Kinh doanh đòi nợ đóng góp chả bao nhiêu so với công sức bỏ ra để khắc phục

11:42 23/03/2020
Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Phiên họp thứ 43 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về dịch vụ kinh doanh đòi nợ, được quy định trong dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).


Vẫn 2 loại ý kiến khác nhau

Về việc cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ, báo cáo do Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày cho biết, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường. Cần quy định điều kiện kinh doanh chế tài quản lý chặt chẽ hơn, tăng cường hệ thống Tòa án, các tổ chức hòa giải các cấp, tránh vấn đề xã hội phát sinh.

Một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.

Về vấn đề này có hai loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất: Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội không quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 Điều 6 dự thảo Luật mà quy định tại Danh mục ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như Luật hiện hành và đề nghị bổ sung quy định về điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

Loại ý kiến thứ hai: Giữ nguyên như dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì các lý do sau: Một là, quan hệ giữa bên cho vay và bên vay là quan hệ dân sự. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên trong quan hệ dân sự theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền hiện đại; các quan hệ xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật.

Hai là, thời gian qua, mặc dù đã có quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nhưng nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ, cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen, gây mất trật tự, an toàn xã hội, dẫn tới nhiều hệ quả xấu đối với xã hội. Ba là, đóng góp của ngành, nghề này không tương xứng với tác động tiêu cực đối với xã hội cũng như nguồn lực Nhà nước phải bỏ ra để khắc phục và trấn áp, xử lý hậu quả tội phạm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Theo ông Vũ Hồng Thanh, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng việc thuê một đơn vị trung gian đứng ra thu hồi nợ xuất phát từ nhu cầu thực tế của cuộc sống, đáp ứng nhu cầu của khách hàng khi các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ sử dụng các công cụ, biện pháp đạt kết quả, phù hợp với các quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian qua do chưa có quy định rõ ràng, chặt chẽ về các yêu cầu, điều kiện phải tuân thủ đối với hoạt động này nên đã nảy sinh một số trường hợp biến tướng, lạm dụng, có dấu hiệu vi phạm trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của công dân. Vì vậy, đề nghị không nên cấm đối với hoạt động kinh doanh này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý nhà nước chặt chẽ đối với loại hình kinh doanh này.

“Ngoài ra, quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” còn phải xử lý đối với các doanh nghiệp đã được kinh doanh loại hình này, các hợp đồng dịch vụ đã được ký kết sẽ xử lý như thế nào?”, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế băn khoăn.

217 doanh nghiệp đòi nợ chủ yếu cho vay nặng lãi, an ninh trật tự phức tạp

Thảo luận tại phiên họp, một số đại biểu đồng tình với ý kiến của Uỷ ban Kinh tế về việc không nên cấm dịch vụ “đòi nợ thuê”, có ý kiến đề nghị đổi tên ngành nghề này theo hướng nhân văn hơn, chẳng hạn “xử lý nợ”.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, trên thực tế công dân được phép làm những cái gì mà pháp luật không cấm. Tuy nhiên ở đây cần thấy rằng, các lý do mà Chính phủ nêu trong tờ trình và báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế về việc nên cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thì thuyết phục hơn việc giữ lại điều này và đưa ra điều kiện chặt chẽ hơn để cho phép kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

“Đòi nợ là một hợp đồng kinh tế dân sự. Mà có các thiết chế để giải quyết khi xảy ra tranh chấp, như trọng tài, toà án, hoà giải. Thế tại sao anh không dùng tất cả các thiết chế đó đi để thực hiện quyền lợi của anh mà lại qua một tổ chức trung gian để đòi nợ? Qua thực tế triển khai Luật Đầu tư cũng chứng minh, loại hình này không mang lại hiệu quả tốt hơn so với việc cấm. Nó biến tướng, lợi dụng, lạm dụng gây ra bao nhiêu việc phức tạp về an ninh, trật tự. Cho nên, việc cấm là hoàn toàn hợp lý”, Phó Chủ tịch Quốc hội lý giải.

Đối với những công ty đã thành lập rồi, ông cho rằng có thể giải quyết bằng quy định chuyển tiếp, cho phép những công ty đó sau thời hạn 1 năm thu xếp phải chấm dứt hoạt động, các hợp đồng đã ký chỉ thực hiện đến khi hết thời hạn...

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong điều kiện hiện nay, dịch vụ đòi nợ đang là thực tế, mặc dù không ít trường hợp lợi dụng loại hình kinh doanh này để biến tướng thành các băng nhóm tội phạm cưỡng đoạt tài sản của người khác. Nhưng Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do chưa thực hiện tốt quản lý nhà nước với loại hình kinh doanh này, đồng thời chưa quy định chặt chẽ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Do đó không quy định cấm nhưng cần quy định lại các danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho chặt chẽ, nghiên cứu bổ sung các điều kiện chặt chẽ đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ và trách nhiệm quản lý nhà nước đối với loại hình này, khắc phục các biến tướng đã xảy ra trong thực té.

Toàn cảnh phiên họp.

Liên quan đến dịch vụ kinh doanh đòi nợ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, đây là vấn đề được điều chỉnh bởi các quy định về quan hệ dân sự, nhưng khi rà soát 217 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thì thấy rằng không đơn vị nào sử dụng lành mạnh mà chủ yếu lợi dụng xã hội “đen” cho vay nặng lãi, ép người vay trả lãi suất cao, tình hình an ninh, trật tự phức tạp.

“Trong khi đóng góp của ngành này chả đáng bao nhiêu so với công sức mà phải chúng ta bỏ ra để khắc phục. Mặt khác, thiết kế thiết chế quản lý chặt chẽ là rất khó, là thách thức lớn cho Cơ quan soạn thảo” – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói, đề nghị UBTVQH cân nhắc vấn đề này.

Kết lại nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, UBTVQH sẽ trình ra cả 2 phương án để xin ý kiến Quốc hội.

Quỳnh Vinh

Chiều 2/4, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau bắt tạm giam, khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với Nguyễn Việt Triều, Phó Chi cục trưởng Chi cục biển, hải đảo và kiểm ngư tỉnh Cà Mau và Huỳnh Văn Đẳng, Phó Giám đốc Trung tâm đăng kiểm tàu cá - Chi cục thủy sản và chăn nuôi thú y (đều thuộc Sở NN&MT) về hành vi nhận hối lộ.

Khu vực tòa nhà Hàm Cá Mập (Trung tâm Thương mại số 7 Đinh Tiên Hoàng) và Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục ngày nay, nằm sát bên bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội, là một địa điểm chứa đựng nhiều biến động lịch sử quan trọng. Những thay đổi về kiến trúc và công năng qua các thời kỳ đã phản ánh rõ nét sự biến chuyển của lịch sử Thăng Long - Hà Nội.

Ngày 2/4, Công an TP Hà Nội cho biết, một nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lên đến gần 9 tỷ đồng khi tham gia đầu tư tiền ảo. Để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cần cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò online và lời mời kết bạn từ các đối tượng lạ qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò online.

Tối 2/4, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự vừa điều tra, khám phá thành công vụ trộm cắp tài sản trị giá hơn 1 tỷ đồng do đối tượng Huỳnh Thanh Hùng (SN 2001, trú xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) thực hiện.

Vụ cháy làm 3 người tử vong ở đường Mạc Vân, phường Xóm Củi, quận 8, TP Hồ Chí Minh thêm một lần nửa cảnh báo người dân cần chấp hành nghiêm các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy ở khu dân cư...

Thứ trưởng Lê Văn Tuyến yêu cầu các đơn vị chức năng cần phối hợp với Công an địa phương quản lý, giúp đỡ những người được đặc xá tái hoà nhập cộng đồng; chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương tạo điều kiện, bố trí công ăn việc làm để người được đặc xá, thi hành án xong án phạt tù có thu nhập ổn định cuộc sống, không tái phạm.

Ngày 2/4, đội ngũ y tế của Đội cứu nạn, cứu hộ (CNCH) Bộ Công an Việt Nam đã tổ chức thăm khám, phát thuốc cho những người dân bị thương do động đất gây ra ở Myanmar… Người dân nơi đây rất xúc động trước nghĩa cử đẹp của đoàn công tác Bộ Công an Việt Nam.

Ngày 2/4, Công an tỉnh Lào Cai cho biết đơn vị vừa đấu tranh triệt phá thành công một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất độc (xyanua) với số lượng lớn; tàng trữ trái phép vật liệu nổ; vi phạm quy định về khai thác tài nguyên tại huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Kết quả, đã phát hiện bắt giữ 47 đối tượng liên quan đến các hành vi vi phạm nêu trên.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.