Đồng chí Đỗ Mười - tấm gương sáng về Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công vô tư
- Dư luận quốc tế ca ngợi sự nhạy bén của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười
- Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười và câu chuyện lạm phát ba con số
- Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười - một phong cách chỉ đạo quyết liệt
Vĩnh biệt người lãnh đạo làm việc hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình, dù là một việc nhỏ, đồng chí Phan Trọng Kính, nguyên Trợ lý của Tổng Bí thư Đỗ Mười đã có bài viết "Đồng chí Đỗ Mười - tấm gương sáng về Cần - Kiệm – Liêm – Chính - Chí công vô tư". Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:
Năm 1972, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng Moskva về nước, tôi được phân công về Bộ Xây dựng, chuyên theo dõi và kiểm tra thi công các công trình đang xây dựng. Ít tháng sau, tôi lại được Bộ điều động lên giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười, Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Chính phủ với danh nghĩa là Thư ký riêng. Thư ký riêng mà Bộ giao trách nhiệm không những quán xuyến công việc chung ở Bộ mà còn quản lý các tài liệu mật của Đảng, Chính phủ thuộc chức trách của đồng chí Đỗ Mười đảm nhiệm lúc bấy giờ vừa là Phó Thủ tướng vừa là Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị.
Có thể nói, từ ngày được phục vụ đồng chí Bộ trưởng, tôi thấy đồng chí có cường độ làm việc phi thường: một ngày làm việc của đồng chí không phải là 10 tiếng mà thường xuyên là 16-17 tiếng. 4 giờ sáng đồng chí đã dậy ngồi vào bàn đọc sách, đến 6 giờ nghe tin tức các đài trong và ngoài nước, 7 giờ tập thể dục, ăn sáng xong lên xe đến công sở làm việc, nhiều hôm, làm việc đến quá 12 giờ trưa mới nghỉ.
Trưa về, ăn cơm xong là ngồi vào ghế tựa nghe tin tức trong nước và thế giới qua băng cát xét mà Thông Tấn Xã Việt Nam thu để phục vụ các đồng chí lãnh đạo. Buổi chiều không những về muộn mà nhiều hôm, đồng chí còn nói với Văn phòng triệu tập các cuộc họp tối, mãi đến quá 11 giờ đêm mới giải tán. Hầu như tuần nào cũng có hai ba cuộc họp như vậy.
Kể từ ngày được Bộ điều động lên giúp việc cho đồng chí Đỗ Mười đến nay đã trên 40 năm, tôi đã đi theo đồng chí đến không biết bao nhiêu là cơ quan, công trường, nhà máy, các địa phương trong và ngoài nước; dự không biết bao nhiêu cuộc họp từ cơ sở cho đến các bộ, ngành và Trung ương. Thấu hiểu hoàn cảnh và sinh hoạt gia đình cũng như cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sóng gió của đồng chí, tôi nhận thấy một điều, đồng chí là người làm việc hết sức mình vì Đảng, vì dân, không quản ngày đêm, giờ giấc, không bao giờ mảy may nghĩ đến cá nhân mình, dù là một việc nhỏ. Những nơi nào nóng bỏng nhất, những công việc nào khó khăn nhất đồng chí đều có mặt.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí đã được Đảng giao nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy các tỉnh Hà Đông, Hà Nam, Ninh Bình, phụ trách Hòa Bình, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến tỉnh Nam Định, Phó Bí thư Liên khu ủy III; Phó Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu III, Tư lệnh Liên khu III, Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính và Chính ủy Tư lệnh khu Tả ngạn sông Hồng, Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố Hải Phòng.
Sau hòa bình lập lại, năm 1955, đồng chí được Đảng phân công phụ trách các Bộ: Nội thương, Ủy ban Vật giá Nhà nước, Trưởng phái đoàn Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiến thiết cơ bản Nhà nước, Phó Chủ tịch Hội đồng chi viện tiền tuyến Trung ương, Trưởng Ban chống phong tỏa cảng Hải Phòng, Phó Thủ tướng phụ trách các Bộ: Xây dựng, Công nghiệp, Vật tư...
Là một vị Tư lệnh và Chính ủy các quân khu vùng đồng bằng Bắc Bộ, đồng chí đã chỉ huy đập tan các cuộc càn quét lớn của thực dân Pháp hồi năm 1949-1950 tại các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương,...; chỉ huy đột nhập vào sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đốt cháy hàng chục máy bay địch.
Là Phó Thủ tướng suốt 20 năm, đồng chí được giao giải quyết nhiều công việc quan trọng: chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, giải tỏa cảng Hải Phòng, chi viện cho miền Nam... rồi chạy gạo, chạy tiền, chỉ huy chống bão lụt và thường xuyên lăn lộn trên các công trường trọng điểm của Nhà nước.
Là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức vụ Thủ tướng bây giờ), đồng chí đã giải quyết nhanh chóng nạn lạm phát phi mã hồi năm 1988 -1989; xóa bỏ bao cấp, xóa bỏ nạn ngăn sông, cấm chợ, đưa hai giá về một giá; xây dựng Cương lĩnh năm 1991 và chiến lược kinh tế - xã hội 10 năm (1991-2000). Đồng chí đã đề xuất với Bộ Chính trị và Quốc hội nhiều ý kiến quan trọng trong việc xây dựng các chính sách lớn của đất nước.
Là Thường trực Ban Bí thư, đồng chí đã nhanh chóng chỉ đạo Bộ Quốc phòng kịp thời việc quản lý khu vực biển đảo Trường Sa, Hoàng Sa của Tổ quốc sau ngày giải phóng đất nước năm 1975.
Đến khi đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư cũng là lúc Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lúc này đầy rẫy khó khăn. Điều đầu tiên, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị lãnh đạo ổn định tình hình chính trị và tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, kiên quyết giữ vững con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn, tiếp tục công cuộc đổi mới, mở rộng quan hệ với các nước, bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, với Hoa Kỳ, chủ động gia nhập ASEAN và thu được nhiều thắng lợi trong xây dựng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự xã hội cũng như trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.
Những đề xuất như "Xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở", "phong tặng danh hiệu Nhà nước Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"... Những câu nói nổi tiếng như: "Đổi mới không đổi màu", "Hội nhập không hòa tan" hoặc "xóa bỏ mặc cảm, xóa bỏ hận thù, khép lại quá khứ, nhìn về tương lai" hoặc "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trên thế giới".... Những đề xuất đó, những câu nói đó đã xuất phát từ thực tế khi đồng chí tiếp xúc với đồng bào, đồng chí hoặc các nhà lãnh đạo, chính khách nước ngoài.
Về công tác đối ngoại, khi tiếp xúc với các nhà ngoại giao, các nguyên thủ, các chính khách nước ngoài... đồng chí Đỗ Mười luôn giữ thái độ thẳng thắn, cởi mở, chân tình, tự tôn dân tộc; một tư thế đĩnh đạc, đàng hoàng, chủ động, có sức thuyết phục, gây được cảm tình đối với bạn bè quốc tế. Kể từ Đại hội VII, Đại hội VIII cho đến nay, hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta ngày càng chủ động và tích cực mở rộng. Những thành tựu về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, đồng chí Đỗ Mười đã góp phần không nhỏ.
Tổng Bí thư Đỗ Mười nói chuyện thân mật với nhân dân xã Lê Lợi, huyện Thường Tín (Hà Tây cũ), ngày 1-11-1992. Ảnh: TTXVN. |
Kể từ khi còn là Phó Thủ tướng, rồi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, rồi Tổng Bí thư, lúc nào đồng chí cũng quan tâm đến hai vấn đề là quốc sách và cốt lõi. Đó là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và sự nghiệp giáo dục - đào tạo.
Nói về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lúc nào, đồng chí cũng trăn trở. Đã hơn 30 năm kể từ ngày giải phóng đất nước đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một ngành công nghiệp nặng tầm cỡ, trong đó bao gồm cả cơ khí nặng, cơ khí chính xác, cơ khí điện tử... Đồng chí quan niệm: Chính hệ thống công nghiệp nặng là nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nó chẳng những có khả năng đưa nông nghiệp mà còn dẫn dắt cả hệ thống các ngành công nghiệp lên trình độ tiên tiến.
Khi tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo có trách nhiệm, đồng chí thường trích dẫn những lời nói của Bác Hồ để các đồng chí ấy càng quan tâm hơn đến vấn đề công nghiệp. Ví dụ Bác Hồ nói: "Một nước độc lập, ắt phải có công nghiệp nặng" hoặc "Nhiệm vụ công nghiệp nặng rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Để nâng cao không ngừng đời sống của nhân dân, để xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải quyết tâm phát triển tốt công nghiệp nặng...".
Đồng chí thường nói: Tình hình hiện nay, máy cho sản xuất, máy cho tiêu dùng, máy lớn, máy nhỏ đều phụ thuộc vào nước ngoài, hằng năm phải nhập hàng tỷ đô la cho máy móc, phụ tùng, thiết bị. Nếu chúng ta có được một nền công nghiệp mạnh, cơ khí mạnh thì đỡ biết bao nhiêu. Đồng chí cho rằng, đây là cái yếu cơ bản của nền kinh tế. Cho nên trong thời gian tới chúng ta phải tập trung sức khắc phục yếu kém đó và đấy cũng là thực hiện tốt những ý kiến của Bác Hồ.
Cũng như vấn đề công nghiệp hóa, giáo dục - đào tạo là vấn đề mà đồng chí luôn quan tâm. Đồng chí coi phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, động lực quan trọng thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Khi còn đương chức, đồng chí thường dành thời gian về thăm các trường từ mầm non, tiểu học, trung học, cao đẳng và đại học, đặc biệt là trường Sư phạm. Tôi vẫn còn nhớ, trong chuyến thăm Hàn Quốc năm 1995, biết đồng chí Đỗ Mười là người rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, Công ty L.G của Hàn Quốc đã tặng 1 triệu USD để đồng chí hỗ trợ giáo dục. Sau khi phía bạn chuyển tiền, đồng chí Đỗ Mười đã giao cho Văn phòng Trung ương Đảng và Ban Khoa giáo Trung ương chia số tiền đó làm 4 phần (miền Bắc, miền Trung, miền Nam và Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) để xây dựng trường học dành cho trẻ em khuyết tật và đào tạo giáo viên. Đến nay, các trường đó đã đi vào hoạt động có hiệu quả.
Trong đời sống và sinh hoạt hằng ngày, đồng chí luôn thực hiện tấm gương đạo đức của Bác Hồ: Cần - Kiệm - Liêm - Chính - Chí công vô tư. Khi đến dự các cuộc họp, thấy bày biện nước suối hoặc ăn uống giữa giờ, đồng chí góp ý phải hết sức tiết kiệm. Đồng chí nói: "Một chai nước khoáng giá thành ở thị trường bằng nửa lít xăng, ta có thể thay dùng nước khoáng bằng nước chè xanh có được không? Nước chè xanh vừa ngon, vừa rẻ, giải khát tốt mà lại bổ nữa. Còn ăn uống nên hạn chế, tránh lãng phí".
Có một lần Phó Thủ tướng TP tổ chức cuộc họp bàn về thương mại tại tỉnh Nam Định, có mời đại biểu các tỉnh ở phía Bắc về dự. Hôm ấy, Tổng Bí thư Đỗ Mười cũng có mặt. Đến trưa, tỉnh tổ chức bữa cơm gọi là thân mật nhưng rất thịnh soạn, bày biện nhiều món, thừa nhiều. Hôm ấy, đồng chí Đỗ Mười chỉ ăn qua loa và trước khi ra về, đồng chí nhắc nhở các tỉnh phải tiết kiệm, không nên lãng phí như bữa ăn hôm nay.
Trong sinh hoạt gia đình hằng ngày, đồng chí cũng rất giản dị, bữa sáng có khi ăn bát cháo hoặc nắm xôi, cốc sữa, bữa trưa, bữa tối cùng ăn với gia đình, mâm cơm thường là bát canh, đĩa cá, vài bìa đậu, một ít thịt cho các cháu, còn chủ yếu là rau luộc, muối vừng. Đồ đạc trong nhà cũng không có gì là sang trọng, ngoài những thứ cơ quan cấp như: chiếc tủ, cái bàn, giường nằm và những đồ lặt vặt khác.
Ngôi nhà mà hiện nay đồng chí Đỗ Mười cùng với gia đình đang ở tại 11 Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội, là ngôi nhà hai tầng có từ thời Pháp thuộc. Sau khi hòa bình lập lại, ta về tiếp quản Thủ đô, Bộ Nội thương đã bố trí cho đồng chí Đỗ Mười, lúc đó là Bộ trưởng cùng với một số cán bộ đến ở.
Đã nhiều lần, các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng khi đến thăm đồng chí Đỗ Mười đều thấy không tiện, mỗi lần đi về hoặc khách đến đều phải xuống xe từ ngoài đường. Các đồng chí ấy đã ngỏ ý với Ban Tài chính - Quản trị Trung ương là đổi nhà để đồng chí Đỗ Mười lên đường Phan Đình Phùng ở, vừa rộng rãi, tiện lợi, lại gần với cơ quan Trung ương và Chính phủ. Nhưng đồng chí không đồng ý. Đồng chí nói ở như thế này là được rồi, vừa gần gũi với nhân dân, vừa ít điều tiếng.
Ở phường Phạm Đình Hổ, mọi người ai cũng biết rõ đồng chí Đỗ Mười và chị Tạ Thị Thanh. Vợ đồng chí, một người phụ nữ hiền lành, phúc hậu, sống giản dị. Chị là một bác sĩ phụ sản, Phó Giám đốc Bệnh viện C, Hà Nội, rất tận tụy với công việc. Từ ngày chị Thanh mất, đồng chí Đỗ Mười vẫn sống một mình với con, với cháu, với các chiến sỹ cảnh vệ đóng ở trong nhà. Hằng ngày, đồng chí cặm cụi đọc sách, nghe đài, tìm hiểu những cái mới để góp ý kiến với Trung ương, Chính phủ hoặc gặp gỡ bạn bè, đồng chí, các nhà khoa học, các nhà kinh tế để đàm luận, bàn bạc công việc của đất nước.
Trên 40 năm được vinh dự phục vụ đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười, tôi đã học tập ở đồng chí rất nhiều. Điều đầu tiên là đức tính: Cần - Kiệm – Liêm- Chính – Chí công vô tư và tấm lòng trong sáng, đầy nhiệt huyết đối với nhân dân, đất nước.