Đề xuất hỗ trợ các địa phương phòng chống hạn mặn, thiếu nước
Trước tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn nghiêm trọng của mùa khô năm 2019-2020, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 10-4-2020 hỗ trợ kinh phí phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn cho 8 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với tổng kinh phí là 530 tỷ đồng.
Tuy nhiên, mùa khô năm 2019-2020, do ảnh hưởng của sự thiếu hụt lượng mưa, dòng chảy trong mùa mưa năm 2019, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện ở hầu hết các khu vực trong cả nước đều ở mức thấp, đã dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước ở khu vực miền núi phía Bắc, Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, Trung Bộ, Tây Nguyên và xâm nhập mặn xuất hiện cao nhất trong lịch sử ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (xâm nhập mặn đã diễn ra sớm, sâu và kéo dài hơn năm 2016 – năm xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 90 năm).
Một số tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã thực hiện công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán trên địa bàn (Long An cấp độ 2, Tiền Giang cấp độ 1, Bến Tre cấp độ 2, Kiên Giang cấp độ 1, Cà Mau cấp độ 2 và Sóc Trăng cấp độ 2). Hiện tại và thời gian tới, mùa khô còn kéo dài đến hết tháng 8-2020, tình trạng hạn hán, thiếu nước tiếp tục diễn ra nghiêm trọng ở khu vực Trung Bộ, đặc biệt là Nam Trung Bộ do dung tích các hồ chứa thủy lợi, thủy điện chỉ còn khoảng 20-60% dung tích thiết kế; trong đó, ở mức rất thấp tại Ninh Thuận (đạt 13%), Bình Thuận (17%), thấp hơn so với trung bình nhiều năm, nhiều hồ chứa nhỏ đã cạn nước.
Hiện nay, các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã công bố cấp độ rủi ro thiên tai do hạn hán (Ninh Thuận cấp độ 3, Bình Thuận cấp độ 2). Thực hiện các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, công tác ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 đã được các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương triển khai quyết liệt, chủ động huy động các nguồn kinh phí do địa phương quản lý để triển khai các giải pháp ứng phó; kết quả, thiệt hại đến sản xuất và dân sinh thời gian qua đã được giảm thiểu đáng kể, đặc biệt là ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc hỗ trợ các địa phương kinh phí thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sau: Điện, dầu bơm nước, nạo vét kênh mương, đắp đập tạm ngăn mặn giữ ngọt, bảo trì công trình (vượt đơn giá định mức), đào ao, giếng trữ nước ngọt; kéo dài đường ống cấp nước sinh hoạt; chi phí mua thiết bị lọc, trữ nước; chi phí vận chuyển nước cho người dân, bệnh viện, trường học tại vùng khó khăn về nguồn nước ngọt.
Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức rà soát, đề xuất cơ chế, nội dung và mức hỗ trợ kinh phí cụ thể phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2019-2020 từ ngân sách Trung ương cho các địa phương để kịp thời thực hiện các giải pháp ứng phó cấp bách, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.