Hiến giải pháp phòng, chống khai thác cát trái phép
- Khi người dân cùng phòng, chống khai thác cát trái phép
- Theo chân CA Bắc Ninh chống khai thác cát trái phép trên sông Đuống
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác, vận chuyển cát trái phép, bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát ở cửa sông, khu vực biển, các địa phương cần kiểm soát nơi neo đậu và các địa điểm thường xuyên tiêu thụ, tập kết cát.
Các cơ quan chức năng cần kiểm tra giấy phép hoạt động và hành trình khai thác của các phương tiện cũng như giấy phép điều khiển phương tiện của cá nhân. Thành phố Hồ Chí Minh cần thành lập tổ liên ngành thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép; đồng thời đảm bảo các chính sách hỗ trợ cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, các địa phương cần góp ý điều chỉnh đề án để có thể ban hành vào giữa tháng 5-2019. Thay vì thực hiện từ năm 2019 đến năm 2022, cần điều chỉnh thực hiện thí điểm trong 3 năm từ năm 2019 đến 2021, chia thành 3 giai đoạn, qua mỗi năm thực hiện sơ kết đánh giá, làm rõ mô hình, hoàn thiện chính sách, bổ sung phương tiện và tập trung các giải pháp thực hiện đồng bộ.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết: Trong đề án sẽ điều chỉnh bổ sung thêm một số đơn vị vào công tác kiểm tra, xử lý việc khai thác, vận chuyển hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép như Sở Giao thông Vận tải thành phố.
UBND TP Hồ Chí Minh sẽ làm việc với Bộ Xây dựng về nhu cầu cát san lấp trong xây dựng trên địa bàn, đồng thời tổ chức các hội nghị kêu gọi đầu tư về vật liệu mới thay thế cát, đề ra các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư.
Một tàu khai thác cát tại biển Cần Giờ - TP Hồ Chí Minh bị bắt giữ. |
Chia sẻ về công tác thực hiện tại địa phương, ông Nguyễn Văn Tiệp, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Tiền Giang cho biết: Trên địa bàn tỉnh không còn mỏ cát được cấp phép trong khi nhu cầu sử dụng cát san lấp lớn; hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn thực hiện với nhiều hình thức như các tàu vừa chạy vừa hút cát, tổ chức người theo dõi, canh gác cơ quan chức năng.
Theo ông Nguyễn Văn Tiệp, để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác, vận chuyển cát trái phép, các địa phương cần tăng cường chia sẻ thông tin, thực hiện tốt quy chế phối hợp trong kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác, vận chuyển cát trái phép; đồng thời kiến nghị sửa đổi quy định pháp luật, tịch thu phương tiện khi phương tiện có khối lượng cát 10m³ trở lên thay vì 50m³ như quy định hiện nay.
Trình bày Đề án Phòng, chống khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ và vùng giáp ranh giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết: Đề án triển khai trên các tuyến sông thường xuyên xảy ra tình trạng khai thác cát trái phép trên sông như sông Đồng Nai, Sài Gòn, Đồng Tranh, Soài Rạp, Lòng Tàu và trọng tâm là khu vực biển Cần Giờ.
Mục tiêu của đề án là tăng cường trao đổi thông tin, sự phối hợp giữa các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh nhằm thực hiện quy chế phối hợp số 37/QCPH đã ký kết ngày 6-1-2017 giữa UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh; giải quyết dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép, vận chuyển, kinh doanh cát không rõ nguồn gốc trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Đồng thời, đề án sẽ thực hiện điều tra, đánh giá trữ lượng cát xây dựng, san lấp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng như kế hoạch bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý.
Để thực hiện đạt các mục tiêu đề ra, UBND TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh sẽ rà soát các quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, giao thông thủy; xem xét đề xuất bổ sung, sửa đổi theo hướng tăng mức xử phạt đối với hành vi khai thác cát trái phép, kinh doanh, vận chuyển cát không rõ nguồn gốc hợp pháp; tăng cường các biện pháp xử lý, chế tài các phương tiện và người tham gia điều khiển phương tiện khai thác cát trái phép đảm bảo đủ sức răn đe nhằm phòng ngừa, tái diễn.
Một trong những giải pháp quan trọng là nghiên cứu đề xuất áp dụng công nghệ khoa học vào công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, đầu tư trang thiết bị phù hợp, đáp ứng đa nhiệm vụ, đa mục tiêu phục vụ công tác tuần tra, kiểm tra trên sông, trên biển. Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức trao đổi thông tin, kinh nghiệm giữa các sở, ngành của TP Hồ Chí Minh và mỗi năm một lần giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh giáp ranh.
Trong giai đoạn 2015-2018, các cơ quan chức năng của TP Hồ Chí Minh đã phát hiện và xử lý 151 trường hợp khai thác, vận chuyển cát trái phép. Riêng trong quý 1 năm 2019 đã phát hiện và xử lý 6 trường hợp khai thác và vận chuyển cát trái phép với tổng số tiền trên 157 triệu đồng.