Bộ Giáo dục đề xuất bổ sung thêm 20.300 biên chế giáo viên
- Đề xuất chuyển biên chế giáo viên sẽ được xem xét tại Hội nghị Trung ương 6
- Quan điểm trái chiều về bỏ biên chế giáo viên1
Tại Hội nghị, Bộ GD&ĐT cho biết đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung 20.300 biên chế giáo viên.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2018 - 2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm cả nước bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Năm học này, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Đáng chú ý, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên (bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên).
Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.
Giáo dục mầm non, phổ thông tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tăng cường công tác giáo dục thể chất và giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn.
Hoàn thiện chương trình cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh, ban hành chương trình môn tiếng Anh lớp 1-2, môn tiếng Anh hệ 10 năm (lớp 3-12) và các chương trình môn tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đến nay, cả nước có 43/63 địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh; 63/63 địa phương triển khai các chương trình ngoại ngữ mới, nổi bật là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang.
Các cơ sở GDĐH tiếp tục hoàn thiện, triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo, đặc biệt là đối với tiếng Anh, góp phần hỗ trợ sinh viên học và sử dụng ngoại ngữ bảo đảm yêu cầu, chất lượng chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp.
Tổ chức triển khai Đề án Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025. Phối hợp với Bộ Thông tin truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các tọa đàm khoa học gắn kết cơ sở GDĐH và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực thông tin truyền thông, nguồn nhân lực nông nghiệp trình độ cao; đẩy mạnh kết nối cung - cầu nhân lực giữa các trường ĐH và các doanh nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ ĐH trở lên có xu hướng giảm khoảng 2,57% (135,8 nghìn người) trong quý IV/2018 so với 4,12% và 215,3 nghìn người của quý 4/2017 .
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại Hội nghị |
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, ngành Giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Với quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; Giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; Đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.