Hoạt động của Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong ngày làm việc đầu tiên tại Peru
- Có một sự gắn kết như là "thiên định"
- "Tự hào về mối quan hệ mẫu mực, trước sau như một Việt Nam - Cuba"
- Cuba tổ chức lễ đón trọng thể và trao tặng Chủ tịch nước Trần Đại Quang Huân chương Jose Marti
- Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của APEC
- Tuyên bố chung Việt Nam - Cuba
Đây là chuyến thăm Peru lần thứ hai của người đứng đầu Nhà nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1994. Tham gia Đoàn có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung và lãnh đạo của nhiều Bộ, ngành và Thành phố Đà Nẵng.
Chiều 18-11, tại Phủ Tổng thống Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Kuczynski. Trong bầu không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu rộng về phương hướng và các biện pháp tăng cường quan hệ Việt Nam - Peru cũng như phối hợp giữa hai nước tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Tổng thống Peru Kuczynski vui mừng đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang. Ảnh VOV |
Tổng thống Peru Kuczynski bày tỏ vui mừng được đón Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm Peru; chúc mừng Việt Nam về những thành tựu nổi bật trong công cuộc Đổi mới và hội nhập quốc tế. Tổng thống Kuczynski khẳng định coi trọng vai trò và vị thế ngày càng cao của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới.
Hai nhà lãnh đạo vui mừng nhận thấy quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Peru thời gian qua đã có những bước phát triển nhanh chóng, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư. Để nâng quan hệ hai nước lên tầm cao mới, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Kuczynski nhất trí tăng cường trao đổi đoàn cấp cao cũng như các cấp Bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp, thúc đẩy ký kết các thỏa thuận song phương để mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là về viễn thông và dầu khí. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí cùng nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp của hai bên tiếp cận thị trường Đông Nam Á và Mỹ La-tinh.
Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 24 với phương châm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, nâng tầm đối ngoại đa phương (Ảnh: BNG) |
Hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác để duy trì môi trường hòa bình, ổn định vì phát triển. Hai bên bày tỏ hài lòng về sự phối hợp ngày càng hiệu quả giữa hai nước tại các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực như APEC, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Diễn đàn Hợp tác Đông Á - Mỹ La-tinh (FEALAC) cũng như qua quan hệ giữa APEC với Liên minh Thái Bình Dương. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên tiếp tục phối hợp thực hiện tốt Bản Ghi nhớ về hợp tác trong khuôn khổ APEC nhằm bảo đảm thành công của Năm APEC Peru 2016 và Năm APEC Việt Nam 2017.
Ngay sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Kuczynski đã chứng kiến lễ ký kết ba văn kiện hợp tác là Bản ghi nhớ về hợp tác phát triển ngành đánh bắt cá, Thỏa thuận về hợp tác văn hóa và Thỏa thuận hợp tác kiểm soát các chất hướng thần, ma túy và tiền chất.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã mời Tổng thống Kyczynski thăm Việt Nam. Tổng thống Kuczynski cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tiếp Phó Tổng thống Indonesia Kalla.
Hai bên vui mừng về những phát triển nhanh chóng của quan hệ hai nước kể từ khi thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược năm 2013. Phó Tổng thống Kala khẳng định Indonesia luôn coi trọng và mong muốn thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Hai bên nhất trí cần tiếp tục đưa quan hệ song phương đi vào chiều sâu, trong đó có phòng chống khủng bố, an ninh biển, chống tội phạm có tổ chức…
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Phó Tổng thống Indonesia Kalla. |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, đặc biệt là ở Cấp cao và sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 7 của Ủy ban Hỗn hợp hai nước để đề ra các biện pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 10 tỷ USD vào năm 2018; đề nghị Indonesia quan tâm, đối xử nhân đạo với ngư dân Việt Nam trên tinh thần hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác.
Hai bên cũng nhất trí tăng cường phối hợp tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt trong việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực, thúc đẩy nỗ lực giải quyết tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, xây dựng Cộng đồng ASEAN và phối hợp chặt chẽ trong Năm APEC Việt Nam 2017.
* Ngay sau buổi tiếp Phó tổng thống Indonesia, vào hồi 17 giờ 30 (giờ địa phương; khoảng 5 rưỡi sáng ngày 19-11, giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp Liên minh các doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trong buổi tiếp các doanh nghiệp Hoa Kỳ. |
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đại diện liên minh doanh nghiệp Hoa Kỳ trong APEC. |
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước một lần nữa nhấn mạnh, chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh sao cho ngày càng minh bạch, ổn định, đồng thời với đó là mạnh mẽ cải thiện hạ tầng cơ sở.
Đánh giá cao Phòng Thương mại Hoa Kỳ có sáng kiến tổ chức cuộc gặp gỡ này, Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam không chỉ mong muốn có vai trò ngày càng vững chắc trong khu vực kinh tế ASEAN mà còn là cầu nối gắn kết các nền kinh tế của ASEAN với các nền kinh tế khác trên thế giới. "Chính nền tảng thương mại - đầu tư đã thúc thẩy quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển mạnh; đưa Hoa Kỳ trở thành đối tác thương mại hàng đầu và nhà đầu tư đứng thứ 7 ở Việt Nam" - Chủ tịch nước nhận xét.
* Trước đó, vào sáng 18-11, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Đoàn cán bộ cấp cao Việt Nam đã tới thăm Văn phòng Chi nhánh Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel và Văn phòng Chi nhánh Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí - PVEP tại Peru.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu động viên cán bộ, ngân viên Văn phòng Chi nhánh Tập đoàn Viettel tại Peru. |
Sau khi nghe đại diện lãnh đạo hai doanh nghiệp báo cáo kết quả các mặt công tác; bày tỏ niềm vinh hạnh lần đầu tiên được đón người đứng đầu Nhà nước tới thăm; Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhiệt liệt biểu dương những thành tích mà các cán bộ, công nhân viên hai doanh nghiệp đạt được trong những năm qua.
Đối với Viettel Peru, Chủ tịch nước khẳng định, là một doanh nghiệp quân đội, đơn vị đã phát huy bản chất người lính, luôn xung kích đi đầu, là điểm sáng kinh doanh ở Peru. Việc doanh nghiệp chuẩn bị cung cấp dịch vụ di động 4G tại thị trường này là một hướng đi đúng, cần phát huy. Với Chi nhánh Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí tại Peru, Chủ tịch nước chia sẻ sự cảm thông với những khó khăn của doanh nghiệp do yếu tố khách quan đưa lại (giá dầu thế giới sụt giảm).
Trong bối cảnh ấy, Chủ tịch nước yêu cầu cán bộ, công nhân viên Chi nhánh phát huy hơn nữa truyền thống của một ngành có bề dày hơn nửa thế kỷ xây dựng và trưởng thành; đoàn kết, cùng chung lưng đấu cật vượt qua những khó khăn trong thời điểm hiện tại.
Về phương hướng lâu dài, Chủ tịch nước mong rằng việc kinh doanh của hai doanh nghiệp sẽ xuôi chèo mát mái, góp phần quan trọng vào việc củng cố và phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước. Theo Chủ tịch nước, đó là điều còn quan trọng hơn nhiều so với kết quả kinh doanh.
* Cũng trong sáng 18-11, sau khi đến thăm Văn phòng Chi nhánh hai doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam tại Peru, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến dự chương trình Gặp gỡ đại diện doanh nghiệp Peru.
Cùng dự với Chủ tịch nước có đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành uỷ Hà Nội; đồng chí Đào Việt Trung, Chánh Văn phòng Chủ tịch nước;
Đồng chí Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao; đồng chí Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Vũ Quang Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công thương; đồng chí Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đồng chí Trần Quang Tiệp, Trợ lý Chủ tịch nước; đồng chí Nguyễn Văn Kiền, Đại sứ Việt Nam tại Brasil kiêm nhiệm Peru. Các đồng chí Hoàng Trung Hải và Vũ Tiến Lộc điều hành Chương trình gặp gỡ.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang dự chương trình Gặp gỡ đại diện doanh nghiệp Peru. |
Phát biểu với đại diện doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là các doanh nghiệp Peru đã và đang có ý định đầu tư vào Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia ổn định về chính trị; đảm bảo về an ninh trật tự. Đó là những lợi thế rất lớn để các doanh nghiệp nước ngoài yên tâm đầu tư.
"Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp Peru đầu tư hợp tác với Việt Nam. Chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm để cùng phát triển. Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sẽ tạo hành lang pháp lý tốt nhất để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng như để các doanh nghiệp Việt Nam mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài. Giữa Việt Nam và Peru có nhiều điểm tương đồng. Peru từng tích cực ủng hộ Việt Nam trong chiến tranh. Cả hai đều gia nhập APEC trong cùng một năm. Doanh nghiệp hai nước cần tăng cường trao đổi, tìm kiếm thêm những điểm tương đồng, sao cho quan hệ đầu tư ngày càng tốt đẹp, nâng quan hệ kinh tế ngang tầm quan hệ chính trị giữa hai nước" - Chủ tịch nước Trần Đại Quang lưu ý.
* Song song với các hoạt động của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, cũng tại Peru, ngày 18-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dự và có bài phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 28 của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hội nghị được tổ chức tại Trung tâm Lima và đã bước sang ngày làm việc thứ hai.
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Luna và Bộ trưởng Bộ Thương mại Ferreyros của nước chủ nhà, Hội nghị đã tiến hành phiên thảo luận thứ 4 về phát triển con người, một trong những ưu tiên hàng đầu trong hợp tác APEC hiện nay. Các Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục, sáng tạo, đào tạo kỹ năng nghề, văn hóa kinh doanh, công nghệ thông tin… đối với phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh dự và có bài phát biểu tại Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế lần thứ 28 của APEC. Ảnh BNG |
Hội nghị cho rằng APEC cần ưu tiên cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận giáo dục, bảo đảm việc làm bền vững và chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên và người khuyết tật. Các Bộ trưởng hoan nghênh Tuyên bố chung của Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục APEC lần thứ 6 tổ chức tháng 10-2016 và nhất trí cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về giáo dục nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh nêu rõ công nghệ số đang là động lực làm thay đổi căn bản các ngành nghề, thúc đẩy kinh tế thế giới chuyển đổi nhanh hơn bao giờ hết.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, APEC cần đẩy mạnh hợp tác giáo dục, kết nối số, nhất là ở nông thôn và vùng sâu, vùng xa nhằm góp phần xóa đói giảm nghèo, trao quyền năng cho phụ nữ và trẻ em gái. Phó Thủ tướng khẳng định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba biện pháp ưu tiên hàng đầu của Việt Nam để thực hiện để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020.
Tiếp đó, Hội nghị đã tiến hành phiên họp về việc chuẩn bị cho Năm APEC 2017 tại Việt Nam vào năm 2017. Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh được mời phát biểu chính tại phiên họp.
Khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng cho các sự kiện của APEC trong năm 2017, Phó Thủ tướng nhấn mạnh chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" mà Việt Nam đề xuất cho Năm APEC 2017 là xuất phát từ quan tâm chung của APEC cần thêm “động lực mới” để thúc đẩy hội nhập, liên kết trong bối cảnh mới, vì duy trì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng ở khu vực.
Dự kiến khoảng 200 hoạt động, trong đó có 8 hội nghị cấp Bộ trưởng và tương đương, sẽ tổ chức trên khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Tuần lễ Cấp cao lần thứ 25, sự kiện quan trọng nhất trong Năm APEC 2017, sẽ diễn ra tại thành phố Đà Nẵng.
Hội nghị đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của Việt Nam về mọi mặt và hoan nghênh ý nghĩa của chủ đề do Việt Nam đề xuất. Các thành viên bày tỏ tin tưởng Năm APEC 2017 sẽ góp phần làm cho hợp tác, liên kết khu vực sâu rộng hơn và nâng cao vị thế của APEC trong giai đoạn mới.
Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao - Kinh tế APEC lần thứ 28 kết thúc với việc thông qua Tuyên bố chung về các biện pháp thúc đẩy hợp tác APEC. Các kết quả và văn kiện của Hội nghị sẽ được trình lên các nhà Lãnh đạo APEC tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 họp trong hai ngày 19 và 20-11.
* Cũng trong ngày 18-11, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp song phương với nhiều đối tác, trong đó có Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Ngoại trưởng Papua New Guinea…. Các nước nhất trí cần nỗ lực hơn nữa để tăng cường quan hệ hợp tác song phương và tiếp tục phối hợp chặt chẽ để Năm APEC Việt Nam 2017 thành công. |