Không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm

22:37 14/01/2019
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị toàn ngành tòa án cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế mức thấp nhất các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan…

Ngày 14-1, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân Tối cao đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai công tác tòa án năm 2019 với 778 điểm cầu tại Toà án quân sự Trung ương và các Tòa án nhân dân (TAND) trên toàn quốc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Dự hội nghị còn có các Ủy viên Bộ Chính trị: Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình; cùng đại diện lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và một số bộ, ban, ngành ở Trung ương và cán bộ lãnh đạo, thẩm phán các cấp tòa án.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Công tác xét xử chuyển biến rõ rệt

Theo báo cáo của ngành toà án, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, TAND các cấp đã thực hiện có hiệu quả chương trình cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; triển khai thực hiện nhiều giải pháp đột phá, thiết thực để nâng cao chất lượng công tác xét xử.

Trong đó, ngành tòa án đã đề ra 14 giải pháp đột phá nhằm nâng cao chất lượng công tác xét xử; triển khai thí điểm thành lập các trung tâm hòa giải, đối thoại tại tòa án; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tòa án.

Trong năm 2018, các toà án đã giải quyết 499.013/ 558.152 vụ án đã thụ lý, đạt tỷ lệ 90% các bản án, quyết định bị huỷ, sửa do lỗi chủ quan của tòa án giảm dần qua các năm, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội đề ra. Trong xét xử các vụ án hình sự thời gian qua bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại các phiên toà được thực thi nghiêm túc, nhất là các phiên toà xét xử các vụ án tham nhũng...

Công tác xây dựng hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; công tác hướng dẫn áp dụng pháp luật và phát triển án lệ được đổi mới và tăng cường; sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới công tác tổ chức cán bộ; chú trọng xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng...

Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính thấp; một số vụ án được giải quyết chưa đúng pháp luật, kéo dài; vẫn còn cán bộ, công chức tòa án có hành vi vi phạm bị xử lý…

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trao đổi với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Uy tín của tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong bộ máy Nhà nước, TAND có vai trò hết sức quan trọng; là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, nhất là trong năm 2018, thực hiện Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về cải cách tư pháp, tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng xét xử; đã có những bước phát triển mới, đạt được thành tích quan trọng trong thực hiện chiến lược cải cách tư pháp.

Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng các thành tích và trân trọng biểu dương sự cố gắng, nỗ lực những đóng góp thiết thực của ngành tòa án.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án nghiêm túc nhìn thẳng vào những tồn tại, hạn chế, phân tích rõ nguyên nhân, thấy rõ trách nhiệm, tìm ra giải pháp phù hợp để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác.

Nhấn mạnh năm 2019 là năm có vị trí quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi toàn bộ Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị ngành tòa án cần tập trung thực hiện khẩn trương hơn các yêu cầu cải cách tư pháp; những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ. Toàn ngành cần tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, không để xảy ra việc xét xử oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; hạn chế mức thấp nhất các bản án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của tòa án; kiên quyết khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tố tụng.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Uy tín của tòa án chính là tín nhiệm của thể chế chính trị, của Nhà nước, bởi đây là niềm tin của người dân vào công lý, công bằng xã hội”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nhấn mạnh.

Đồng thời, tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết, nhất là việc áp dụng các biện pháp tư pháp và xác định đúng trách nhiệm dân sự của tội phạm, nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý, ngành tòa án cần chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng ngành, thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Chất lượng của nền tư pháp xét cho cùng là do cán bộ tư pháp quyết định, vì họ là những người trực tiếp "cầm cân nảy mực". Mỗi sai sót trong thực thi công vụ của cán bộ tư pháp đều ảnh hưởng đến sinh mạng chính trị và lợi ích, thậm chí cả tính mạng của người dân.

Thẩm phán phải thanh liêm, giỏi nghiệp vụ, tinh thông pháp luật

“Việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là các thẩm phán thanh liêm, chính trực, vững vàng về bản lĩnh chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông pháp luật phải là ưu tiên hàng đầu của các tòa án”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ.

Hoan nghênh Hội đồng tuyển chọn thẩm phán quốc gia đã ban hành "Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của thẩm phán", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, mỗi thẩm phán phải soi vào, lấy các chuẩn mực của Bộ Quy tắc này để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện. Đồng thời, thẩm phán cũng phải nêu gương như đảng viên lãnh đạo; đội ngũ thẩm phán tốt, đáng tin cậy phải được xây dựng trên nền đội ngũ đảng viên tiên phong, gương mẫu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu ngành tòa án tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp, chủ động nghiên cứu và sẵn sàng ứng phó với những vấn đề đặt ra cho tòa án trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng và kinh tế số phát triển mạnh mẽ.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII, các tòa án phải sắp xếp lại tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Trong điều kiện đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng, tòa án phải mở rộng, nâng cao chất lượng hợp tác với các thiết chế xét xử và trọng tài quốc tế để đủ năng lực giải quyết các vụ  án, vụ việc xuyên quốc gia; qua đó nâng cao vị thế của tòa án Việt Nam trên trường quốc tế.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Quyết định khen thưởng của Thủ tướng chính phủ cho các tập thể, cá nhân - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặt vấn đề: Năm 2020, tổng kết thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Đảng, chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, cần suy nghĩ những định hướng cho một chiến lược cải cách tư pháp mới của tòa án nói riêng, nền tư pháp nói chung.

Mặt khác, ngành tòa án cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, góp phần nâng cao các hoạt động của ngành trong cả nước; hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử trước năm 2025, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia có nên tư pháp phát triển trên thế giới và thực tiễn Việt Nam.

Khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn dành sự quan tâm, chăm lo, bảo đảm các điều kiện và nguồn lực xây dựng hệ thống tòa án trong sạch, vững mạnh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong rằng với nỗ lực và quyết tâm cao; với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; dù phải đối mặt trước những khó khăn, thách thức và không ít cám dỗ, đội ngũ cán bộ, thẩm phán tòa án các cấp sẽ luôn thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và đạo đức của mình, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân.

Trong năm 2018, nhiều vụ án lớn đã được phát hiện và xử lý nghiêm minh như: Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trần Phương Bình, Phan Văn Anh Vũ… Các tòa đã xét xử sơ thẩm 256 vụ với 602 bị cáo phạm các tội tham nhũng. So với năm 2017, số bị cáo bị xét xử các tội về tham nhũng tăng 186 bị cáo. 11 bị cáo bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân và tử hình. Các tòa án cũng trả hồ sơ yêu cầu viện kiểm sát điều tra bổ sung đối với 138 vụ phạm tội về kinh tế, 118 vụ phạm tội về tham nhũng, 18 vụ phạm tội về chức vụ.

* Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã trao Quyết định khen thưởng của Thủ tướng chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp trong năm 2018.

Theo chinhphu

Đến 16h chiều nay (8/11), Cơ quan CSĐT Công an TP Đà Nẵng vẫn đang khám xét trụ sở Công ty TNHH MTV Tư vấn Đầu tư GFDI (92 đường 29/3, phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) để thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan đến các hoạt động có dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty này. Hiện có rất nhiều người dân đã tập trung xung bên ngoài tòa nhà văn phòng công ty theo dõi. Nhiều người kêu khóc, đòi Tổng giám đốc Nguyễn Quang Hoàng... “hiện hồn” trả lại tiền. Công an quận Cẩm Lệ đã huy động hàng chục CBCS để đảm bảo ANTT.

Chiều 8/11, Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đã khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam 2 đối tượng: Nguyễn Thị Kim Trang (SN 1970; cư trú quận 3) và Lê Văn Hòa (SN 1977; cư trú quận Tân Bình) là nhân viên tiệm vàng Đức Long (phường 5, quận Tân Bình) về hành vi “Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới”.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文