Công bố Quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2016-2021
Tham dự buổi lễ có các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phụ trách công tác lý luận của Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, các viện nghiên cứu, các học viện, các trường đại học.
Tại buổi lễ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định của Bộ Chính trị về việc thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương trực thuộc Bộ Chính trị khóa XII nhiệm kỳ 2016-2021.
Các đại biểu dự buổi lễ. Ảnh: TTXVN |
Hội đồng Lý luận Trung ương là cơ quan tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng, những chương trình, đề tài khoa học cấp nhà nước về lý luận chính trị, phục vụ trực tiếp công tác lãnh đạo của Đảng.
Theo Quyết định của Ban Bí thư, Hội đồng Lý luận Trung ương gồm 44 thành viên. Tiến sỹ Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Chủ tịch Hội đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Đinh Thế Huynh nêu rõ: Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh phải "tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp các luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước".
Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh nhấn mạnh: Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Hội đồng Lý luận Trung ương cần tiếp tục đổi mới hơn nữa nội dung và phương thức hoạt động theo hướng gắn kết giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn, theo phương châm "lấy thực tiễn làm điểm xuất phát và điểm đến của nghiên cứu lý luận", nhằm nâng cao rõ rệt chất lượng tư vấn cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các vấn đề lý luận chính trị, làm cơ sở cho việc hoạch định, hoàn thiện, phát triển đường lối, chính sách của Đảng.