Khẳng định vai trò, tiếng nói của Việt Nam tại Liên hợp quốc

07:03 20/09/2020
Đảm nhiệm vai trò kép Chủ tịch luân phiên ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) trong năm 2020, Việt Nam được đánh giá là đã làm tốt trọng trách được giao. Đặc biệt, hợp tác Việt Nam - LHQ trong hơn 40 năm (20/9/1977-20/9/2020) có ý nghĩa to lớn từ giai đoạn tái thiết đất nước sau chiến tranh đến thời kỳ phá thế bao vây cấm vận và từng bước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.


Hoạt động thực chất

Ngày 20/9/1977, Việt Nam chính thức gia nhập LHQ, tổ chức đóng vai trò trung tâm trong xây dựng luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó với các thách thức toàn cầu. Trong hơn 40 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam - LHQ đã góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của ta, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; làm sâu sắc hơn quan hệ của ta với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè và tranh thủ một nguồn lực quan trọng phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Mặt khác, Việt Nam đã chủ động đóng góp tích cực và ngày càng thực chất đối với hoạt động của LHQ, trong đó có đề cao vai trò của LHQ và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy tôn trọng Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, quan hệ bình đẳng, hợp tác phát triển giữa các quốc gia và quyền tự quyết của các dân tộc, phản đối hành động áp bức, xâm lược, cấm vận đơn phương trong quan hệ quốc tế; tham gia đóng góp vào quá trình thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết, tuyên bố quan trọng của LHQ về hợp tác phát triển, giải trừ quân bị, chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, chống khủng bố, bảo đảm quyền con người.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thư ký Liên hợp quốc  António Guterres.

Việt Nam được LHQ và cộng đồng quốc tế đánh giá là một điển hình thành công trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và là một quốc gia quyết tâm và nghiêm túc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ LHQ, đặc biệt được đánh giá là một trong những quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của LHQ nhằm tăng hiệu quả hoạt động của LHQ ở cấp độ quốc gia.

Với những đóng góp của mình, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của LHQ và ghi được nhiều “dấu ấn” Việt Nam tại các cơ quan như tại HĐBA LHQ, Hội đồng Nhân quyền LHQ, Hội đồng Kinh tế - xã hội (ECOSOC)...

Đặc biệt, trong giai đoạn 2017-2021, Việt Nam đã tích cực tham gia vào nỗ lực chung của LHQ trong giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế, thúc đẩy quyền con người; tích cực tham gia thương lượng và ký Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân và ngày 17/5/2018 trở thành nước thứ 10 phê chuẩn Hiệp ước. Trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình LHQ, Việt Nam đã cử 169 lượt sĩ quan, cán bộ tham gia Phái bộ LHQ ở Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi; triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình ở Nam Sudan.

Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục hợp tác tích cực với các cơ chế LHQ về quyền con người, bảo vệ Báo cáo quốc gia theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) và các báo cáo thực thi công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời đang ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025; phối hợp tốt với LHQ trong công cuộc chống đại dịch COVID-19, trong đó có đóng góp 50.000 USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của WHO.

Dấu ấn 8 tháng vai trò kép

Năm 2020, tình hình chính trị - an ninh, kinh tế - xã hội đã diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Các nước lớn gia tăng cạnh tranh chiến lược, căng thẳng, xung đột leo thang tại nhiều khu vực, đặc biệt là Trung Đông - Bắc Phi, Tây Phi, Mỹ Latinh, trong khi các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, khủng bố, tội phạm có tổ chức… ngày càng lan tỏa, khó kiểm soát hơn trong một "thế giới phẳng".

Chưa hết, đại dịch COVID-19 đã trở thành thách thức đa chiều mang tính toàn cầu, chưa từng có tiền lệ và ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống quốc tế. Trong bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhanh chóng điều chỉnh phương thức hoạt động để thích ứng, tiếp tục đảm trách khối lượng công việc lớn, bao quát tình hình ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (nhiệm kỳ 2020 – 2021) với với số phiếu cao kỷ lục 192/193 phiếu ủng hộ, Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò của mình, góp phần nâng cao vị thế, tạo dựng môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi cho công cuộc phát triển, hội nhập của đất nước, đồng thời tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng.

Trên tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm và cân bằng, Việt Nam cũng đã đóng góp thực chất vào quá trình thương lượng, tìm giải pháp, đáp ứng quan tâm chung của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy quan hệ song phương với các nước thành viên Hội đồng Bảo an LHQ; tập trung ưu tiên thúc đẩy một số vấn đề chủ đề được sự quan tâm, ủng hộ của nhiều nước thành viên như: Khắc phục hậu quả bom mìn phục vụ tái thiết hậu xung đột; Bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang; An ninh và biến đổi khí hậu; Phụ nữ, hòa bình và an ninh; Hợp tác giữa LHQ với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực; Trẻ em và xung đột vũ trang và Hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tham gia hoạt động của phái bộ LHQ tại Nam Sudan và Cộng hòa Trung Phi được đánh giá cao.  Ảnh: TTXVN

Khi đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an (tháng 1-2020), Việt Nam đã hoàn thành tốt các công việc điều hành, chủ trì hoạt động và để lại dấu ấn quan trọng với việc tổ chức hai sự kiện là: thảo luận mở của Hội đồng Bảo an với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì, thông qua Tuyên bố Chủ tịch riêng đầu tiên của Hội đồng Bảo an về tuân thủ Hiến chương LHQ; và Phiên họp về hợp tác giữa LHQ và ASEAN lần đầu tiên tại Hội đồng Bảo an.

Cả hai sáng kiến trên còn được dư luận đánh giá là “đúng, trúng và kịp thời” trong tháng đầu tiên của năm 2020 - dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ và ký kết Hiến chương LHQ - đáp ứng nguyện vọng chung của các nước thành viên là đề cao Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế, vai trò của các tổ chức khu vực (trong đó có ASEAN) khi môi trường quốc tế diễn biến phức tạp, một số nước lớn có chiều hướng chính sách, hành động đi ngược lại các nguyên tắc cốt lõi này.

Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban theo dõi thực hiện các nghị quyết về Nam Sudan (nơi đang triển khai thành công Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2), Việt Nam còn phát huy vai trò trung gian góp phần thu hẹp khác biệt giữa các nước, có nhiều đóng góp về nội dung được phản ánh vào nghị quyết gia hạn cơ chế trừng phạt đối với Nam Sudan; được các nước châu Phi và Mỹ (nước chủ trì dự thảo) ghi nhận tích cực. Trong Nhóm làm việc không chính thức của Hội đồng Bảo an về các tòa án quốc tế, khi đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, Việt Nam đã soạn thảo và chủ trì thương lượng thông qua nghị quyết của Hội đồng Bảo an về rà soát hoạt động năm 2018-2019 của Cơ chế giải quyết các vấn đề còn tồn đọng của các tòa án hình sự quốc tế và bổ nhiệm Công tố viên cho Cơ chế, trên cơ sở dung hòa quan điểm giữa các bên (Nghị quyết 2529 được thông qua với 14 phiếu thuận).

Giữ vai trò Điều phối viên Nhóm các nước Ủy viên không thường trực (E10) tại Hội đồng Bảo an trong tháng 5/2020, Việt Nam cũng thể hiện vai trò tích cực, nhất là việc chủ động nối lại cuộc gặp trực tuyến giữa E10 và Tổng Thư ký LHQ (gần đây không tổ chức được do dịch COVID-19), chủ trì xây dựng phát biểu chung của E10 tại phiên họp mở về phương pháp làm việc...

Ngoài ra, Việt Nam đã tận dụng và phát huy tốt “vai trò kép” Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN 2020; thường xuyên đề cao vai trò của các tổ chức khu vực trong việc hỗ trợ giải quyết các vấn đề của các khu vực; tăng cường phối hợp lập trường với Indonesia, góp phần thúc đẩy đoàn kết, vai trò và hiện diện của ASEAN tại Hội đồng Bảo an LHQ.

Rõ ràng, trong hơn 40 năm qua, hợp tác giữa Việt Nam và LHQ đã tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và LHQ trong việc khắc phục những mặt còn tồn tại, mở rộng và nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác hai bên, hỗ trợ tích cực cho công cuộc phát triển đất nước, hội nhập quốc tế của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của LHQ trong thời kỳ mới.

Huyền Chi

Ngày 22/11, Đoàn kiểm tra số 4 của Bộ Công an do Trung tướng Nguyễn Văn Long, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an, làm trưởng đoàn, kiểm tra các mặt công tác Công an năm 2024 tại Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tham gia đoàn công tác có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công an và các Cục nghiệp vụ Bộ Công an…

Sau nhiều năm chờ đợi, tuyến Metro đầu tiên của TP Hồ Chí Minh với tên gọi Bến Thành - Suối Tiên (tuyến Metro số 1) cũng đã bước vào giai đoạn gấp rút hoàn thành những công đoạn còn lại để có thể chính thức đưa vào khai thác ngay trong năm nay. Nhưng thời điểm này gánh nặng chi phí hoạt động cũng đã bắt đầu xuất hiện...

Sau một thời gian theo dõi, Công an huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh đã phối hợp với Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao Công an Hà Tĩnh, Công Thành phố Hà Nội, Quãng Ngãi, Gia Lai phá thành công chuyên án buôn bán, vận chuyển hàng cấm (pháo) với quy mô lớn, bắt giữ 6 đối tượng, thu giữ trên 2,2 tấn pháo các loại cùng nhiều tang vật liên quan đến vụ án.

Ý thức được việc làm của mình là sai trái, qua sự động viên giải thích của Công an, vợ chồng người con trai chiếm nhà của bà cụ Phạm Thị Trơn (phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng ) đã viết giấy trả nhà. Việc giao trả diễn ra trên tinh thần tự nguyện, dưới sự chứng kiến của đại diện các cơ quan bảo vệ pháp luật cùng chính quyền địa phương.

TAND TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại Vận tải và Du lịch Xuyên Việt Oil (gọi tắt Xuyên Việt Oil). Đáng lưu ý, trong vụ án này, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ bị đưa ra xét xử 2 tội danh: “Nhận hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi” với số tiền "khủng" khiến dư luận xôn xao. Từ những "món quà" đó, cựu Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre sở hữu nhiều xe ô tô, đồng hồ đắt tiền và nhiều tài sản có giá trị khác.

Một nhánh cây cổ thụ dài hàng chục mét gãy đổ chắn ngang lòng đường Quốc lộ 12B thuộc thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, đã được lực lượng CSGT cùng cơ quan chức năng dọn dẹp, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文