Đã xuất hiện việc “chạy” thẩm định các đánh giá tác động về môi trường
- Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV
- Chính phủ sẽ báo cáo về Formosa tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XIV
- Đề xuất Quốc hội khoá XIV giám sát việc “ồ ạt bổ nhiệm”
- Đại biểu nghi ngờ có tiêu cực, “lót tay” trong vụ Formosa1
Lo ngại việc “chạy” thẩm định đánh giá tác động về môi trường
Đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hoà) đồng tình với quan điểm này. “Các tháng đầu năm 2016 tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, không chỉ ở Formosa mà còn ở Sông Bưởi (Thanh Hoá), sông Sài Gòn… Tôi đề nghị trong chương trình giám sát chuyên đề năm 2017 của Quốc hội cần bổ sung giám sát chuyên đề về việc thi hành Luật bảo vệ môi trường một cách toàn diện. Điều này cũng phù hợp với Kết luận 02 của Ban Bí thư, ban hành ngày 26/4/2016 về việc tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường”, ông nói.
Về nội dung giám sát, đại biểu đề nghị phải giám sát xem văn bản luật có đi vào cuộc sống hay không, hay chỉ dừng lại ở quy định chung chung và không thể thi hành trên thực tế. Cùng với đó là giám sát việc thực hiện các dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong việc thẩm định đánh giá tác động về môi trường bởi vừa rồi đáng lo ngại đã xuất hiện việc “chạy” thẩm định các đánh giá tác động về môi trường.
Đăng ký phát biểu lần thứ hai, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích thêm: Trong nhiệm kỳ này chúng ta sẽ triển khai thi hành 2 hiệp định quan trọng là Hiệp định EVFTA và Hiệp định TPP. Và vấn đề môi trường tác động thẳng vào phát triển kinh tế của chúng ta.
Chúng ta thương lượng, ký kết để mở rộng thị trường trên thế giới, giúp hàng hoá xâm nhập các nước nhưng nếu chúng ta không bảo vệ được môi trường thì luật chơi chung của quốc tế sẽ tẩy chay hàng hoá chúng ta, hàng chúng ta không thể vào các siêu thị, không cạnh tranh nổi hàng của các quốc gia khác do không đảm bảo sinh thái và môi trường.
“Môi trường không chỉ tác động trực tiếp vào đời sống, môi trường sống của chính chúng ta mà còn tác động và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế trong những năm sắp tới”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa lưu ý.
Quốc hội nghe Tờ trình về dự kiến chương trình hoạt động giám sát năm 2017. |
* Cử tri ăn không ngon, ngủ không yên bởi Formosa
Trước đó, thảo luận tại hội trường, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thời gian gần đây vấn đề môi trường là vấn đề hết sức bức xúc và cụm từ “Formosa” được nhắc đi nhắc lại. Những sự cố môi trường, có người gọi là “thảm hoạ môi trường”, đặc biệt như trong vụ Formosa vừa qua làm cho phần lớn cử tri rất băn khoăn, bức xúc. Nhiều cán bộ tâm sự mấy tháng qua ăn không ngon, ngủ không yên, đó là những người yêu nước, quan tâm đến vận mệnh quốc gia.
“Tôi đọc kỹ 4 nội dung chuyên đề nhưng tìm mãi không thấy cụm từ “môi trường”. Tôi kiến nghị có sự điều chỉnh lại, đề nghị có chuyên đề việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư trong nước và nước ngoài liên quan đến việc phòng chống vi phạm pháp luật bảo vệ tài nguyên và môi trường”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị. Theo ông, nhiều cử tri kiến nghị phải giám sát dự án Formosa và đây là thời điểm thuận lợi vì họ chưa bắt đầu.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa thảo luận tại hội trường. |
Việc nhập cuộc của Quốc hội là tiếp sức cho Chính phủ
Đại biểu đánh giá, Chính phủ đã vào cuộc, đã có nỗ lực rất lớn trong mấy tháng qua, đạt được kết quả ban đầu, nhân dân rất hoan nghênh và đang tiếp tục xử lý nhưng ông chưa thấy được sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan quyền lực Nhà nước trong việc xử lý vấn đề này như Nghị quyết Đại hội Đảng XII đề cập.
“Chính phủ cứ làm việc cứ làm việc của Chính phủ còn nhân dân, cử tri mong muốn Quốc hội làm việc của Quốc hội. Tôi cho rằng việc nhập cuộc của Quốc hội chỉ là tiếp thêm sức mạnh cho Chính phủ và phù hợp với đường lối của Đảng. Nếu chúng ta điều chỉnh kịp thời thì sẽ đáp ứng nguyện vọng, tâm tư của cử tri, của nhân dân, của giới trí thức, công nhân, người lao động, cán bộ chiến sỹ…”, đại biểu phân tích.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa còn chỉ ra vấn đề dư luận băn khoăn: “Chúng ta có quy trình, thủ tục nhưng không ít ý kiến, kể cả các đồng chí lãnh đạo Chính phủ và các bộ ngành cho rằng, phải chăng quy định của chúng ta về quy trình, thủ tục ấy chưa hoàn chỉnh, có chỗ sơ hở. Như vậy thì chúng ta phải tiếp tục hoàn thiện nó như thế nào đây. Ví dụ có đánh giá tác động về môi trường thì tiêu chí xác định ra sao, việc rà soát như thế nào?”.
Ông cũng kiến nghị phải sửa luật, cụ thể với những dự án đầu tư tư nhân mà có tác động rất lớn về kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh- quốc phòng thì Quốc hội phải có giám sát, rà soát khâu cấp phép. “Đối với Formosa nên thành lập uỷ ban lâm thời hoặc đoàn giám sát chuyên ngành của các uỷ ban của Quốc hội để cùng với Chính phủ điều tra, xác minh và phải có làm việc với họ để có toàn bộ giải pháp về vấn đề Formosa”, đại biểu nhấn mạnh.
Sáng 25-7, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017. Tờ trình cho biết, Quốc hội khoá XIV sẽ tiến hành 2 chương trình giám sát chuyên đề tại kỳ họp thứ 3 và kỳ họp thứ 4. Về nội dung giám sát, Tờ trình đưa ra 4 nội dung để các đại biểu thảo luận, gồm: (1)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016 (giao Uỷ ban Khoa học, công nghệ và môi trường chủ trì, phối hợp với Ủy ban về các vấn đề xã hội giúp về nội dung giám sát). (2)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016 (giao Ủy ban Pháp luật giúp chủ trì về nội dung giám sát). (3)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP) (giao Uỷ ban Kinh tế giúp chủ trì về nội dung giám sát). (4)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh (giao Uỷ ban Quốc phòng và an ninh giúp chủ trì về nội dung giám sát). |