Không bỏ hộ khẩu mà quản lí bằng CNTT, thuận lợi cho người dân
- Bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân: Chủ trương hết sức cần thiết và sẽ có lộ trình thực hiện
- Bỏ hộ khẩu, chứng minh nhân dân tạo thuận lợi cho người dân
Trung tướng Trần Văn Vệ, quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thông tin về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) cho biết, công tác quản lí dân cư tại Việt Nam do nhiều Bộ, ngành quản lí.
Để phục vụ thuận lợi cho người dân, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ của công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lí dân cư giai đoạn 2013-2020. Sau đó, Quốc hội ban hành Luật căn cước công dân có hiệu lực từ ngày 1-1-2016, trong đó giao Bộ công an khẩn trương tổ chức triển khai xây dựng CSDLQG về DC.
CSDLQG về DC thu thập thông tin cơ bản nhất của tất cả các công dân Việt Nam được chuẩn hoá, số hoá, lưu dữ bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ công tác quản lí nhà nước.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư làm thay đổi hình thức quản lí dân cư từ thủ công sang điện tử, qua đó, tạo sự đổi mới căn bản về tổ chức, hoạt động quản lí nhà nước về dân cư theo hướng hiện đại; đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lí nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Trung tướng Trần Văn Vệ nêu rõ “Bản chất của Nghị quyết 112 của Chính phủ không phải là bỏ hộ khẩu mà chỉ thay đổi hình thức quản lí từ thủ công sang điện tử, để thuận lợi cho người dân và các cơ quan, tổ chức. Thông tin bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và chứng minh nhân dân (CMND) từ ngày 30/10/2017 là không chính xác. Các loại giấy tờ trên vẫn còn nguyên giá trị như hiện nay”.
Hiện tại, nước ta đang có 3 loại giấy tờ chứng minh nhân thân gồm: CMND cũ (9 số), CMND mới (12 số) và căn cước công dân. Cả 3 loại giấy tờ trên đều có giá trị sử dụng như nhau.
Từ ngày 1/1/2016, Luật căn cước công dân có hiệu lực thi hành tại 16 tỉnh, thành phố, đã triển khai cấp CMND mới sang thẻ căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố trên.
Nếu có đầy đủ về điều kiện nguồn vốn và các bộ ngành khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ sớm phê duyệt dự án sản xuất, cấp và quản lí căn cước công dân thì đến ngày 1/1/2020 sẽ đảm bảo được việc mở rộng cấp căn cước công dân trên phạm vi cả nước. Khi đó, căn cước công dân sẽ dần thay thế cho CMND 9 số như hiện nay.
Về việc bỏ sổ hộ khẩu, Trung tướng Trần Văn Vệ nhắc lại “không phải bỏ hộ khẩu mà chuyển việc quản lí hình thức quản lí bằng giấy tờ hiện nay, sang quản lí bằng CNTT. Người dân chỉ phải khai 1 lần, sau đó cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm cập nhật, thu thập, xác minh thông tin”.
Lấy ví dụ cho việc nhập khẩu vào Hà Nội, một công dân muốn nhập khẩu vào Hà Nội phải tuân thủ Luật Thủ đô và các quy định của Hà Nội về nhập khẩu như phải có nhà ở với số mét vuông nhất định, có thời gian tạm trú theo quy định...
Quản lí hộ khẩu theo hình thức điện tử bao giờ thực hiện?
Về thời gian thực hiện quản lí hộ khẩu bằng CNTT, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, hiện nay, Bộ Công an đã triển khai thí điểm xây dựng CSDLQG về DC tại TP Hải Phòng, việc triển khai thuận lợi, hiệu quả. Hơn 1,8 triệu dân đã được vào dữ liệu. Tuy nhiên, công tác này mất khá nhiều thời gian vì phải đối chiếu, so sánh với các loại giấy tờ gốc. Có nhiều công dân có thông tin khác nhau như khác tên đệm, ngày tháng năm sinh... nên việc cập nhật rất mất thời gian.
Chúng tôi phải so sánh với khai sinh gốc do địa phương quản lí, so sánh với sổ hộ khẩu gốc và nhiều loại giấy tờ khác để xác minh chính xác thông tin. Chính vì vậy, việc cập nhật cần có thời gian và con người.
Như tại đảo Bạch Long Vĩ ở Hải Phòng, đoàn công tác đi làm mất cả tuần trời vì sóng to, gió lớn, thời tiết không thuận lợi, giấy tờ của người dân có nhiều thông tin sai lệch. Chính vì vậy, việc xây dựng CSDLQG về DC cần có lộ trình 2-3 năm mới có thể thực hiện xong.
Về các thuận lợi trong việc xây dựng CSDLQG về DC, Trung tướng Trần Văn Vệ cho biết, đối với máy móc, phần mềm thì hiện nay đã chuẩn bị xong, đáp ứng được yêu cầu, nhưng vấn đề là con người. Theo đó, phải tổ chức tập huấn cho tất cả các cấp, đến tận cấp xã. Sau đó, đến bước triển khai – đây là bước mất nhiều thời gian nhất, đặc biệt đối với các địa bàn miền núi, biên giới. Chúng tôi cố gắng phấn đấu trong vòng 2-3 năm sẽ xong.
Tại buổi họp báo, Thiếu tướng Lương Tam Quang, Chánh Văn phòng Bộ Công an khẳng định, việc thay đổi quản lí hộ khẩu từ thủ công sang điện tử là do Bộ Công an tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết nhằm tạo thuận lợi nhất cho người dân và cơ quan, tổ chức. Để thực hiện Nghị quyết này, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ đề nghị Quốc hội sửa đổi 1 luật, 7 nghị định, 5 thông tư liên tịch, 18 thông tư của Bộ Công an, 1 quyết định của Bộ Công an quy định 8 nhóm vấn đề, điều chỉnh 8 nhóm lĩnh vực do Bộ Công an quản lí. “Mục tiêu lớn nhất là đơn giản hoá thủ tục hành chính và thuận lợi cho công tác quản lí nhà nước”.