Giải quyết dứt điểm thiếu trường học tại các khu công nghiệp

15:26 06/08/2019
Ngày 6-8, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019, triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020. 


Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD & ĐT Phùng Xuân Nhạ. Cùng dự có lãnh đạo các Bộ, Ban ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh, thành phố tại 63 điểm cầu trên cả nước…

*Phân luồng tốt, tỉ lệ thất nghiệp giảm      

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2018 - 2019 đánh dấu 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đây cũng là năm cả nước bứt phá thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. 

Năm học này, toàn ngành Giáo dục tiếp tục triển khai đồng bộ 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản để thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ về giáo dục và đào tạo và đã đạt được nhiều kết quả nhất định. 

Đáng chú ý, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Chính trị giao bổ sung biên chế cho 17 tỉnh tăng cơ học về quy mô học sinh và 5 tỉnh Tây Nguyên (bổ sung 20.300 biên chế giáo viên mầm non cho 14 địa phương có tăng dân số cơ học và 5 tỉnh Tây Nguyên). 

Hà Nội, Quảng Ngãi và một số địa phương đã triển khai hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GD&ĐT về rà soát đội ngũ và vấn đề thừa, thiếu, hợp đồng giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. 

Giáo dục mầm non, phổ thông tiếp tục được đổi mới mạnh mẽ; đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông; tăng cường công tác giáo dục thể chất và giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh, bảo đảm môi trường giáo dục an toàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị.

Hoàn thiện chương trình cho trẻ mầm non làm quen tiếng Anh, ban hành chương trình môn tiếng Anh lớp 1-2, môn tiếng Anh hệ 10 năm (lớp 3-12) và các chương trình môn tiếng Nga, tiếng Trung, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Pháp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Đến nay, cả nước có 43/63 địa phương triển khai thí điểm hoạt động cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh; 63/63 địa phương triển khai các chương trình ngoại ngữ mới, nổi bật là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Giang. 

Các cơ sở GDĐH tiếp tục hoàn thiện, triển khai chương trình ngoại ngữ theo chuẩn đầu ra và ngành, nghề đào tạo, đặc biệt là đối với tiếng Anh, góp phần hỗ trợ sinh viên học và sử dụng ngoại ngữ bảo đảm yêu cầu, chất lượng chuẩn đầu ra về năng lực ngoại ngữ khi tốt nghiệp. 

Năm học vừa qua, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm có trình độ ĐH trở lên có xu hướng giảm khoảng 2,57% (135,8 nghìn người) trong quý IV/2018 so với 4,12% và 215,3 nghìn người của quý 4/2017.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, ngành Giáo dục cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nhiều vấn đề đã tồn tại từ lâu, dư luận bức xúc nhưng chưa được giải quyết triệt để. 

Với quyết tâm khắc phục và tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc, năm học 2019-2020, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm như: Quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông; rà soát, sắp xếp các trường sư phạm, các cơ sở giáo dục đại học; giải quyết vấn đề thừa/thiếu giáo viên; chuẩn bị đội ngũ giáo viên thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý các trường mầm non, phổ thông; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu tăng năng suất lao động và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.

Thảo luận tại hội nghị, các địa phương, các trường ĐH đề nghị cần thay đổi phương thức đầu tư cho giáo dục đại học theo hướng cạnh tranh lành mạnh; ưu tiên một số cơ sở đào tạo, cơ sở đào tạo giáo viên chất lượng cao; sát nhập các ĐH thành các ĐH lớn. Phân luồng từ THCS, không kéo sinh viên ĐH ra học nghề. Cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục, cần tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên. Quan tâm hơn đến đạo đức người thầy; thiết kế chương trình bồi dưỡng, đào tạo giáo viên theo hướng linh hoạt, phù hợp để thầy cô có thể lĩnh hội tốt nhất; chế độ phụ cấp và thâm niên nhà giáo cũng cần được thực hiện tốt hơn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu năm học mới các nhà trường phải tăng cường “dạy người”, dạy đạo đức…

*Trường nào yếu kém sẽ đóng cửa

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà ngành Giáo dục và đào tạo đã đạt được trong năm học 2018-2019. Đó là chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn đều tăng; người dân tộc, người nghèo được quan tâm, tạo điều kiện tốt hơn. Chất lượng giáo viên nhìn chung tăng lên, bổ sung thêm 20.300 biên chế giáo viên mầm non tại 19 tỉnh, thành, ban hành chương trình SGK mới. Nhiều địa phương từng là “vùng trũng” của giáo dục đã từng bước vươn lên, chứng tỏ có sự quan tâm của địa phương đối với sự nghiệp giáo dục. 

Tuy vậy, Thủ tướng cũng đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Nhiều địa phương sắp xếp, thiết kế mạng lưới trường học còn chưa khoa học; nhiều địa phương chưa quan tâm đến quỹ đất làm thiết chế trường, nhất là trường mầm non trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Công nhân phải gửi con xa, thậm chí không cho con đến trường mẫu giáo... Nhiều địa phương chỉ bố trí giáo viên theo định mức quy định dẫn đến quá tải sĩ số khi có lớp có tới 60 học sinh. 

Đặc biệt, giáo dục đạo đức, lối sống chưa được quan tâm đúng mức, kỹ năng thực hành còn rất hạn chế. Một bộ phận giáo viên sa sút đạo đức, gây bức xúc xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp và thiếu trầm trọng ở các ngành mũi nhọn như Du lịch, Công nghệ thông tin, Nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao...Công tác quản lý giáo dục chậm đổi mới, xã hội hóa nguồn lực cho giáo dục đào tạo cần tiếp tục được quan tâm. 

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải giải quyết dứt điểm việc thiếu trường lớp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ngành giáo dục đào tạo đẩy nhanh việc sắp xếp lại mạng lưới các trường sư phạm, trong đó tăng đầu tư cho các trường “máy cái” như ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh và ĐH Sư phạm Hà Nội, còn các trường sư phạm địa phương khác làm vệ tinh; gắn kết giữa đào tạo và sử dụng, tiến tới việc các địa phương đặt hàng đào tạo từ các trường sư phạm. 

Các đại biểu tại Hội nghị tổng kết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ GD&ĐT tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý các trường đại học có tên mà không có trường, hữu danh vô thực, nhất là những nơi tìm kiếm đầu vào thấp quá đáng để kinh doanh. Theo Thủ tướng, “xã hội hóa là cần thiết nhưng kiếm tiền trên giáo dục là không ổn”. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT phải trình Chính phủ đóng cửa một số cơ sở kém chất lượng kéo dài; kiểm tra và dừng các ngành đào tạo có chất lượng kém.

“Hiện nay có hiện tượng nhiều trường hạ điểm chuẩn nhằm vơ vét học sinh với đầu vào rất thấp, trong khi trường không đảm bảo điều kiện chất lượng, vẫn phải mượn giáo viên cơ hữu, điều kiện phòng học, thư viện không đáp ứng đủ.

Chúng ta không thể chấp nhận chất lượng đào tạo đại học thấp. Học để ra làm việc chứ không phải học để lấy tấm bằng cử nhân do một trường kém chất lượng cấp. Tôi đã thăm một số trường và thấy được thực trạng này", Thủ tướng nói.

Cũng tại hội nghị, Thủ tướng yêu cầu ngành giáo dục phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên để góp phần đẩy lùi bạo lực học đường. Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT ban hành Chỉ thị về giáo dục đạo đức, lối sống ngay trước thềm năm học mới. Đối với tự chủ ĐH, Thủ tướng lưu ý cần tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm. Tiếp tục thí điểm cơ chế đổi mới cơ chế quản lý đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; quan tâm hơn nữa đối với giáo dục miền núi, xóa dần khoảng cách giữa các vùng miền, không để học sinh nào bị bỏ lại vì hoàn cảnh khó khăn...

Không được khoán trắng giáo dục đạo đức cho nhà trường 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Đổi mới giáo dục rất cần sự đồng thuận nhưng hiếm khi đổi mới nhận được sự đồng thuận 100%. Đổi mới phải có lộ trình, thời gian. “Đổi mới giáo dục không phải tính bằng một năm. Chẳng hạn như đổi mới SGK, mất 6 năm đến 11 năm tùy từng giai đoạn, thời kỳ. Trong quá trình thực hiện, sẽ có trục trặc. Do vậy, chúng ta phải kiên định, đổi mới giáo dục nếu không kiên định sẽ khó thành công.” - Phó Thủ tướng nói.  

Phó Thủ tướng cho rằng, ở bậc phổ thông, phải phấn đấu đủ hệ thống trường lớp, thầy cô giáo để đảm bảo học sinh được học 2 buổi/ngày; không phân biệt đầu vào. Nhà nước phải lo chung, lo cho người yếu thế như học sinh khuyết tật, đặc biệt là các cháu tự kỷ, còn phân khúc đào tạo nhân tài, phần chất lượng cao hãy để cho xã hội, nhà nước, không nên cào bằng hết. ĐH là phải nghiên cứu khoa học, không thể lấy học phí ra nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, tự chủ ĐH thực sự không chỉ giải quyết câu chuyện giữa trường với Bộ chủ quản mà phải xuống được từng bộ môn, đến từng giáo sư. Tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, nhân cách cho học sinh theo hướng bám sát các khẩu hiệu thi đua “dạy tốt học tốt”, “Tiên học lễ hậu học văn”, “Tất cả vì học sinh thân yêu” và bám sát 5 điều Bác Hồ dạy. 

“Không nên coi việc dạy đạo đức là nhiệm vụ của cô giáo chủ nhiệm hoặc cô giáo dạy giáo dục công dân mà phải lồng ghép vào tất cả các môn học, nâng giáo dục đạo đức thành nhiệm vụ của cả nhà trường. Cùng với nhà trường phải tăng cường vai trò của phụ huynh, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức lối sống, không khoán trắng cho nhà trường”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

Cũng theo Phó Thủ tướng, chỉ tiêu đào tạo sư phạm hiện nay vẫn còn “vênh” so với nhu cầu thực tế. Do vậy, ngành Giáo dục cần khẩn trương xây dựng đề án đổi mới sắp xếp lại các trường sư phạm theo hướng địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên đối với các trường tốt. Các trường sư phạm địa phương tập trung đào tạo và đào tạo lại giáo viên. Mở rộng các trường phổ thông thực hành trong các trường sư phạm.

Thu Phương - Huyền Thanh

Hội Cựu CAND Việt Nam vạch ra nhiều giải pháp thiết thực nhằm thống nhất trong toàn thể hội viên về nhận thức và hành động, phấn đấu thực hiện mục tiêu giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của CAND Việt Nam; đồng thời phát huy nhiệt huyết, trí tuệ, kinh nghiệm, tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, nhất là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ.

Ngày 7/5, tại trụ sở Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham gia phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Ngày 5/5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du châu Âu, với các chặng dừng chân ở Pháp, Serbia và Hungary. Chuyến đi được đánh giá có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy tổng thể mối quan hệ giữa Trung Quốc với 3 nước nói riêng cũng như với Liên minh châu Âu (EU) nói chung phát triển ổn định và lành mạnh, góp phần củng cố sự ổn định trong một thế giới đầy biến động.

Trong cuộc sống, thiếu vắng đi người cha, người mẹ, đó là nỗi đau không thể bù đắp của những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn. Với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp, xoa dịu nỗi đau cho các em nhỏ mồ côi, giúp các em có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống, những người mẹ đỡ đầu là hội viên của các cấp Hội phụ nữ trong Công an tỉnh Lạng Sơn đã dang rộng vòng tay yêu thương, nhận chăm sóc, nuôi dưỡng và giúp đỡ nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Ngày 6/5, theo nguồn tin riêng của phóng viên, Công an tỉnh Thanh Hoá đang tích cực điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết bất thường của 2 mẹ con trong ngôi nhà đang cháy xảy ra tại phố Kiều Đại 2, phường Đông Vệ, TP Thanh Hoá.

Ngày 6/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với Phạm Thị Thanh Huệ (SN 1982; trú tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/5, Cục CSGT cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Châu (Sơn La) đã ra Lệnh bắt người trong trường hợp khẩn cấp để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật đối với lái xe đầu kéo vi phạm nồng độ cồn mức kịch khung đi không đúng phần đường gây tai nạn khiến 1 người chết, 7 người bị thương.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文