Khánh thành tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành tại Bình Định
Đến dự có Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh; Trưởng Ban nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng đại diện nhiều Bộ, Ngành ở Trung ương.
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành cao 10,8m được đúc kết bằng đồng, bệ tượng cao 4,7m. Phía sau tượng là bức phù điêu bằng đá xanh dáng hình cánh cung dài 76m khắc họa nhiều nét hoa văn với 5 chủ đề chính trong hành trình cứu nước của Bác Hồ: khởi đầu từ quê hương Nam Ðàn nơi Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên; nơi Nguyễn Tất Thành sống và học tập ở Huế; thời gian cụ Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Tất Thành ở Bình Ðịnh; những hình tượng văn hóa, di tích lịch sử, trường học của vùng Nam Trung bộ nơi Nguyễn Tất Thành đã đi qua, hoặc đến dạy học một thời gian; hình ảnh Sài Gòn những năm tháng bị thực dân Pháp đô hộ.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho biết: “Bình Định vinh dự là một trong những địa phương của cả nước cùng với Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh lưu dấu nơi gắn bó với thân thế, sự nghiệp của Bác Hồ. Bình Định còn là nơi diễn ra cuộc chia tay lịch sử của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành và thân phụ của Người trước khi người vào Nam rời Bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước!”.
Trong thời gian lưu lại ở Bình Định, thanh niên Nguyễn Tất Thành cùng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã sinh sống tại vùng đất Bình Khê, huyện Tây Sơn. Để tri ân công lao của Bác Hồ và bậc sinh thành, tỉnh Bình Định đã xây dựng công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc - Nguyễn Tất Thành nêu trên.
Tượng đài là công trình lịch sử, văn hóa có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó hòa quyện giữa tình phụ tử và tình yêu quê hương, đất nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành và cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.