“Không thể có chuyện đồng bằng Sông Hồng tái nghèo nhiều hơn miền núi”
- Xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững
- Cán bộ xóa đói giảm nghèo lừa 14 hộ chạy tiền trợ cấp
- Chuyện giảm nghèo bền vững ở vùng “rốn lũ” Nậm Păm
Tỷ lệ hộ nghèo giảm vượt mục tiêu đề ra
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung trình bày báo cáo cho biết: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết 76/2014/NQ13 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020.
Qua tổ chức thực hiện đã từng bước thực hiện và đi vào nền nếp, nhiều mục tiêu đề ra trong Nghị quyết đã đạt và vượt tiến độ đề ra. Giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%/năm, đạt vượt so với mục tiêu đề ra là từ 1-1,5%/năm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Cùng với việc giảm số hộ nghèo chung giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ số hộ nghèo thiếu hụt đa chiều cũng có xu hướng giảm trong tổng số tỷ lệ hộ nghèo chung. Ước đến cuối năm 2018, tỷ lệ nghèo cả nước còn dưới 6%, giảm khoảng 1-1,3% so với đầu năm 2018, trong đó, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 4%.
Thẩm tra báo cáo này, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành với các đánh giá của Chính phủ về những kết quả quan trọng đạt được trong thực hiện 8 nhiệm vụ về đẩy mạnh giảm nghèo bền vững trong 2 năm (2017 – 2018), thể hiện sự quan tâm chỉ đạo sát sao, tích cực đổi mới công tác điều hành của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, phát huy tích cực tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân.
Tuy nhiên, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững bởi đến tháng 3-2018, tuy đã có 8/64 huyện thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 – 2020.
12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi; số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo; số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo; nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung |
“Tốc độ giảm nghèo không đồng đều; nhiều huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50% , một số nơi trên 60%; khoảng cách giàu - nghèo gia tăng”, bà Nguyễn Thuý Anh nêu.
Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội nhấn mạnh một số nguyên nhân chủ quan: Tình trạng không muốn thoát nghèo; chưa kịp thời chuyển đổi chính sách để khắc phục sự ỷ lại; hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình sinh kế còn hạn chế…
Không nương tay trường hợp trục lợi chính sách người nghèo
Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, báo cáo nêu mục tiêu giảm nghèo bền vững đạt và vượt chỉ tiêu của Quốc hội. Đây là cái bao trùm nhất, thể hiện nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các bộ ngành và chính quyền địa phương, nhân dân, đồng thời được quốc tế đánh giá là điểm sáng trong giảm nghèo. Tuy nhiên bên cạnh đó ông đề nghị cần có phụ lục thêm để giải thích về các hộ tái nghèo hay hộ nghèo mới phát sinh.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, giai đoạn vừa rồi tỷ lệ tái nghèo rất dễ và tăng rất nhanh. Có lý do khách quan, sau bão lụt, dịch bệnh, cơn ốm đau thì nghèo rất nhanh. Tình hình biến đổi khí hậu, đặc biệt hoàn lưu bão gây thiệt hại rất nhiều cho đồng bào vùng cao, vùng sâu. “Như mấy huyện miền núi Thanh Hoá vừa rồi thiệt hại bao giờ mới khắc phục được. Hay là Lai Châu, Điện Biên… và một số tỉnh khác cũng thế”, ông lấy ví dụ.
Chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh |
Tán thành với quan điểm của Chính phủ là tiếp tục bảo đảm nguồn lực để thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị ưu tiên xây dựng cơ sở hạ tầng, đường vào các thôn bản; đảm bảo chính sách giá điện hợp lý cho bà con; có chính sách tái định cư cho đồng bào, tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, giảm nghèo; nhân rộng các mô hình giảm nghèo có hiệu quả…
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đánh giá, việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. “Báo cáo nêu, cứ 100 hộ thoát nghèo thì có 5 hộ tái nghèo. Một số tỉnh phát triển, điều kiện kinh tế xã hội rất tốt như Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Khánh Hoà thì tỷ lệ tái nghèo tăng mạnh. Rồi cứ 4 hộ thoát nghèo thì phát sinh 1 hộ nghèo, phải làm rõ điều này”, ông đề nghị làm rõ thêm nguyên nhân của việc tái nghèo cũng như sự phối hợp, lồng ghép giữa các chương trình giảm nghèo…
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận định, việc thực hiện chỉ tiêu giảm nghèo và hạn chế tái nghèo tuy đạt kết quả tích cực nhưng chưa thực sự bền vững, chưa đồng đều và làm có chậm. Tỷ lệ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh cao, không hợp lý giữa các vùng miền.
Toàn cảnh phiên họp |
“Không thể có chuyện đồng bằng Sông Hồng tái nghèo nhiều hơn nhiều tỉnh miền núi như Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Sơn La được… Nông thôn mới hoàn thành tại sao tái nghèo cao như thế? Rất mâu thuẫn” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần phân tích rõ, hoặc là do báo cáo thống kê chưa đúng, chưa đầy đủ. “Cần đánh giá để có giải pháp. Liệu chính sách có đi đến đúng đối tượng, đúng mục đích đặt ra hay không”, bà nêu.
Phát biểu thêm tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập đến thực tế trước đây tiêu chí hộ nghèo không rõ ràng nên có tiêu cực trong bình xét việc này. “Có chuyện năm nay nhà tôi nghèo rồi, thôi năm sau nhường cho nhà khác, nhưng khi có tiêu chí thì chấm dứt ngay”, ông nói.
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH cũng nhắc đến chuyện trục lợi chính sách, một số xã của Nam Định vừa rồi Chủ tịch xã đưa vợ con đưa đi làm “con nuôi” người khác rồi hưởng chính sách cho người nghèo. “Vừa rồi có Chủ tịch xã đi tù về việc này. Quan điểm của chúng tôi là khi phát hiện thì xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không nương tay bất cứ trường hợp nào”, ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý các địa phương phải nhận diện chính xác, công bằng tình trạng nghèo và các hộ nghèo. Đồng thời thống nhất xây dựng bộ tiêu chí để phân định vùng nghèo, địa phương nghèo phù hợp đặc điểm kinh tế xã hội và địa lý tự nhiên…