Đề nghị xây dựng Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù
- Bộ Công an đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ
- Dẫn độ hơn 380 người Trung Quốc trong vụ đánh bạc quy mô lớn về nước1
Theo Bộ Công an, nhiều quy định hiện nay chưa phù hợp, bộc lộ nhiều bất cập, khó khả khi với thực tiễn công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Chuyển 17 phạm nhân cho nước ngoài
Theo dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù vàdự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và tác động về thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù của Bộ Công an, trong những năm qua, thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước, cụ thể hoá chủ trương tăng cường hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, hệ thống pháp luật và điều ước quốc tế (ĐƯQT) về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù đã được hình thành nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội bị xử phạt tù có thời hạn hoặc tù chung thân, đang chấp hành án phạt tù tại quốc gia khác hoặc tại Việt Nam có cơ hội được tiếp tục chấp hành phần hình phạt còn lại của mình tại Việt Nam hoặc tại quốc gia mà họ mang quốc tịch hoặc có gia đình hoặc người thân sinh sống vì mục đích tái hoà nhập xã hội thành công.
Mặc dù là hoạt động thi hành án hình sự có yếu tố nước ngoài được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 như là một hoạt động hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự nhưng hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù lại khá đặc thù do hoạt động này không mang tính cưỡng chế cao như hoạt động thi hành án hình sự thông thường mà được thực hiện vì mục đích nhân đạo.
Đây cũng là hoạt động hợp tác quốc tế nên thẩm quyền, chủ thể thực hiện và trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể gồm cả cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài luôn phải có sự thống nhất của hai quốc gia chuyển giao và quốc gia tiếp nhận cùng với sự đồng ý của người đang chấp hành án phạt tù. Mỗi quốc gia khác nhau lại có quy định khác nhau về nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục…
Kể từ khi Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được ban hành đến tháng 5-2019, Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 58 hồ sơ yêu cầu chuyển giao phạm nhân từ Việt Nam ra nước ngoài; chuyển 17 phạm nhân cho phía nước ngoài. Các phạm nhân được chuyển giao chủ yếu phạm các tội về ma tuý, cố ý gây thương tích, bắt cóc, giết người…
6 chính sách quan trọng cần đánh giá tác động
Tuy nhiên, quá trình triển khai ĐƯQT, Luật TTTP năm 2007, BLTTHS năm 2015, Luật thi hành án hình sự và các văn bản pháp luật có liên quan cho thấy bộc lộ rất nhiều bất cập, khó khả thi, nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù.
Bộ Công an cho biết, trong quá trình nghiên cứu lập đề nghị xây dựng Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, Ban nghiên cứu đã áp dụng hướng dẫn đánh giá tác động của chính sách xã hội có thể ảnh hưởng, tác động khi luật được ban hành hoặc các chính sách của Đảng, Nhà nước cần được luật hóa vào dự thảo luật để đảm bảo hoạt động này được thực hiện có hiệu quả trên thực tiễn.
Trong quá trình thực hiện, nhiều phương án cho một số chính sách của dự thảo luật đã được đưa ra thảo luận, đánh giá, cân nhắc để xác định cụ thể các tác động tích cực và tác động tiêu cực của từng phương án.
Ban soạn thảo đã xác định được các chính sách quan trọng cần được đánh giá tác động gồm: Chính sách 1: Chính sách nhân đạo; chính sách 2: Chính sách hợp tác quốc tế trong chuyển giao người bị kết án phạt tù và hợp tác thi hành án hình sự; chính sách 3: Áp dụng ĐƯQT, áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; chính sách 4: Đồng bộ hoá các quy định về chuyển giao người bị kết án phạt tù trong hệ thống pháp luật Việt Nam; nội luật hoá quy định của ĐƯQT có liên quan mà Việt Nam là thành viên; luật hoá những vấn đề phát sinh từ thực tiễn hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; chính sách 5: Xem xét yêu cầu chuyển giao, tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù và quyết định chuyển đổi hình phạt; quyết định bảo lưu các phán quyết của toà án Việt Nam; áp dụng án lệ trong xem xét, giải quyết yêu cầu chuyển giao, tiếp nhận người đang chấp hành án phạt tù; xác định thẩm quyền của Toà án nhân dân cấp cao trong hoạt động chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; chính sách 6: Bảo đảm điều kiện cần thiết cho công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; phân định lại chức năng quản lý nhà nước về công tác chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù; phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan trung ương, cơ quan, tổ chức khác và người có thẩm quyền giải quyết hồ sơ yêu cầu chuyển giao, tiếp nhận, tiếp tục thi hành án hình sự đối với người được chuyển giao.
Dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành pháp luật về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và tác động về thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng Luật chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù được đăng trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Công an để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân trong thời gian 1 tháng kể từ ngày đăng.