Đòi nợ thuê là chiếc áo giáp kiên cố khoác trên mình "tín dụng đen"

19:15 26/05/2020
Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương (Ninh Bình) nêu quan điểm khi thảo luận trước Quốc hội về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), chiều 26/5.


Khởi tố 573 vụ, 1.136 bị can liên quan đòi nợ thuê

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày, nhiều ý kiến đề nghị không nên cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, vì đây là vấn đề thị trường. Song một số ý kiến tán thành với Tờ trình của Chính phủ, cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vì thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc kinh doanh dịch vụ này để biến tướng thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, hoạt động "tín dụng đen" gây mất an ninh trật tự (ANTT), an toàn xã hội, gây áp lực lên con nợ dẫn tới nhiều hệ lụy. 

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) tranh luận tại hội trường.

Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình hai phương án để Quốc hội xem xét, quyết định: 

Phương án 1: Giữ quy định như dự thảo luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, theo đó cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 

Phương án 2: Không cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” tại điểm h khoản 1 điều 6 mà quy định tại danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như luật Đầu tư hiện hành.

Thảo luận trực tuyến về nội dung này, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) ủng hộ phương án 2, nhưng đề nghị đổi tên thành "dịch vụ kinh doanh thu hồi nợ". ĐBQH Mai Hồng Hải (Hải Phòng) đồng quan điểm bởi cho rằng, trên thực tế nhiều cá nhân, doanh nghiệp tìm đến dịch vụ đòi nợ vì tính tiện dụng và hiệu quả. Chính phủ đã có quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ rất sớm, rất chặt chẽ tại Nghị định 104/2007 và nếu hoạt động theo đúng quy định tại Nghị định này sẽ không có hệ lụy phức tạp, dẫn đến phải đặt ra vấn đề cấm...

Bấm nút tranh luận tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) cho rằng, việc thay đổi tên gọi chưa hẳn đã làm thay đổi bản chất hay nội hàm của việc đòi nợ thuê, đặc biệt là sự biến tướng. Đại biểu bày tỏ băn khoăn, quan ngại về dịch vụ đòi nợ thuê này vì thực tế vừa qua loại hình này thiếu lành mạnh, đa số các công ty đòi nợ thuê đều câu kết với băng nhóm "xã hội đen" đi đòi nợ. 

"Hiện cả nước có 115 doanh nghiệp đủ điều kiện về ANTT với 1.076 người làm nghề này nhưng riêng năm 2019 đã xử lý vi phạm 48 doanh nghiệp, thu hồi 8 giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT và khởi tố 573 vụ, 1.136 bị can; xử phạt 719 vụ với 1.040 đối tượng", nữ đại biểu thông tin.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành thảo luận.

Cũng với tính chất phức tạp, biến tướng hết sức nguy hiểm, tại địa bàn hơn 10 triệu dân của TP Hồ Chí Minh thì năm 2017, năm 2019, UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính đưa hoạt động đòi nợ vào loại hình cấm kinh doanh. Bên cạnh đó, đóng góp của loại ngành nghề này vào ngân sách và sự phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) cũng không đáng bao nhiêu, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. 

"Hiện nay, hệ thống pháp luật của chúng ta đã quy định rất đầy đủ, rõ ràng, cụ thể để các cá nhân, tổ chức thực hiện quyền đòi nợ của mình. Đây cũng là các thiết chế xử lý khi có tranh chấp, tại sao chúng ta lại không hướng đến các thiết chế lành mạnh, văn minh, đúng quy định pháp luật của hoạt động đòi nợ này?", ĐBQH Nguyễn Thị Xuân bày tỏ.

Quan hệ pháp luật đã bị bóp méo, làm cho biến tướng

Theo ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), bình thường trong cuộc sống, khi chúng ta đi thuê dịch vụ là do không có thời gian tự làm hoặc do công việc phức tạp, đòi hỏi phải có người có kỹ năng thực hiện nhanh hơn, tốt hơn... Và những dịch vụ này đương nhiên phải hợp pháp. Tuy nhiên, bản chất sâu xa của dịch vụ đòi nợ thuê thì hoàn toàn khác. Gần như trong tất cả các trường hợp chủ nợ đã yêu cầu con nợ trả tiền, nhưng con nợ không có tiền hoặc là có tiền nhưng không chịu trả thì chủ nợ mới nhờ đến dịch vụ đòi nợ thuê.

Thông thường, cái mà chủ nợ thường nghĩ đến và hướng tới là việc dùng hành vi bạo lực hoặc đe dọa dùng bạo lực để đòi tiền. Mặc dù, Nghị định số 96 ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện về ANTT đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã quy định: “Cơ sở kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi thực hiện đòi nợ không được sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực và không được sử dụng các phương tiện làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng”.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) lý giải thuyết phục vì sao nên cấm dịch vụ đòi nợ thuê.

Đại biểu dẫn Báo cáo đánh giá tác động của Chính phủ cho thấy, tính đến hết tháng 8-2019, cả nước có 29 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ với 217 doanh nghiệp đăng ký, trong đó tập trung chủ yếu tại TP Hồ Chí Minh (84 doanh nghiệp) và Hà Nội (62 doanh nghiệp).

 “Quá trình kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã không tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh cũng như quy định của pháp luật có liên quan khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả tiêu cực đối với xã hội. Những vi phạm phổ biến là bên đòi nợ thu giữ, phá hoại tài sản trái pháp luật hoặc có hành vi đe dọa, trấn áp, khủng bố tinh thần gây hoang mang cho con nợ. Nhiều nơi xuất hiện biến tướng hình thành các băng nhóm cưỡng đoạt tài sản, cho vay nặng lãi, “tín dụng đen” gây mất an toàn xã hội”, báo cáo nêu rõ.

Báo cáo của Chính phủ về phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2019 cũng khẳng định: Tội phạm có tổ chức vẫn tiềm ẩn phức tạp, nhất là tội phạm núp bóng doanh nghiệp, tín dụng đen, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê, cầm đồ, siết nợ, đòi nợ thuê gắn với hành vi cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. 

"Như vậy, ở đây không còn là việc "không quản được thì cấm", mà là quan hệ pháp luật được xác lập trong giao dịch đòi nợ thuê như đang diễn ra trên thực tế hiện nay thực chất là mối quan hệ sai trái, không đúng với bản chất của việc đòi nợ hợp pháp mà pháp luật đã quy định. Một quan hệ pháp luật đã bị bóp méo, làm cho bị biến tướng bởi những đối tượng tham gia giao dịch" - nữ ĐBQH tỉnh Nam Định nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội trường.

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa nhất trí với phương án 1 là cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ bởi nếu chúng ta vội vàng cho phép các bên tranh chấp được xác lập, sở hữu về tiền và tài sản thông qua hoạt động đòi nợ bất hợp pháp thì trong nhiều trường hợp sẽ lại làm phát sinh tranh chấp mới và vô hình chung đã dung túng cho hoạt động vi phạm pháp luật. 

Cùng suy nghĩ, ĐBQH Võ Đình Tín (Đắk Nông) cho rằng, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là quan hệ quan hệ dân sự, mà Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống pháp luật, cơ quan quản lý và thiết chế để bảo đảm thi hành và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của các bên. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp, cá nhân lợi dụng ngành, nghề kinh doanh này để biến tướng thành các băng nhóm xã hội, tội phạm nhằm cưỡng đoạt tài sản, gây áp lực đối với con nợ cho vay nặng lãi, hoạt động "tín dụng đen" gây mất trật tự an toàn xã hội, dẫn đến nhiều hệ quả xấu đối với xã hội.

Lợi cho một số người nhưng hại lớn cho trật tự trị an thì nên cấm

Theo ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng), có một nguyên tắc của bộ máy nhà nước trong điều hành xã hội là nhà nước chịu trách nhiệm loại bỏ, ngăn chặn những nguyên nhân gây ra những bất ổn xã hội, có khả năng gây xâm hại đến quốc phòng, ANTT, an toàn xã hội, các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. "Các đại biểu trước đã phân tích và cho thấy hệ thống pháp luật của chúng ta hiện nay còn thiếu vắng rất nhiều và gần như chưa có điều chỉnh gì đáng kể đối với lại loại hình kinh doanh đòi nợ thuê này. Vì vậy, tôi ủng hộ phương án cấm loại hình kinh doanh này", ông nói thêm.

ĐBQH Bùi Văn Phương.

"Bây giờ chúng ta phải đi tìm câu trả lời, vì sao thời gian qua "tín dụng đen" lại mọc lên, phát triển và nhức nhối nhiều như vậy, mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, Bộ Công an và Công an các địa phương đã đấu tranh rất mạnh chống lại loại tội phạm này?" - ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) mở đầu phần phát biểu bằng câu hỏi tự vấn. Ông cho rằng, ngân hàng và các tổ chức tín dụng cho vay với lãi suất rất thấp mà còn khó khăn, thì liệu có cá nhân nào vay với lãi suất cao mà có hiệu quả? Hậu quả để lại là bao nhiêu đối tượng vay nợ, dưới áp lực trả nợ đã đi cướp của, giết người. 

"Một nguyên nhân rất quan trọng là chúng ta cho kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê và hoạt động này vô hình trở thành "chiếc áo giáp" kiên cố khoác trên mình "tín dụng đen". Khi được cho phép, họ hoạt động hợp pháp, nhưng thực tế cái áo khoác đó che đậy hoạt động bất hợp pháp là "tín dụng đen". Nếu lợi cho một số người nhưng hại lớn cho trật tự trị an thì chúng ta nên cấm. Cái cấm này hoàn toàn có cơ sở, là tiếng nói từ thực tiễn chứ hoàn toàn không phải là ý muốn chủ quan, cảm tính", đại biểu lý giải rõ hơn.

ĐBQH Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) cũng ủng hộ phương án 1 vì các công ty kinh doanh đòi nợ phần lớn là "cái bóng" hợp pháp cho các hoạt động "xã hội đen", "tín dụng đen" cư trú. Trong khi Nhà nước cấm các hoạt động này.

 "Thời gian qua, trên cả nước, lực lượng Công an triệt phá nhiều ổ nhóm "tín dụng đen", cho vay nặng lãi đã chứng minh điều đó. Như vậy, không thể công nhận tính hợp pháp của một hoạt động được sinh ra từ một hoạt động không hợp pháp, không được pháp luật công nhận", ông nhấn mạnh. 

ĐBQH Nguyễn Mai Bộ.

Đại biểu lo ngại, nếu không cấm hoạt động kinh doanh đòi nợ thì vô hình chung lại khuyến khích cho hành vi bạo lực, xúc phạm danh dự, sức khỏe, thậm chí tính mạng con người, làm mất trật tự an toàn xã hội, tạo điều kiện cho hoạt động "tín dụng đen" và cho vay nặng lãi phát triển, sẽ để lại hệ lụy rất lớn, mà liệu cơ quan chức năng có đủ thẩm quyền, đủ lực lượng để kiểm soát vấn đề trên hay không?

ĐBQH Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị không đưa dịch vụ này vào danh mục cấm nhưng cần chuyển chức năng quản lý dịch vụ đòi nợ thuê về cho ngành Công an để tránh dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc như trong thời gian qua. 

Bấm nút tranh luận, ĐBQH Nguyễn Mai Bộ (An Giang) khẳng định, không có doanh nghiệp nào mà người lao động chủ yếu là người xăm trổ, ba trợn ba trạo, công cụ lao động để đạt mục đích ở đây là dao kiếm, và phương thức, thủ đoạn là đe dọa, dùng vũ lực. Nếu để như thế sẽ dẫn tới sự an nguy cho xã hội, thể hiện sự bất lực của Nhà nước trong việc quản lý xã hội bằng pháp luật, gây ra sự hoang mang trong xã hội, mất niềm tin của nhân dân. Từ đó, đại biểu đề nghị cấm hoàn toàn dịch vụ đòi nợ thuê.

Quỳnh Vinh

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump mới đây đã cáo buộc Panama tính phí quá cao khi sử dụng kênh đào Panama và cho biết nếu Panama không quản lý kênh đào theo cách chấp nhận được, ông sẽ yêu cầu đồng minh này của Mỹ giao lại kênh đào.

Tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2024, nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại của QĐND Việt Nam đã được trưng bày, nổi bật là vũ khí lục quân đã thu hút sự quan tâm của các đoàn khách quốc tế và đông đảo người dân.

Sáng 22/12, cầu thủ Văn Toàn đã được đưa đi kiểm tra y tế sau chấn thương gặp phải trong trận đấu với đội tuyển Myanmar. Kết quả kiểm tra cho thấy cầu thủ này có thể phải ngồi ngoài sân trong các trận đấu còn lại của ASEAN Cup 2024.

Sau 12 năm kể từ ngày được khởi công và 17 năm kể từ ngày dự án được phê duyệt, lúc 10h sáng ngày 22/12, tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TP Hồ Chí Minh đã chính thức vận hành thương mại để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân…

Sau cơn lũ dữ, làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, Lào Cai) đang dần hồi sinh với những đổi thay tích cực. Trong khung cảnh núi rừng xanh thẳm, tiếng cười nói hồn nhiên của trẻ thơ vang lên từ những điểm trường nhỏ, như khúc nhạc vui thổi bừng sức sống mới. Những mái trường giản dị nay trở thành nơi khơi dậy hy vọng, nơi ươm mầm tri thức cho thế hệ tương lai của làng Nủ – một biểu tượng cho sự kiên cường và tinh thần vượt khó của bà con nơi đây.

Thời tiết tại các tỉnh thành miền Bắc tiếp tục duy trì giá rét với nền nhiệt đêm và sáng sớm ở mức thấp 11-13 độ C, trong ngày tăng lên mức 18-22 độ. Một số nơi có thể có mưa bất chợt.

Quân đội Mỹ đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu có liên quan đến phiến quân Houthi tại thủ đô Sanaa của Yemen, bao gồm một cơ sở lưu trữ tên lửa và một địa điểm "chỉ huy và kiểm soát".

Máy bay không người lái của Ukraine đã tấn công các tòa nhà dân cư tại thành phố Kazan của Nga, cách tiền tuyến hơn 1.000 km, đồng nghĩa với việc Kiev đưa cuộc chiến vào sâu trong lãnh thổ của Nga.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文