Giá trị trường tồn của Cách mạng Tháng Tám
Từ thuở hồng hoang của dân tộc, dù là huyền thoại nhưng chiếc bọc trăm trứng của Mẹ Âu Cơ chính là sự cố kết lòng người, khẳng định chúng ta là dân một nước, là con một nhà.
Thời đại Hùng Vương đến An Dương Vương và các triều đại phong kiến kế tiếp là những cuộc đấu tranh bền bỉ với thiên tai, giặc giã. Theo dòng chảy của thời gian, Việt Nam và tư cách là một quốc gia, dân tộc độc lập ngày càng được định hình rõ và xác lập vị thế trên bản đồ thế giới.
Không thể không tự hào bởi chúng ta là dân tộc duy nhất trong số Bách Việt ở phía Nam Đông Bắc Á thoát khỏi sự đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc – dù phải kinh qua muôn vàn thử thách hiểm nghèo và nhiều cơn binh lửa “xương chất thành núi, máu chảy thành sông”…
Từ bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất “Nam Quốc Sơn Hà”, đến “Hịch Tướng Sỹ” rồi “Bình Ngô Đại Cáo”, tinh thần độc lập dân tộc ngày càng được bồi đắp, ý chí đấu tranh quật khởi ngày càng mạnh mẽ. Những giá trị cốt lõi của dân tộc cũng được bổ sung, hình thành nền văn hiến, truyền thống đặc sắc, làm cho nguyên khí quốc gia thêm thịnh vượng.
Đặc biệt trong “Bình Ngô Đại Cáo”, tư tưởng Triều đại – Nhà nước của dân, do dân và vì dân được khẳng định: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”… Đây là bước tiến bộ rất lớn của dân tộc Việt Nam và là đóng góp rất ý nghĩa vào sự tiến bộ của nhân loại.
Kế thừa những giá trị đó, Cách mạng Tháng Tám là bản hùng ca của dân tộc Việt Nam thời hiện đại, là sự hiện thực hóa những khát vọng độc lập, tự do của toàn dân tộc sau hơn 8 thập kỉ sống trong thân phận nô lệ, mất nước.
Những mục tiêu cụ thể của Cách mạng Tháng Tám được Quốc dân Đại hội Tân Trào thông qua ngày 16 và 17-8-1945 là: “Giành lấy chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập. Võ trang nhân dân. Phát triển quân Giải phóng Việt Nam.
Tịch thu tài sản của giặc nước và của Việt gian, tuỳ từng trường hợp sung công làm của quốc gia hay chia cho dân nghèo. Bỏ các thứ thuế do Pháp, Nhật đặt ra; đặt một thứ thuế công bằng và nhẹ. Ban bố những quyền của dân, cho dân: Nhân quyền; Tài quyền (quyền sở hữu); Dân quyền: Quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ (tự do tín ngưỡng, tự do tư tưởng, ngôn luận, hội họp, đi lại), dân tộc bình quyền, nam nữ bình quyền.
Chia lại ruộng công cho công bằng, giảm địa tô, giảm lợi tức, hoãn nợ, cứu tế nạn dân. Ban bố Luật Lao động; ngày làm 8 giờ, định lương tối thiểu, đặt xã hội bảo hiểm. Xây dựng nền kinh tế quốc dân, phát triển nông nghiệp. Mở Quốc gia ngân hàng.
Xây dựng nền quốc dân giáo dục; chống nạn mù chữ, phổ thông và cưỡng bách giáo dục đến bậc sơ cấp. Kiến thiết nền văn hóa mới. Thân thiện và giao hảo với các nước đồng minh và các nước nhược tiểu dân tộc để giành lấy sự đồng tình và sức ủng hộ của họ”.
Những mục tiêu nêu trên, xét trong bối cảnh Chiến tranh Thế giới lần thứ hai vừa kết thúc, là sự tiến bộ vượt bậc so với nhiều nước trên thế giới, kể cả những cường quốc đương thời như Hoa Kỳ, Pháp, Anh và nhiều quốc gia khác.
Nạn phân biệt chủng tộc tại Hoa Kỳ còn diễn ra dai dẳng cho đến những năm 1960 – 1970, thậm chí hiện nay vẫn chưa hoàn toàn bị xóa bỏ. Tại một số nước tiên tiến ở châu Âu, cũng phải đến những năm 1960 thì phụ nữ mới có quyền ứng cử, bầu cử, nhưng sự bình quyền nam nữ thì vẫn còn nhiều bất cập, đặc biệt là vấn đề việc làm và mức lương của lao động nữ…
Là vị lãnh tụ vĩ đại, linh hồn của cách mạng Việt Nam, trong bản Tuyên ngôn Độc lập lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định những quyền dân tộc thiêng liêng và quyết tâm bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám.
Tiếp nối truyền thống của dân tộc, Người khẳng định phải xây dựng một Nhà nước kiểu mới, của dân, do dân và vì dân. Ngay Điều 1 Hiến pháp năm 1946 – bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam mới, khẳng định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa.
Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo”. Theo Hồ Chí Minh, Nhà nước đó quản lí và điều hành bằng pháp luật: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”. Người khẳng định: Mọi hoạt động của chính quyền phải nhằm mục tiêu mang lại quyền lợi cho nhân dân và lấy con người làm mục tiêu phục vụ.
Trách nhiệm của Nhà nước là thoả mãn những nhu cầu thiết yếu của nhân dân, mà trước hết là: “Làm cho dân có ăn/ Làm cho dân có mặc/ Làm cho dân có chỗ ở/ Làm cho dân có học hành”...
Trong lần trả lời phỏng vấn báo chí đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành"…
Nhìn lại lịch sử, chúng ta tự hào khẳng định cơ đồ Việt Nam chưa bao giờ được như hôm nay; đồng thời tỉnh táo nhận rõ những nguy cơ, thách thức to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Suy ngẫm về Cách mạng Tháng Tám và những giá trị cốt lõi được hình thành, phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, chúng ta tin tưởng, đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng thành công một nước Việt Nam giàu mạnh, văn minh, sánh vai với các nước tiên tiến, văn minh trên thế giới.