Hội nghị bàn tròn Thủ tướng với mạng lưới chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam
- Hội nghị Thủ tướng ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia thành công tốt đẹp
- Thủ tướng kêu gọi các nhà đầu tư đến Việt Nam bằng khối óc và trái tim
- Thủ tướng: Việt Nam chào đón doanh nghiệp ASEAN và quốc tế
- Thủ tướng: Xóa ngay ‘quan hệ thân hữu, ưu đãi ngầm’ trong kinh doanh
Diễn ra trong bối cảnh kinh tế Việt Nam đang đứng trước thách thức, các động lực tăng trưởng bị hạn chế về sức ảnh hưởng, Hội nghị bàn tròn Thủ tướng với mạng lưới các chuyên gia toàn cầu về phát triển Việt Nam chiều 13-12 được cho là dịp quan trọng để Chính phủ Việt Nam và các chuyên gia kinh tế cùng đối thoại và bàn bạc để tìm ra những động lực, định hướng mới cho tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các chuyên gia kinh tế thế giới và Việt Nam. |
Với chủ đề “Việt Nam trong mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu”, hội nghị được Bộ Ngoại giao Việt Nam và Nhóm sáng kiến Việt Nam phối hợp tổ chức, với sự tham gia của thành viên chính phủ, các Bộ trưởng, lãnh đạo một số bộ ban ngành cùng nhiều chuyên gia kinh tế hàng đầu tới từ Việt Nam và các trường đại học danh tiếng trên thế giới.
Một câu hỏi lớn được Thủ tướng nhiều lần nêu ra với nhiều Bộ, ngành, cơ quan chức năng ở Việt Nam nhưng vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục là phải xác định cho được một số điểm nghẽn tăng trưởng mà nếu tháo gỡ được sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, trong thời gian ngắn nhất.
Phân tích đã được tiến hành với 8 nhóm vấn đề được các nhà hoạch định chính sách và giới nghiên cứu xem là những cản trở đối với tăng trưởng ở Việt Nam, bao gồm: chi phí tài chính cao; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; đất đai và bảo vệ quyền tài sản; rủi ro kinh tế vĩ mô; các rủi ro thể chế vi mô: chính sách thuế, lao động, giấy phép kinh doanh và thực thi hợp đồng; rào cản từ bộ máy hành chính và quản trị; thất bại của thị trường (đổi mới và sáng tạo).
Toàn cảnh Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay, Chính phủ sẽ vẫn quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra để đảm bảo sự ổn định cho nền kinh tế vĩ mô cũng như nhu cầu việc làm và các chỉ số kinh tế khác.
Khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn muốn lắng nghe các ý kiến của các chuyên gia trên tinh thần cởi mở và thẳng thắn, Thủ tướng một lần nữa cũng phát đi thông điệp của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng một Chính phủ kiến tạo, hiệu quả để thực hiện tốt nhiệm vụ kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Tại hội nghị, chia sẻ mong muốn kết nối kết quả nghiên cứu khoa học và công tác hoạnh địch tham mưu với người đứng đầu Chính phủ và lãnh đạo các Bộ, ban ngành, các chuyên gia quốc tế và Việt Nam đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế, vướng mắc của nền kinh tế Việt Nam trong quá trình công nghiệp hoá.
Theo đó, hạn chế của Việt Nam gồm: chưa tận dụng được dân số vàng và còn phụ thuộc vào khu vực FDI nhưng lại chưa tạo được kết nối chặt chẽ giữa các khu vực FDI với nền kinh tế trong nước và Việt Nam hiện mới chỉ tham gia khâu gia công, lắp ráp nên vị trí còn thấp trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Cũng theo các chuyên gia, Việt Nam hiện đang đối mặt với nhiều thách thức của trào lưu công nghiệp hoá hiện nay với các nước đang cùng trong quá trình công nghiệp hoá như cạnh tranh gay gắt do cầu giảm sau khủng hoảng toàn cầu 2008, nhiều nước hiện đang ở giai đoạn thu nhập trung bình và trung bình thấp rơi vào tình trạng thoát công nghiệp hoá còn non và cầu sử dụng lao động trong sản xuất công nghiệp giảm mạnh do cách mạng công nghiệp ngày càng phát triển theo hướng tự động hoá và mạng hoá.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia đã đưa ra những khuyến nghị về chính sách công nghiệp hoá cho Việt Nam trong thời gian tới như: đẩy mạnh công nghiệp hoá vừa theo diện rộng vừa tiến sâu vào chuỗi giá trị của sản phẩn công nghiệp; nâng cao nội lực, tăng năng lực quản trị của nhà nước với trọng tâm là cải cách hành chính; xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng và cân bằng hơn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam kết nối có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu và từng bước tạo lập thương hiệu riêng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tập trung vào chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng với trào lưu phát triển công nghiệp mới đáp ứng được thay đổi của thị trường và công nghệ.