Đừng bảo vệ xăng dầu kém chất lượng
>>Các vụ cháy nổ xe máy: Xăng xe đua, máy bay mô hình là tác nhân?
Kết quả điều tra của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho thấy, trong số 209 vụ cháy làm rõ nguyên nhân thì có 30,25% do chập điện, 15,1% do sự cố kỹ thuật; 9,8% do sơ suất, 4,63% do tai nạn giao thông và 4,32% do đốt. Như vậy, xăng dầu vốn là đối tượng bị tình nghi lớn nhất, nay lại trở thành “vô can”.
Với tư cách đơn vị chịu trách nhiệm quản lý về mặt nhà nước đối với chất lượng xăng dầu, Bộ Khoa học – Công nghệ đã giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng tiến hành lấy mẫu xăng từ các phương tiện bị cháy còn sót lại cũng như cây xăng mà các xe bị cháy đã mua. Điều bất ngờ là trong số 56 mẫu liên quan tới xe cháy thì cả 56 mẫu này đều phù hợp QCVN1:2009/BKHCN, không phát hiện thấy methanol, aceton.
Kết quả thử nghiệm cũng cho thấy, ngay cả khi xăng bị pha methanol, etanol hàm lượng dưới 30%, vẫn không thể tự bốc cháy trên động cơ trừ khi có sự rò rỉ nhiên liệu và có sự tiếp xúc với nguồn nhiệt cao. Nếu cứ theo kết quả thử nghiệm đó thì đúng là chưa có bằng chứng để buộc tội xăng dầu.
Thế nhưng, dư luận lại đặt ngược vấn đề, tại sao xe cháy dồn dập trong khoảng thời gian từ cuối 2011 tới nay (trước đó rất ít), trong khi thời điểm đó, cơ quan chức năng cũng phát hiện hàng loạt những sai phạm về chất lượng tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu? Tại sao rất nhiều cây xăng ở TP HCM, cây xăng Mai Dịch (Hà Nội), Đồi Nên (Bắc Giang)… phải đóng cửa vì kinh doanh xăng dầu kém chất lượng trong khi các mẫu xăng liên quan tới xe cháy vẫn đạt tiêu chuẩn?
Nếu khẳng định xăng dầu vô can trong câu chuyện xe cháy thì có phải cơ quan chức năng đang vô tình bảo vệ xăng dầu kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường? Trên cả nước hiện có khoảng 13.000 cở sở kinh doanh xăng dầu, trong đó hơn 10.000 cơ sở tư nhân, việc kiểm soát rất khó khăn. Kết luận về nguyên nhân cháy xe vẫn được coi là vội vàng, thiếu thuyết phục trong khi chưa đủ bằng chứng.
Người dân có quyền được bảo vệ để tránh mua phải những mặt hàng kém chất lượng. Người dân cũng có quyền được bảo vệ khi gặp rủi ro từ việc sử dụng mặt hàng kém chất lượng do Nhà nước không quản lý được. Nhưng, trong câu chuyện xe cháy, ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Muốn quy trách nhiệm phải làm rõ nguyên nhân. Nếu xăng dầu không phải “thủ phạm”, đương nhiên các cơ sở kinh doanh xăng dầu sẽ vô can. Nếu thiết kế xe không bị lỗi, đương nhiên nhà sản xuất phương tiện vẫn dửng dưng. Chỉ có chủ nhân của xe cháy mất của thì đau mà không biết kêu ai