Đề xuất Quốc hội khoá XIV giám sát việc “ồ ạt bổ nhiệm”

10:28 12/07/2016
“Cải cách hành chính gắn với thể chế, thủ tục, bộ máy công vụ. Vừa rồi chúng ta nêu cuối nhiệm kỳ thì ồ ạt bổ nhiệm, luân chuyển từ bên này sang bên kia không đúng quy trình”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định tại phiên họp thứ 50 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, nhất trí lựa chọn chuyên đề về cải cách hành chính đề xuất đưa vào chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội khoá XIV.


Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 50 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, sáng 12-7 các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2017.

Báo cáo về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2017 do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết: Ngày 9/5/2016, Văn phòng Quốc hội có văn bản đề nghị Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Ban, Viện của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất những nội dung đưa vào chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2017.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì Phiên họp thứ 50 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội

Tính đến ngày 4/7/2016, trong tổng số 77 cơ quan cần xin ý kiến, Văn phòng Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 57 cơ quan với 187 nội dung kiến nghị.

Từ 187 nội dung đề xuất của các cơ quan; trên cơ sở các tiêu chí lựa chọn; tiếp thu ý kiến tham gia của các cơ quan và xem xét tình hình thực tế, Tổng thư ký Quốc hội trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, lựa chọn 4 trong 6 nội dung:

(1)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm giai đoạn 2011 – 2016

(2)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT)

(3)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020

(4)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đào tạo đại học, sau đại học, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm

(5)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân và phát triển kinh tế biển

(6)- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư

Thảo luận vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết: “Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng, bức thiết, báo chí phản ảnh nhiều. Từ miền núi, vùng sâu vùng xa đều bị ảnh hưởng, kể cả ngay ở Thủ đô, liên quan đến chất lượng sống của 90 triệu dân, về cả sức khoẻ lẫn nòi giống chứ không hề đơn giản. Ông cũng nhấn mạnh chuyên đề về đầu tư BOT. “Tuy chưa triển khai nhiều nhưng nguồn lực tập trung vấn đề này rất lớn, mà hiện nay chúng ta chưa có luật để điều chỉnh. Tới đây chúng ta xây dựng luật hợp tác đầu tư PPP thì phải giám sát, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật trong đầu tư khai thác các công trình giao thông theo hình thức BOT…”, đại biểu đề xuất.

Chủ tịch Quốc hội nhất trí giám sát việc "ồ ạt bổ nhiệm"

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nhất trí chọn chuyên đề 1 để Quốc hội giám sát, cùng với đó là chuyên đề 3, việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách hành chính nhà nước. “Chuyên đề 3 quan trọng lắm, cải cách hành chính gắn với thể chế, thủ tục, bộ máy công vụ. Vừa rồi chúng ta nêu cuối nhiệm kỳ thì ồ ạt bổ nhiệm, đề bạt, việc luân chuyển từ bên này sang bên kia không đúng quy trình”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ. Đối với chuyên đề về BOT và quản lý kinh tế biển, Chủ tịch Quốc hội đồng ý để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý tránh để tình trạng một địa phương có 2 đoàn giám sát đến: “Tôi từng gặp chuyện này rồi, đoàn mình đến vừa đi thì đoàn sau đến. Không có chuyện như thế này được, Tổng Thư ký Quốc hội phải có vai trò điều phối. Để địa phương người ta còn làm việc nữa chứ, các đoàn giám sát phải tổ chức gọn, thiết thực, không rồng rắn kéo đến”.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ khẳng định, năm 2017 ngoài việc xem xét các báo cáo, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát 2 chuyên đề tại hai kỳ họp. Đó là chuyên đề về quản lý chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và chuyên đề về cải cách hành chính nhà nước. Riêng vấn đề BOT, phát triển kinh tế biển, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát. Các chuyên đề khác giao các Uỷ ban căn cứ tình hình thực tế để lựa chọn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị việc giám sát không dàn trải mà tập trung, ít nhưng chất lượng cao, chú ý công tác hậu kiểm tra sau giám sát. Đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Văn phòng Quốc hội khẩn trương chuẩn bị tờ trình và trình Quốc hội cho ý kiến về vấn đề này tại kỳ họp sắp tới.

Quỳnh Vinh

Ngày 21/11, phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo Mai Thị Hồng Hạnh (cựu Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil - Xuyên Việt Oil), cùng 14 đồng phạm về những sai phạm nghiêm trọng liên quan đến lĩnh vực kinh doanh xăng dầu tiếp tục diễn ra với phần xét hỏi của đại diện VKS và các luật sư. 

Liên quan đến vụ việc nhóm học sinh vi phạm giao thông trên đường Nguyễn Trãi được Báo CAND đăng tải, chiều 21/11, Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội CSGT-TT Công an quận Thanh Xuân đã có buổi làm việc với Ban giám hiệu Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cùng phụ huynh và các em học sinh.

Liên quan đến vụ tai nạn xe chở rác BKS 75C-044.83 khi đi qua cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) bất ngờ gặp tai nạn rơi xuống sông làm 2 người mất tích như Báo CAND đã thông tin, vào chiều 21/11, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đến hiện trường chia sẻ, động viên gia đình 2 nạn nhân và chỉ đạo công tác cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文