân tích nguồn gen của virus từ các bệnh nhân cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam (trước đó có 5 chủng virus SARS-CoV-2 khác nhau). Chủng này có đặc tính lây lan nhanh hơn so với các chủng trước đây đã ghi nhận. Tuy nhiên, chưa có căn cứ xác định độc lực của virus này tăng lên so với các chủng trước.

Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Hiện Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất, là những chuyên gia giỏi nhất chi viện cho Đà Nẵng để hỗ trợ phòng chống dịch.

Công việc của các đội là tổng rà soát nhằm tìm ra nguồn lây sớm nhất, phối hợp tổ chức điều trị cho các bệnh nhân mắc COVID-19. Đối với 2 bệnh nhân nặng phải thở máy, chạy ECMO, đến sáng nay các chỉ số sức khoẻ tương đối ổn định,…

Cũng trong sáng nay 27/7, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã tổ chức họp. 

Phân tích về cơ chế lây nhiễm của 4 ca bệnh trong cộng đồng vừa xuất hiện, các chuyên gia và thành viên Ban Chỉ đạo cho hay, kết quả điều tra dịch tễ ban đầu cho thấy các trường hợp mắc bệnh đều liên quan đến 3 cơ sở: Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Chỉnh hình, 3 bệnh viện này nằm chung trên 1 khu đất.

Vì vậy, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, các giải pháp đưa ra lúc này là cần tổ chức giãn cách xã hội, phong tỏa ổ dịch hợp lý; không phong toả tất cả mà phong toả từng nấc; thực hiện giãn cách xã hội tại Đà Nẵng, mọi người hạn chế ra khỏi nhà, không tụ tập đông người...

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 họp sáng 27/7 (Ảnh: Đình Nam)

Theo lãnh đạo Bộ Y tế, việc phong toả cụm 3 bệnh viện tại Đà Nẵng sẽ áp dụng giống như Bệnh viện Bạch Mai trước đây. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ tối đa nhất về nguồn lực để cùng với địa phương tổ chức hiệu quả cách ly, truy vết, điều trị, xét nghiệm, khoanh vùng, dập dịch…”, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

Tất cả những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần; Còn những người khác từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ;…

Bên cạnh đó, cần mở rộng xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch để kịp thời khoanh vùng, dập dịch triệt để. Các chuyên gia cho rằng những giải pháp này không chỉ áp dụng riêng với Đà Nẵng mà ở các địa phương khác cũng cần kiểm soát chặt các trường hợp nghi nhiễm. Tại các cơ sở khám chữa bệnh phải tăng cường kiểm soát, bảo đảm an toàn dịch tễ, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ.

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Đắc Vinh, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng,… đều nhấn mạnh tính nghiêm trọng của vấn đề và cho rằng chúng ta không được chủ quan, lơ là. 

Công tác quản lý biên giới, đường mòn, lối mở, quản lý người nhập cảnh phải được siết chặt trong thời gian tới. Đồng thời, lực lượng Công an khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép, tổ chức cho người nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Chính quyền các địa phương và người dân phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng trong việc quản lý người nhập cảnh. 

Sau khi nghe các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, cần phải tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Hoan nghênh Bộ Y tế cử các đội chuyên gia giỏi nhất vào hỗ trợ Đà Nẵng khoanh vùng, dập dịch. Phải tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch một cách quyết liệt, lấy kinh nghiệm xử lý các ổ dịch lớn như ở BV Bạch Mai.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vai trò của lực lượng điều tra dịch tễ học, phối hợp với lực lượng Công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, véc-tơ truyền bệnh là rất quan trọng.

Theo Phó Thủ tướng, không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh,…

Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương xét nghiệm bằng các loại kit thử mà Việt Nam sản xuất, bảo đảm đầy đủ kit thử, trang thiết bị y tế và các điều kiện khác để sẵn sàng ứng phó với diễn biến của dịch



Tr.Hằng

Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan chức năng Australia đang tiến hành các thủ tục để chuẩn bị tổ chức Đối thoại An ninh cấp Bộ trưởng Việt Nam - Australia lần thứ nhất vào cuối năm 2024. Đây là sự kiện quan trọng góp phần nâng tầm hợp tác hai bên trong lĩnh vực an ninh và thực thi pháp luật.

Với việc hóa thân thành ông lão 72 tuổi để nói về việc trẻ em thiếu tình thương, em Nguyễn Đỗ Quang Minh, học sinh lớp 9, Trường THCS-THPT Nguyễn Khuyến, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng đã vượt qua 1,5 triệu bài viết, giành giải Nhất quốc gia cuộc thi Viết thư UPU lần thứ 53.

Liên quan đến thông tin một số khán giả cho rằng, trang phục biểu diễn của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng có cài huy hiệu lạ, nhạy cảm trong đêm nhạc “Ngày em thắp sao trời”, chiều 7/5, ông Nguyễn Danh Hoàng Việt, Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nắm được vụ việc và chỉ đạo kiểm tra.

Những ngày qua có 4 tàu cá cùng 11 ngư dân của Quảng Bình bị nạn trên biển do lốc xoáy, sau 5 ngày nỗ lực liên lạc, tìm kiếm, 4 ngư dân đã được đưa vào bờ an toàn trong niềm vui vỡ oà của người thân.

Từ thắng lợi Điện Biên Phủ chấn động địa cầu năm 1954 đến đại thắng mùa xuân năm 1975 là 21 năm đằng đẵng với bao mất mát, hy sinh của dân tộc Việt Nam. Trong hành trình ấy, nhân dân Việt Nam đã đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng cách mạng chân chính và vững niềm tin để thực hiện khát vọng cháy bỏng: Non sông liền một dải, hòa bình, độc lập và xây dựng đất nước hùng cường.

Trở lại Việt Nam vào những ngày cuối tháng tư, nữ nhà văn người Mỹ Lady Borton đang gấp rút duyệt bản thảo lần cuối cho cuốn sách mới bằng tiếng Anh viết về Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Gắn bó với Việt Nam hơn nửa thế kỷ, người phụ nữ 82 tuổi này đã chứng kiến nhiều thăng trầm của Việt Nam, coi đây là quê hương thứ hai của mình.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文