Kiểm toán năm 2018 chỉ ra nhiều sai phạm của các địa phương và bộ, ngành

08:55 06/07/2019
Chiều 5-7, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã tổ chức họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2018 và kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán năm 2017.

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đào Xuân Tiên đã chủ trì. Tại đây, nhiều sai phạm liên quan đến đầu tư công, sử dụng vốn ODA, quản lý đất đai, chi sai ngân sách... đã được Kiểm toán nhà nước chỉ rõ.

Tiếp tục đề nghị giảm 16,2 năm thu phí với 8 dự án BOT

Tại buổi họp báo, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cho biết:  Kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định Nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng TMĐT; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn trái phiếu chính phủ không đúng nội dung được sử dụng chưa quy định khung giá vé đối với dự án đầu tư của công trình giao thông; nghiệm thu, thanh toán sai...

KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu. Trước đó, năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị giảm 227,4 năm của 67 dự án.

Kiểm toán Nhà nước tiếp tục đề nghị giảm thời gian thu phí của một số dự án BOT.

Bên cạnh các dự án BOT, KTNN cũng tiến hành kiểm toán chuyên đề với 7 dự án BT. Kết quả cho thấy việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với quy định của Luật Đất đai; tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT, đồng thời xác định giá đất theo phương pháp thặng dư cho phép tính chi phí dự phòng trong chi phí phát triển còn bất hợp lý, không sát hoặc phụ thuộc yếu tố chủ quan dẫn đến giá đất thấp, không sát giá thị trường làm thất thoát lớn tài sản, ngân sách nhà nước (NSNN).

Bên cạnh đó, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực NSNN thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành; hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN.

Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.515 tỷ đồng tại 30 dự án).

Đồng thời, kết quả kiểm toán công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cho thấy hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và là nguyên nhân gây nên nhận thức khác nhau dẫn đến vận dụng tạo ra sai phạm và cũng là kẽ hở để thất thoát trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất khu đô thị. Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng đất có hạn chế, tiềm ẩn lớn lãng phí, thất thoát, tham nhũng như: Điều chỉnh quy hoạch sai thẩm quyền; sử dụng đất chưa đúng mục đích được giao, thuê đất; hầu hết các khu đất doanh nghiệp đang sử dụng thuê đất khi chuyển mục đích sử dụng sang đất ở đô thị đều không thông qua đấu giá và giá trị quyền sử dụng đất định giá không sát giá thị trường gây nên thất thoát NSNN...

Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 334 tỷ đồng (Năm 2017 trở về trước, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 10.584 tỷ đồng).

Còn nhiều sai sót trong việc thu chi ngân sách

Ngoài các vấn đề liên quan đến các dự án BT, BOT, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ: Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán... đặc biệt là việc chưa xác định rõ nguồn, khả năng cân đối vốn khi quyết định đầu tư; xác định TMĐT không chính xác, phải điều chỉnh nhiều lần, giá trị lớn trong quá trình thực hiện; công tác nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn nhiều sai sót. Qua kiểm toán 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.

Tỷ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc ngân sách trung ương đạt thấp, trong đó chi GD&ĐT và dạy nghề đạt 88,2% dự toán, chi KH&CN đạt 79%, chi bảo vệ môi trường đạt 49,8%...

Bên cạnh đó, còn 38/49 địa phương sử dụng sai nguồn kinh phí 3.105 tỷ đồng, trong đó 12 địa phương còn sử dụng 287 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, nguồn thu sử dụng đất để bổ sung chi thường xuyên; 23/49 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp 462 tỷ đồng; 32/49 địa phương chưa hoàn trả NSTW kinh phí tồn hết nhiệm vụ chi 1.020 tỷ đồng…

Ngoài ra, kiểm toán cũng nêu rõ: Hiệu quả sử dụng các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư, chất lượng công trình chưa cao, công nghệ chưa thực sự tiên tiến; các định mức, đơn giá vật tư đặc thù quá cao, tổng mức đầu tư thay đổi nhiều lần, giải ngân chậm; việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi dẫn đến phải chỉ định thầu cho nhà thầu nước ngoài, sử dụng hàng hoá, dịch vụ có nguồn gốc từ bên cho vay, sử dụng tư vấn quốc tế với chi phí cao; đàm phán nhiều điều khoản bất lợi trong hợp đồng; nhiều dự án điều chỉnh quy mô trái thẩm quyền, giá trị điều chỉnh lớn so với phê duyệt lần đầu; điều chỉnh dự án có các tiêu chí quan trọng quốc gia không đúng thẩm quyền, chưa đảm bảo quy định. Kết quả kiểm toán 09 chương trình, 23 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng.

Tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỷ đồng; chuyển 5 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 2 vụ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Phạm Huyền

Nhiều xe chữa cháy chuyên dụng cùng trang thiết bị hiện đại và hàng chục CBCS Cảnh sát PCCC và CNCH được huy động chiến đấu với "giặc lửa" tại hiện trường vụ hỏa hoạn ở quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). May mắn không có thiệt hại về người.

Ngày 9/1, Công an TP Vinh, tỉnh Nghệ An cho biết: đơn vị vừa phá thành công chuyên án, bắt giữ 2 đối tượng về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, thu giữ số ma túy lớn và nhiều vật chứng liên quan khác.

Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, khoảng 1.000 kiều bào, trong đó có 100 kiều bào tiêu biểu, sẽ tham gia chương trình Xuân Quê hương 2025, mở đầu cho một năm đầy ắp những sự kiện lớn của đất nước, đồng thời, là cơ hội để vinh danh những đóng góp của người Việt Nam ở nước ngoài với quê hương, động viên kiều bào tiếp tục nỗ lực vì sự phát triển của đất nước. 

Ngày 9/1, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Hoà Bình cho biết, đơn vị vừa phối hợp với Công an huyện Kim Bôi đã phát hiện, đấu tranh được nhiều tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội có tên “@hotieubao123, @hotieubaoservice, @hatokibotnetstealer; @jero_stealer_japan” có hành vi mua bán phần mềm mã độc sử dụng để tấn công mạng.

Ngày 9/1, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Hoàng Khánh Linh (SN 2004, trú tại TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) về tội giết người. Điều rất đau lòng là bị hại trong vụ án chính là người Linh yêu. 

Thông tin từ Cục Thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, hiện có 4 nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) kinh doanh thương mại điện tử dựa trên nền tảng số tại Việt Nam chưa thực hiện quy định về đăng ký thuế thông qua Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Tổng cục Thuế.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文