Đề xuất Chính phủ xây dựng dự án tăng cường năng lực phòng cháy chữa cháy rừng
- Công điện của Thủ tướng về tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
- Lực lượng Công an nhân dân chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng
- Huế đầu tư trên 27 tỷ đồng phòng cháy, chữa cháy rừng
- Tăng cường các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng
Qua kiểm tra cho thấy, các tỉnh khu vực miền Trung đang trong thời kỳ cao điểm về cháy rừng, thời tiết khô hanh kéo dài, đã nhiều ngày liên tục không mưa, có ảnh hưởng của gió Lào, nguy cơ cháy rừng luôn ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), đã có những vụ cháy rừng xảy ra ở một số nơi.
Các địa phương đã cơ bản chủ động thực hiện các giải pháp phòng cháy chữa cháy rừng, rà soát phương tiện, dụng cụ phòng cháy, chữa cháy rừng, tổ chức ứng trực thường xuyên vào thời kỳ cao điểm cháy rừng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, Bộ NN&PTNT nhận thấy còn một số vấn đề tồn tại như công tác chỉ huy chữa cháy rừng, lực lượng đông nhưng chưa được tổ chức chặt chẽ, chưa nhận định sát tình hình diễn biến của đám cháy nên công tác chỉ huy chữa cháy còn lúng túng.
Cháy rừng liên tiếp xảy ra ở miền Trung trong thời gian vừa qua. |
Việc kiểm soát nguồn lửa trong thời kỳ cao điểm chưa thực hiện tốt, các địa phương chưa quyết liệt trong việc tuyên truyền, canh gác, ngăn chặn nguồn lửa có nguy cơ gây cháy rừng. Lực lượng tham gia chữa cháy rừng chưa được chi hỗ trợ công chữa cháy rừng thoả đáng nhằm động viên, khích lệ, nguồn kinh phí cho chữa cháy rừng hạn chế nên trong quá trình chữa cháy rừng chưa làm tốt khâu hậu cần.
Hiện nay, một số tỉnh phía Bắc đã có mưa, tuy nhiên, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia, năm 2020 thời tiết tiếp tục có nhiều bất thường, trong tháng 7 và tháng 8 tới có thể xảy ra từ 4 đến 5 đợt nắng nóng, có nơi nhiệt độ trên 40 độ C, tình trạng khô hanh kéo dài, nên nguy cơ cháy rừng tại các tỉnh phía Bắc và miền Trung là rất cao.
Do vậy, Bộ NN&PTNT và các địa phương phải tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy chữa cháy rừng. Chú trọng duy trì ứng trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24h; liên tục dự báo, cảnh báo về nguy cơ cháy rừng, thông báo kịp thời đến cơ sở để kiểm tra, xác minh phát hiện sớm cháy rừng; Theo dõi, đôn đốc thường xuyên các địa phương có vùng trọng điểm cháy rừng. Các địa phương chỉ đạo các chủ rừng phải thực hiện các biện pháp làm giảm vật liệu cháy (như dọn thực bì, đốt trước...); tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng tại các điểm có nguy cơ cháy cao; tạm thời ngừng các hoạt động đốt nương làm rẫy trong những ngày có nguy cơ cháy rừng cao; chuẩn bị lực lượng sẵn sàng tham gia chữa cháy khi có lệnh điều động, triển khai thực hiện có hiệu quả phương châm 4 tại chỗ.
Để đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy rừng đạt hiệu quả cao, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép Bộ và các địa phương xây dựng dự án “tăng cường năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng giai đoạn 2021-2025”.