Giám sát để đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, công bằng, đúng pháp luật
Trong cuộc kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở tỉnh Quảng Ninh vừa qua, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Vương Đình Huệ nhấn mạnh, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 phải được tiến hành đúng quy định của pháp luật, phát huy cao độ nhất quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm tính công khai, minh bạch, tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống để người dân thực hiện quyền công dân của mình.
Để thực hiện yêu cầu trên, hoạt động giám sát, kiểm tra từ Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp là hết sức cần thiết. Trong những ngày qua, nhiều đoàn công tác của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã về các địa phương tiến hành công tác kiểm tra, giám sát việc chuẩn bị bầu cử. Qua kiểm tra, giám sát, nhiều vướng mắc ở cơ sở đã được đoàn công tác và địa phương cùng nhau tháo gỡ kịp thời, đảm bảo cho ngày 23/5 thực sự là ngày hội của toàn dân.
Bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lắp trong kiểm tra, giám sát
Đầu tháng 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch giám sát, kiểm tra cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Nội dung giám sát, kiểm tra gồm việc triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử và các văn bản có liên quan như Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử; Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các văn bản của Hội đồng Bầu cử Quốc gia hướng dẫn việc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Nghị quyết liên tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn quy trình hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Kiểm tra việc thực hiện các văn bản do các cấp ban hành để phục vụ bầu cử: Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; Các văn bản hướng dẫn của các cơ quan của Chính phủ về bầu cử; các văn bản do các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ban hành; các văn bản hướng dẫn về bầu cử của các cơ quan hữu quan.
Kiểm tra, giám sát việc lập và triển khai kế hoạch tổ chức cuộc bầu cử: Tuyên truyền, phổ biến Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử của trung ương và địa phương; thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; việc chuẩn bị phương tiện thông tin liên lạc, các điều kiện vật chất chuẩn bị cho cuộc bầu cử; tổ chức tiếp nhận, xem xét hồ sơ ứng cử; tổ chức hội nghị hiệp thương; công bố danh sách những người ứng cử; lập danh sách cử tri; bảo đảm an ninh, trật tự, y tế (nhất là các phương án phòng, chống dịch COVID-19) cho cuộc bầu cử; tình hình và kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo trong cuộc bầu cử; việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bầu cử; công bố kết quả bầu cử.
Ngoài những nội dung về công tác bầu cử nêu trên, tùy tình hình cụ thể, các đoàn giám sát, kiểm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia có thể kết hợp giám sát về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội tại địa phương.
Trên cơ sở những nội dung giám sát, kiểm tra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra các địa phương do Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng Bầu cử Quốc gia hoặc thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội làm Trưởng đoàn, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh trùng lắp. Hoạt động kiểm tra, giám sát chia thành ba đợt, mỗi đoàn đi giám sát tại 2 hoặc 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Cụ thể, đợt 1, từ ngày 10/3 đến ngày 18/3; đợt 2, từ ngày 1/4 đến 17/4; đợt 3, từ ngày 2/5 đến ngày 20/5. Trên cơ sở báo cáo kết quả giám sát của các đoàn, Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia tổng hợp báo cáo chung trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia vào cuối mỗi đợt giám sát.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp giám sát 8 nội dung bầu cử
Cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã ban hành kế hoạch và hướng dẫn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Theo Kế hoạch và hướng dẫn, thời gian kiểm tra, giám sát chia làm 3 đợt. Đợt 1, từ ngày 20/2 đến ngày 13/4, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ trì tiến hành giám sát tại 16 tỉnh, thành phố. Đợt giám sát thứ hai diễn ra từ ngày 20/4 đến 22/5, với việc triển khai 5 đoàn giám sát công tác bầu cử tại 18 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đợt 3, giám sát trong ngày tổ chức bầu cử 23/5.
Có 8 nội dung giám sát, gồm giám sát việc thành lập và hoạt động của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương; kiểm tra, giám sát việc giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và việc nộp hồ sơ ứng cử của người ứng cử, người được giới thiệu ứng cử; kiểm tra, giám sát việc tổ chức lấy ý kiến cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử; giám sát việc lập, niêm yết danh sách cử tri; giám sát việc lập, niêm yết danh sách những người ứng cử; kiểm tra, giám sát việc tuyên truyền, vận động bầu cử; giám sát trình tự bỏ phiếu, việc kiểm phiếu; kiểm tra, giám sát việc tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh liên quan đến công tác bầu cử.
Kế hoạch và Hướng dẫn nêu rõ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành tập trung kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, kết quả tổ chức triển khai công tác bầu cử tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các địa phương. Qua công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai công tác bầu cử ở địa phương, những vi phạm pháp luật về bầu cử (nếu có) để có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm khắc phục kịp thời nhằm bảo đảm cho cuộc bầu cử thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, thực sự là ngày hội của nhân dân...
Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu, hoạt động kiểm tra, giám sát bầu cử phải được tiến hành kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả, đúng nội dung và tiến độ theo kế hoạch đã đề ra. Khi phát hiện những vi phạm phải thông tin kịp thời đến Thường trực Ban Chỉ đạo công tác bầu cử của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để xem xét giải quyết; không tự ý xử lý vấn đề không thuộc thẩm quyền và chức năng của mình. Việc tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cần tránh trùng lắp địa bàn với các đoàn kiểm tra, giám sát của Hội đồng Bầu cử Quốc gia và các cơ quan có thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, quá trình giám sát đã phát huy tối đa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, nhất là ở các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ bầu cử. Quá trình giám sát vừa cho thấy, hoạt động giám sát của Mặt trận đã phát huy tác dụng, khắc phục ngay những vướng mắc, thiếu sót. Việc hướng dẫn, chỉ đạo, nắm bắt sâu sát là một trong những nguyên nhân góp phần hạn chế khiếu nại về bầu cử.