Ì ạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước
Theo Bộ Tài chính trong 5 tháng đầu năm 2018, đã có 2 tập đoàn được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cơ cấu lại (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội) và 1 tổng công ty thuộc Bộ Giao thông vận tải (Tổng Công ty Quản lý bay).
Cũng trong 5 tháng đầu năm 2018, có 5 DN được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, gồm: Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An – Đắk Nông; Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk; Công ty TNHH MTV Vạn Tường – Quân khu 5; Ban quản lý khai thác cung cấp nước sinh hoạt huyện Châu Thành - Bến Tre; Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.
Tổng giá trị DN là 8.752 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 2.644 tỷ đồng. Tổng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 3.131 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 1.509 tỷ đồng; bán cho nhà đầu tư chiến lược 211 tỷ; đấu giá công khai 1.371 tỷ đồng, số còn lại bán cho người lao động là 38 tỷ đồng và tổ chức công đoàn 868 triệu đồng.
Theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 DN (bao gồm: 21 DN thuộc danh mục năm 2017 và 64 DN thuộc danh mục năm 2018). Tuy nhiên, đến hết tháng 5-2018 mới cổ phần hóa được 5 DN (chỉ có 1 DN thuộc danh sách thực hiện cổ phần hóa theo kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt). Như vậy, việc triển khai cổ phần hóa còn rất chậm, có khả năng không đạt được số lượng theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài chính cho biết.
Không khá hơn mấy, tình hình thoái vốn trong 5 tháng đầu năm 2018 cũng bết bát tương tự. Các DN đã thoái được 1.469 tỷ đồng, thu về 3.973 tỷ đồng, trong đó thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty cổ phần Mía đường II thoái 636 tỷ đồng, thu về 663 tỷ đồng, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thực hiện thoái 832 tỷ đồng, thu về 3.310 tỷ đồng.
Theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17-8-2017 thì năm 2017 có 135 DN, năm 2018 có 181 DN phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên, trong 5 tháng đầu năm 2018 mới có 1 đơn vị thuộc danh sách thoái vốn thực hiện. Lũy kế đến nay mới chỉ có 12 đơn vị thực hiện thoái vốn (năm 2017 có 11 đơn vị thực hiện thoái vốn).
Trước thực tế này, Bộ Tài chính đã đề ra một loạt giải pháp trọng tâm, trong đó có biện pháp tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát, kiểm toán, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn; kiên quyết xử lý các DN thua lỗ, các dự án đầu tư không hiệu quả, hiệu quả thấp theo cơ chế thị trường; có cơ chế kiểm soát phù hợp nguồn vốn mua, bán, sáp nhập DN...