Đại biểu đề xuất xây dựng đường sắt tốc độ cao không phải vay vốn
- Nghiên cứu phương án xây dựng đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam
- Tranh cãi xung quanh dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo1
- Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông: Công nhân lại rơi xuống đường
Góp ý kiến vào Dự án Luật đường sắt (sửa đổi) ngày 18-11, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) ủng hộ bổ sung các quy định về đường sắt tốc độ cao trong luật để làm cơ sở pháp lý cho việc chuẩn bị đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao sau này.
Theo ông, có được tuyến đường sắt tốc độ cao là ta tận dụng được lợi thế của giao thông đường sắt trong phát triển kinh tế xã hội. “Chúng ta không thiếu tiền để xây dựng đường sắt tốc độ cao, dự án này sẽ tự sinh ra tiền, không chỉ giúp phát triển ngành GTVT mà còn tạo ra diện mạo mới cho 21 địa phương mà nó đi qua. Nếu Chính phủ tận dụng hết tiềm năng mà dự án này mang lại thì chúng ta sẽ không phải vay vốn”, đại biểu nêu.
ĐBQH tỉnh Bình Định đề xuất trong dự án Chính phủ trình Quốc hội sẽ có một nội dung đề nghị điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, để Chính phủ có thể xây ít nhất 21 khu đô thị tại các ga đường sắt khi đường sắt đi qua, đồng thời xây ít nhất 21 trung tâm thương mại tại các ga này.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh |
Theo đó, tiền thu được sau khi bán đất nền thổ cư của các khu đô thị, tiền cho thuê mặt bằng các trung tâm thương mại sẽ dành đầu tư cho dự án. “Khi thực hiện dự án sẽ không phải vay vốn, chúng ta cũng sẽ chủ động trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp mà không phải phụ thuộc vào bất cứ nước nào. Sau này, người dân, doanh nghiệp sẽ được sử dụng đường sắt tốc độ cao với chi phí thấp do nhà nước đầu tư”, ông kỳ vọng.
Đại biểu đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm trong 80.000 tỷ đồng dự kiến phân bổ cho các dự án trọng điểm quốc gia về kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 cần dành vốn cho dự án cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Bắc – Nam. Việc này không chỉ giúp giảm chi phí vận tải, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hoá trong nước mà giúp ngành công nghiệp đường sắt phát triển, giúp nội địa hoá tối đa dự án đường sắt tốc độ cao, là tiền đề làm chủ công nghệ các công trình giao thông đường sắt trong cả nước.
Đồng tình với quan điểm này, ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) cho rằng trong chính sách phát triển đường sắt, cần có lộ trình rõ ràng, trong đó Quốc hội cần quan tâm kiến nghị về việc đầu tư công trung hạn nên bố trí một khoản nhỏ trong gói 80.000 tỷ cho nghiên cứu khả thi đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, để sau năm 2020 có điều kiện triển khai dự án.
“Bên cạnh đó, phải có chính sách giữ được quỹ đất làm đường sắt cao tốc sau này. Đây là vấn đề nhức nhối khi quỹ đất của đường sắt hiện nay đang bị chia năm xẻ bảy kiểu “cha chung không ai khóc” bởi rất nhiều lý do” - đại biểu nêu.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa |
Ông cũng nhận định, tình trạng ùn tắc của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đang ngày càng nghiêm trọng, và giải pháp căn cơ cho tình trạng này chính là xây dựng đường sắt đô thị. Vì hiện nay một số dự án đang được triển khai xây dựng và sắp được vận hành nên Luật lần này cần quy định cơ chế.
“Về quy hoạch kết nối, quy hoạch phát triển đô thị phải gắn liền với quy hoạch phát triển GTVT chung, trong đó đường sắt đô thị phải là xương sống của giao thông đô thị, chú trọng phát triển các ga trung chuyển, tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đường sắt đô thị khai thác các nhà ga, đảm bảo kết nối đường sắt đô thị với vận tải liên tỉnh” – đại biểu phân tích và cho rằng, trong điều kiện hạn chế có thể xây dựng dần từng tuyến chứ không nhất thiết có ngay cả mạng lưới.
ĐB Nguyễn Văn Thể (Sóc Trăng) cũng đồng tình quan điểm cần ưu tiên đầu tư đường sắt đô thị để giảm tình trạng ùn tắc trong nội đô các thành phố lớn.
Giải trình về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa khẳng định sẽ ghi nhận, tiếp thu, từ đó cùng các cơ quan thẩm tra, xem xét quyết định những vẫn đề mà đại biểu quan tâm; đặc biệt là làm rõ thêm thẩm quyền quản lý của các cơ quan nhà nước đối với đường sắt; hoạt động kinh doanh đường sắt, thuế đất giành cho đường sắt, điều hành giao thông vận tải; phí và giá trong hoạt động kinh doanh đường sắt và những điều khoản chuyển tiếp từ luật.
“Với tất cả các ý kiến khác nhau trong phiên thảo luận về nhiều vấn đề, ban soạn thảo xin được tiếp thu, phối hợp cùng cơ quan thẩm tra của Quốc hội và các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu thấu đáo, đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao trước khi trình Quốc hội và mong muốn dự án Luật sẽ được Quốc hội thông qua trong kỳ họp sau”- Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.