Đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính
- Chấn chỉnh thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ
- Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Hà Giang
- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ
Sáng 28-12, Hội nghị toàn quốc Chính phủ với các địa phương năm 2018 đã được tổ chức. Hội nghị nhằm triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới dự Hội nghị.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự Hội nghị |
Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trình bày Báo cáo kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2018.
Đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính
Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Chính phủ đã thống nhất phương châm của năm 2018 gồm 10 chữ: “Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả” với quan điểm chỉ đạo, điều hành xuyên suốt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Toàn cảnh Hội nghị |
Chính phủ đổi mới cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế gắn với tinh thần thượng tôn pháp luật; tháo gỡ vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng.
Đồng thời, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, khơi dậy niềm tin, tạo động lực sản xuất kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, huy động mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đổi mới phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành bằng những việc làm cụ thể; xây dựng hệ thống cơ quan hành chính liêm chính, hành động, phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động.
Chính phủ đã khẩn trương quán triệt và cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội bằng chương trình, kế hoạch hành động với những nhiệm vụ cụ thể; chú trọng công tác phối hợp, tham vấn ý kiến các cơ quan của Đảng và Quốc hội trong chỉ đạo, quản lý, điều hành.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh trình bày báo cáo |
Chính phủ đã xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua và ban hành 3 Nghị quyết quan trọng; phối hợp với Ban Dân vận Trung ương triển khai hiệu quả “Năm Dân vận chính quyền 2018”.
Phối hợp chặt chẽ với Quốc hội, chuẩn bị 100 báo cáo, tờ trình, dự án luật, pháp lệnh gửi Quốc hội trước ngày khai mạc kỳ họp và nhiều tài liệu, báo cáo khác trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Các thành viên Chính phủ đã trả lời, giải trình bằng văn bản 265 chất vấn của đại biểu Quốc hội; trực tiếp trả lời 524 chất vấn và tranh luận của đại biểu Quốc hội tại Hội trường; tiếp nhận, xử lý 2.004 kiến nghị của cử tri với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn, cầu thị và trách nhiệm.
Luôn năng động, đổi mới, sáng tạo trong quản lý
Nhìn lại năm 2018, bên cạnh những thuận lợi, đất nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức song Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn kiên định với mục tiêu đề ra, năng động, đổi mới, sáng tạo trong quản lý, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, sâu sát thực tiễn, tăng cường đối thoại, lắng nghe; phát huy sức mạnh của tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; đoàn kết, thống nhất, chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, phân công cụ thể, kết hợp hài hòa giữa giải quyết nhiệm vụ trọng tâm với xử lý kịp thời những vấn đề cấp bách, phát sinh; tổ chức thí điểm nhiều mô hình hiệu quả làm cơ sở ban hành chính sách, pháp luật phù hợp, phát huy hiệu quả trong thực tiễn; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt, liên tục của nền hành chính quốc gia với tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp.
Trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn chấp hành nghiêm túc sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội; thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và Quy chế làm việc của Chính phủ.
Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan tư pháp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ chính trị.
Kết quả công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thể hiện rõ nét qua kết quả tình hình kinh tế - xã hội năm 2018, góp phần củng cố thêm niềm tin của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội vào tương lai phát triển của đất nước.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế
Báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như công tác dự báo, tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách chưa chủ động; trong một số trường hợp phản ứng chính sách chưa kịp thời; việc khắc phục cơ chế, chính sách, pháp luật bất cập chưa đạt yêu cầu.
Một số báo cáo, đề án trong chương trình công tác chưa đạt tiến độ đề ra, trong khi có nhiều trường hợp phát sinh phải bổ sung, gây bị động trong việc sắp xếp chương trình làm việc của Chính phủ.
Công tác phối hợp trong xử lý những vấn đề liên ngành giữa các bộ, cơ quan còn tình trạng né tránh, ý kiến không rõ ràng, đùn đẩy trách nhiệm, kéo dài.
Một số hồ sơ dự án luật chưa đầy đủ theo quy định. Chưa chủ động, kịp thời trong việc rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật. Chưa chú trọng nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện tác động của chính sách; công tác thông tin, truyền thông định hướng chính sách chưa chủ động, thiếu dự báo nên chưa nhận được sự đồng thuận và tạo dư luận không tốt trong xã hội.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành trong một số lĩnh vực còn chưa đáp ứng yêu cầu. Một số địa phương chưa sâu sát thực tiễn, chưa chủ động nắm tình hình, còn bị động, bất ngờ trong xử lý tình huống phát sinh, để xảy ra vụ việc đáng tiếc gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và hình ảnh Việt Nam.
Chính phủ cho rằng những hạn chế nêu trên một phần do nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, do người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị còn thiếu quyết liệt, chưa sâu sát; một số cán bộ, công chức chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ.
Trong năm 2019, bên cạnh những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu điều hành phát triển kinh tế - xã hội đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên trong công tác chỉ đạo, điều hành.