Hà Nội phải tạo động lực cho cán bộ làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân
Tại cuộc làm việc với Hà Nội sáng 29-9 về tình hình phát triển kinh tế xã hội, công tác đảm bảo an ninh trật tự của thành phố 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2017 và xem xét những đề xuất, kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Hà Nội phải tạo động lực cho từng cán bộ làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân. Hà Nội nên đi trước cả nước để làm gương. Việc để dân làm giấy chứng tử mất cả ngày là phản cảm, phải rút kinh nghiệm sâu sắc.
- Phê duyệt quy hoạch Hà Nội: Bao nhiêu dự án sẽ phải thay đổi?
- Phê duyệt quy hoạch Hà Nội: Thị trường nhà đất sẽ ổn định?
- Nhiều điểm mới quy hoạch Hà Nội văn minh, hiện đại, phát triển bền vững
- Kiến nghị Quốc hội chưa thẩm định đồ án quy hoạch Hà Nội
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét sửa đổi Điều 17 - Luật Đầu tư công theo hướng: “Đối với thành phố Hà Nội, giao HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố”.
Trong khi chờ Quốc hội xem xét, sửa đổi, đề nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho HĐND TP Hà Nội phê duyệt chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công nhóm A nguồn vốn ngân sách thành phố.
Theo kế hoạch, sắp tới, thành phố sẽ đầu tư khoảng 22.300 căn hộ phục vụ tái định cư theo cơ chế đặt hàng (kinh phí dự toán khoảng 55.000 tỷ), đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu n hà ở tái định cư phục vụ các dự án trong giai đoạn 2018- 2020 và các năm tiếp theo.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Hà Nội sáng 29-9 |
Chủ tịch UBND TP kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế đặt hàng xây dựng nhà ở thương mại để tạo lập quỹ nhà ở tái định cư. Thành phố chỉ phải bố trí vốn để giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất, không phải bố trí ngân sách để xây dựng công trình, doanh nghiệp giải quyết được việc làm, có thu nhập và tham gia vào quản lý, vận hành nhà ở tái định cư; người dân được hưởng chất lượng và dịch vụ theo cơ chế nhà ở thương mại.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ việc điều chỉnh quy mô dân số và điều chỉnh ranh giới nghiên cứu quy hoạch dự án Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm và dự án Khu đô thị Gia Lâm, huyện Gia Lâm. Theo lãnh đạo Hà Nội, thành phố kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương bổ sung khoảng 112.700 người vào tổng quy mô dân số tối đa đã được xác định theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được phê duyệt, làm cơ sở để triển khai điều chỉnh nhiệm vụ, lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ và Khu đô thị Gia Lâm.
Đối với việc triển khai dự án đầu tư xây dựng Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia tại huyện Đông An (quy mô 91,8ha), theo lãnh đạo Hà Nội, UBND huyện Đông Anh đã hoàn thành công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng nhưng chưa bàn giao được mặt bằng cho nhà đầu tư do dự án chưa được phê duyệt. Vì vậy, thành phố đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm chỉ đạo việc triển khai thực hiện dự án này. Đặc biệt, Hà Nội kiến nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo đầu tư dự án nhà ga T3, T4, sân bay quốc tế Nội Bài và xem xét mở các đường bay trực tiếp từ các quốc gia, địa bàn khách du lịch quốc tế trọng điểm.
Huy động nguồn vốn xã hội hóa còn vướng
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhận định, lĩnh vực Quy hoạch, kiến trúc và đô thị của Hà Nội có rất nhiều vị trí phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Việc uỷ quyền, cho phép Hà Nội lựa chọn nhà đầu tư thực hiện một số dự án đặc thù lập quy hoạch chi tiết và lựa chọn tư vấn lập quy hoạch phân khu là cần thiết.
Riêng đối với kiến nghị điều chỉnh quy mô dân số và ranh giới 2 dự án KĐT Tây Mỗ, Gia Lâm, Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội cần cân nhắc đến ảnh hưởng chung đối với phân khu. Chủ trương rút dần dân cư trong vùng lõi ra ngoại vi, giảm dân số khu vực trung tâm từ 1,2 triệu xuống còn 800.000 người là rất tốt, nhưng phải song hành với phát triển hạ tầng tại từng khu vực để đảm bảo các vấn đề dân sinh.
Cũng tại buổi làm việc sáng 29-9, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông bày tỏ lo ngại về thực trạng quá tải hạ tầng; khó khăn trong phát triển giao thông công cộng của thành phố. Đối với những kiến nghị, đề xuất của Hà Nội về việc giải ngân vốn ODA cho các dự án hạ tầng giao thông; huy động nguồn vốn xã hội hoá thực hiện đường sắt đô thị..., Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho rằng hiện còn vướng rất nhiều quy định của luật.
“Chờ sửa luật sẽ rất lâu, kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ cho phép đưa ra Thường vụ Quốc hội bàn bạc, ra Nghị quyết, uỷ quyền cho Hà Nội thực hiện tự chủ, tự quyết trong một số vấn đề cấp bách, đặc biệt là lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đề xuất”.
Hà Nội cần phải văn minh và thượng tôn pháp luật
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thủ tướng nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao một số ý tưởng của Hà Nội trong quản lý nhà nước như hạn chế phương tiện xe máy đến năm 2030, bởi đây là xu thế của thời đại, đồng thời thay mặt Chính phủ biểu dương và đánh giá cao sự cố gắng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trong thời gian gần đây, đặc biệt là 2 năm qua.
Phân tích những thách thức mà Hà Nội đang gặp phải, Thủ tướng nêu, đó là thách thức từ quản lý một siêu đô thị trong sức ép cạnh tranh với các thành phố lớn trong khu vực; thách thức về chuyển đổi hiệu quả mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động; thách thức giữ vững kỷ luật, kỷ cương dân chủ…. “Hà Nội phải tạo động lực cho từng cán bộ làm việc với tinh thần phục vụ nhân dân. Hà Nội nên đi trước cả nước để làm gương. Việc để dân làm giấy chứng tử mất cả ngày là phản cảm, phải rút kinh nghiệm sâu sắc”, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng, định hướng phát triển để bảo đảm “xanh, sạch, bảo tồn, kỷ cương” đang đặt ra với Hà Nội một cách mạnh mẽ. Nguyên tắc cốt lõi của Hà Nội phải là thành phố hoà bình, văn minh, văn hiến, bản sắc và thượng tôn pháp luật.