Đề xuất có chính sách lương, phụ cấp đặc thù cho giáo viên
- Cách mạng 4.0 trong giáo dục nhiều nước Giáo viên robot lên ngôi nhờ đủ tiện ích lớn
- Đến 2021 Việt Nam lại thiếu khoảng 59.000 giáo viên
- Vụ hơn 500 giáo viên sắp mất việc tại Đắk Lắk: Công an sẽ giám sát kỳ thi
Theo Đề án"Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp "trình Hội nghị Trung ương lần này, mức lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ giáo viên nói riêng sẽ được điều chỉnh tăng lên.
Tuy nhiên, xét về tổng thể cơ cấu tiền lương theo bảng lương mới thì tổng lương và phụ cấp của giáo viên tăng không đáng kể so với mức hiện nay. Trong khi tổng thu nhập từ lương của các ngành khác tăng đáng kể khi thực hiện theo Đề án này.
Khẳng định đội ngũ nhà giáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu chung của công việc, giáo viên cần được động viên để gắn bó, tâm huyết với nghề, phát huy sự sáng tạo, đổi mới trong quá trình dạy học.
Đặc biệt, cần động viên xứng đáng đội ngũ giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các điểm trường lẻ ở thôn/bản xa xôi, hẻo lánh, biên giới, hải đảo.
Bên cạnh đó, hiện rất ít học sinh giỏi muốn vào ngành sư phạm, vì vậy cần có chính sách thu hút, tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, trước hết là chính sách về lương, thưởng.
Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị Ban Chấp hành Trung ương xem xét có chính sách lương, phụ cấp đặc thù đối với đội ngũ giáo viên, trong đó quy định giáo viên thuộc trường hợp có phụ cấp cao hơn 30% theo quy định của Đề án và nằm trong nhóm có lương và phụ cấp ở mức cao trong khối các đơn vị hành chính sự nghiệp.