Đại biểu nghi ngờ có tiêu cực, “lót tay” trong vụ Formosa
Phóng viên (PV): Đại diện người dân một trong 4 địa phương trực tiếp bị ảnh hưởng bởi Formosa, ông sẽ gửi kiến nghị gì đến Quốc hội khoá XIV?
Trong kỳ họp này, đoàn Quảng Bình sẽ có ý kiến phát biểu tại nghị trường. Thứ nhất, phản ánh đầy đủ tình hình, thực trạng Formosa đã gây ảnh hưởng đến môi trường và người dân như thế nào. Nhân dân thì điêu đứng, ngành du lịch giảm thu nhập, hậu quả kinh tế quá rõ, kéo theo đó là hậu quả về chính trị, phức tạp về an ninh, trật tự, tâm lý người dân hoang mang… Bên cạnh đó, chúng tôi có kiến nghị xử lý nghiêm những người tiếp tay cho Formosa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, đề nghị Chính phủ, các bộ ngành quan tâm giải quyết dứt điểm các hậu quả của môi trường biển. Ngoài ra, chúng tôi đề nghị Chính phủ và nhân dân cả nước ủng hộ nhân dân Quảng Bình khắc phục hậu quả, làm thế nào để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề nghiệp, phát triển các ngành dịch vụ trong du lịch.
Theo tôi, cả nước nên hỗ trợ nhân dân Quảng Bình bằng các việc làm thiết thực, như hỗ trợ ngư dân Quảng Bình đánh bắt xa bờ, tạo kế sinh nhai trong thời gian sắp tới, có giải pháp để ngành du lịch Quảng Bình không phải phá sản… Chẳng hạn, đến Quảng Bình du khách không chỉ tắm biển và ăn hải sản, mà còn có thể tham quan nhiều danh lam thắng cảnh, hang động, tắm suối… Nếu chỉ thoả mãn nhu cầu của người dân thì khó nhưng nếu vì mục đích chia sẻ với Quảng Bình thì tôi nghĩ là làm được. Hiện Quảng Bình cũng đang kêu gọi để kích cầu du lịch, tất cả nhà hàng, khách sạn, các tour du lịch đều giảm giá 20-30%...
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương trả lời phỏng vấn báo chí, chiều 22-7. |
PV: Chúng ta có thể rút bài học kinh nghiệm từ Formosa như thế nào?
Trên thực tế tình trạng ô nhiễm môi trường, cá chết hiện nay xảy ra ở khắp nơi… nhưng Formosa là điển hình của ô nhiễm môi trường. Bài học lớn mà chúng ta rút ra là quá tình thu hút đầu tư đừng quá nặng về kinh tế mà bỏ qua yếu tố môi trường. Thứ hai, các bộ ngành liên quan phải có đánh giá đúng tác động môi trường. Và thứ ba là chấn chỉnh đội ngũ làm công tác môi trường. Tránh tình trạng Giám đốc Công ty môi trường mà tiếp tay cho Formosa chôn rác thải. Rồi bộ máy làm công tác về môi trường chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, trong quá trình thực thi có động thái làm lơ cho các vi phạm về môi trường. Đặc biệt gần đây liên tục phát hiện các điểm chôn rác thải của Formosa…
PV: Nói vậy thì Quốc hội cũng có trách nhiệm trong việc giám sát vấn đề này?
Xã hội xảy ra nhiều vấn đề, trong khi giám sát của Quốc hội có nhiều mức độ, nội dung. Theo tôi, trách nhiệm chính phải thuộc về các cơ quan quản lý. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ họ phải có trách nhiệm bám sát, theo dõi, kiểm tra, thẩm định, đánh giá tác động môi trường… Còn có những vấn đề xảy ra bất thường mà Quốc hội không thể lường trước được. Tuy nhiên tôi cũng đề xuất Quốc hội thời gian tới quan tâm mạnh mẽ hơn, giám sát kỹ hơn, có chuyên đề giám sát về môi trường.
Hiện nay hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường ở mình đã có, đủ để điều tiết, kiểm soát vấn đề để xảy ra ô nhiễm môi trường. Song quá trình thực hiện hạn chế nhất là năng lực quản lý, và một bộ phận bộ, ngành trực tiếp liên quan đến môi trường chưa hoàn thành nhiệm vụ, cần phải chấn chỉnh. Chưa kể có thể có các tiêu cực, do những “lót tay” của doanh nghiệp, để cán bộ của mình tiếp tay, tạo điều kiện cho vấn đề ô nhiễm môi trường xảy ra…
PV: Cử tri Quảng Bình hiện quan tâm nhất vấn đề gì, thưa đại biểu?
Hiện người dân Quảng Bình có rất nhiều kiến nghị, cụ thể là vấn đề cá chết. Người dân cho rằng, trước khi công bố nguyên nhân cá chết họ đã ăn cá rồi. Bây giờ họ băn khoăn làm thế nào để khám, xác minh bản thân đã nhiễm độc tố từ cá chết hay chưa? Có ý kiến cho rằng, nếu ngày trước Mỹ ném bom B52 người chết đã chết rồi, người sống đã khẳng định được là sống. Chứ tình hình ăn cá chết thế này họ mà phải chết dần chết mòn thì rất đáng sợ…
PV: Xin cảm ơn đại biểu!