Khai mạc Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13
- Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13
- Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13
- Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23
- Hải quan Việt Nam đăng cai Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEAN lần thứ 23
Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn; Ngài Kunio Mikuriya, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO); Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Việt Nam Nguyễn Văn Cẩn; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng cùng 150 đại biểu đến từ 53 đoàn đại biểu là các Tổng cục trưởng, Cao ủy các cơ quan Hải quan của các nước thành viên ASEM, Liên minh châu Âu và đại diện các Đại sứ quán các nước thành viên ASEM tại Việt Nam.
Đây là lần đầu tiên Tổng cục Hải quan Việt Nam đăng cai tổ chức một sự kiện quan trọng và có quy mô lớn nhất của khu vực Á - Âu trong lĩnh vực hải quan. Việc đăng cai tổ chức Hội nghị ASEM lần thứ 13 không chỉ là trọng trách của quốc gia thành viên mà còn là một vinh dự lớn, thể hiện sự tin cậy của các cơ quan Hải quan ASEM đối với Hải quan Việt Nam.
Toàn cảnh hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới hiện nay đang tạo ra nhiều cơ hội cho sự phát triển nhưng cũng rất nhiều thách thức do sự tác động đan xen của nhiều yếu tố liên quan đến thương mại và phi thương mại.
Các thách thức mà các cơ quan hải quan đều đối mặt như buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng cấm, tội phạm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, tội phạm liên quan đến môi trường, an ninh… đòi hỏi thúc đẩy các cơ chế hợp tác quốc tế, trong đó, hợp tác ASEM là một kênh hết sức quan trọng.
Thứ trưởng Bộ Tài Chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tiếp Ngài Kunio Mikuriya, Tổng Thư ký Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) |
“Đối với Việt Nam, Chính phủ và Bộ Tài chính Việt Nam luôn coi trọng hợp tác và trợ giúp lẫn nhau trong lĩnh vực hải quan cả song phương và đa phương nhằm tạo thuận lợi thương mại, kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng minh bạch có tính dự đoán cho các doanh nghiệp, đồng thời quản lý hải quan một cách hiệu lực, ngăn chặn các vi phạm pháp luật hải quan gây tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Theo hướng đó, Bộ Tài chính Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức triển khai cải cách hiện đại hóa hải quan theo các chuẩn mực quốc tế, ứng dụng tối đa thành tựu khoa học công nghệ vào quản lý hải quan và đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế về thuận lợi hóa thương mại.” Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh.
Diễn đàn ASEM đối thoại trên 3 trụ cột nòng cốt gồm an ninh và chính trị; kinh tế và tài chính; văn hóa xã hội và giáo dục. Hợp tác hải quan nằm trong tiến trình đối thoại kinh tế và tài chính với ưu tiên chính là tăng cường đối thoại về các vấn đề liên quan của WTO bao gồm tạo thuận lợi thương mại, an ninh thương mại, thương mại và phát triển. Cơ chế làm việc trong diễn đàn hải quan ASEM bao gồm Nhóm công tác về hải quan họp thường niên và Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan được tổ chức 2 năm một lần luân phiên nghĩa vụ đăng cai giữa châu Á và châu Âu.
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM phê duyệt. |
Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM đóng vai trò là diễn đàn định hướng, chỉ đạo và hướng dẫn các nhóm công tác triển khai kế hoạch hành động theo các giai đoạn được các Tổng cục trưởng Hải quan ASEM phê duyệt.
Trong giai đoạn 2018 - 2019, hợp tác Hải quan ASEM gồm 4 ưu tiên chính đã được thông qua tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 12 được tổ chức vào năm 2017 tại Đức, đó là: Tạo thuận lợi thương mại và an ninh chuỗi cung ứng; đấu tranh chống hàng giả và thực thi quyền sở hữu trí tuệ; bảo vệ xã hội và môi trường và kết nối cộng đồng và tầm nhìn ASEM. Đây cũng là các ưu tiên xuyên suốt của hoạt động hợp tác hải quan ASEM.
Dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên nói trên, đồng thời nhằm thực hiện cam kết của các Nhà Lãnh đạo ASEM tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEM vào tháng 10/2018 tại Bỉ trong việc tăng cường kết nối ASEM, tăng cường an ninh và an toàn cho các công dân ASEM, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương, thúc đẩy cải cách WTO và thực thi các nghĩa vụ của các thành viên WTO trong đó có việc thực thi Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO, thúc đẩy hợp tác ASEM về thương mại qua biên giới, dự kiến, các chương trình hoạt động trong Kế hoạch Hành động Hải quan ASEM giai đoạn 2020-2021 sẽ bao gồm: Tạo thuận lợi cho thương mại và thủ tục hải quan phi giấy tờ; Thực thi cơ chế một cửa trong bối cảnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ chuỗi khối (blockchain), kiểm soát hải quan hiệu quả sử dụng công nghệ cao, chiến dịch hải quan xanh nhằm ngăn chặn vận chuyển trái phép phế liệu và rác thải, hoạt động hải quan phối hợp nhằm ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và thực thi hiệu quả quyền sở hữu trí tuệ tại biên giới, Kết nối ASEM thông qua cơ chế chia sẻ và trao đổi thông tin, hợp tác ASEM trong các hoạt động quá cảnh và chuyển tải và quản lý hải quan đối với thương mại điện tử.
Các đại biểu tham dự hội nghị chụp ảnh lưu niệm |
Do vậy, các nội dung thảo luận của Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 tại Việt Nam cũng sẽ xoay quanh các ưu tiên này nhằm mục tiêu đề xuất, xây dựng và thống nhất các chương trình hoạt động cụ thể để đưa vào Kế hoạch hành động Hải quan ASEM cho giai đoạn 2020 - 2021.
Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, với kim ngạch thương mại chiếm khoảng 60% thương mại toàn cầu, ASEM là một diễn đàn hợp tác hết sức quan trọng đóng góp vào sự phát triển của kinh tế thế giới. Điều này cũng đặt ra những cơ hội và thách thức cho các cơ quan hải quan thành viên trong việc thực hiện nhiệm vụ tạo thuận lợi thương mại hợp pháp đồng thời, đảm bảo an ninh, an toàn cho cộng đồng.
Tại Hội nghị Tổng cục trưởng Hải quan ASEM lần thứ 13 sẽ có các phiên thảo luận tích cực, hiệu quả và thiết thực đối với các vấn đề hợp tác hải quan ASEM về tạo thuận lợi thương mại, tuân thủ, quản lý hải quan hiện đại, kiểm soát hải quan. Từ đó, đưa ra được những kế hoạch hành động đi vào thực chất, gắn với yêu cầu thực tiễn mang tính thời sự, phù hợp với xu hướng của công tác hải quan hiện đại trên thế giới, đem lại những lợi ích thiết thực cho từng thành viên và toàn khu vực.
Dự kiến trong phiên làm việc ngày 1-10- kết thúc hội nghị, các Tổng cục trưởng sẽ thông qua Kế hoạch hành động hải quan ASEM giai đoạn 2020 - 2021 với các chương trình hoạt động cụ thể và “Tuyên bố Hạ Long” thể hiện cam kết của các cơ quan Hải quan ASEM đối với các mục tiêu và ưu tiên hợp tác hải quan ASEM trong thời gian tới.