Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV dự kiến khai mạc sáng 20-5
- "Quốc hội cũng phải lên tiếng chứ hằng ngày chúng ta nghe bao nhiêu vụ xâm hại trẻ em"
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự khai mạc kỳ họp thứ 7 HĐND TP Cần Thơ
- Kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khóa XIII: Nóng chuyện Biển Đông
Rút 3 luật, bổ sung 4 luật
Báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày cho biết: Theo quyết định của UBTVQH và đề nghị của Chính phủ, cơ quan hữu quan, dự kiến nội dung kỳ họp xin được điều chỉnh như sau:
Bổ sung 4 dự án luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Rút 3 dự án luật: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để tiếp tục hoàn thiện.
Rút Báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018 để chuyển sang báo cáo tại kỳ họp thứ 8 cùng báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.
Đối với một số dự án Luật trình tại phiên họp này (Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Bộ luật Lao động (sửa đổi),...), căn cứ kết luận của UBTVQH, dự kiến chương trình chi tiết sẽ được điều chỉnh cho phù hợp để gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Như vậy, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp là 19 ngày. Trong đó, xây dựng luật: 9,75 ngày; giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng khác: 7 ngày; khai mạc, bế mạc và thông qua: 2,25 ngày. Quốc hội họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20-5-2019 và dự kiến bế mạc vào ngày 13-6-2019.
Giảm thời gian chất vấn các thành viên Chính phủ
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, về chất vấn, vừa rồi giữa nhiệm kỳ chúng ta hỏi tất cả các lĩnh vực, tất cả các bộ trưởng đều phải đăng đàn.
“Điều đó rất cần thiết, rất hay, nhưng nếu bây giờ chúng ta lại làm như thế thì theo tôi không thật cần thiết lắm. Tôi nghĩ nên quay trở lại việc gợi ý một số chuyên đề để một số bộ trưởng trả lời. Thời gian chất vấn nên rút ngắn ít nhất nửa ngày, gói gọn trong 2 ngày”, bà nêu quan điểm.
Còn theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ở các nước người ta chất vấn thường xuyên, mỗi tuần có 2 ngày chất vấn, mỗi phiên chất vấn 2 tiếng đồng hồ. Người ta không chọn chuyên đề mà ai thích hỏi gì, có vấn đề bức xúc gì thì bộ trưởng phải trả lời. Hai ngày đó các bộ trưởng phải có mặt để trả lời chất vấn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển |
“Chúng ta vừa rồi làm cử tri khen, cử tri nói nên làm như thế, người ta thích hỏi gì thì hỏi. Nhưng chúng ta chỉ nên làm phiên giữa nhiệm kỳ thôi”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị kỳ này quay trở lại như bình thường. “Lần trước chúng ta làm rất hay, nhưng nhiều Bộ trưởng cũng tâm tư, nếu cứ tiếp tục làm thế này, lần trước chúng tôi bị chất vấn, lần này lại tiếp tục để kiểm tra việc thực hiện lần trước. Vậy có những Bộ trưởng chưa chất vấn thì hầu như không phải trả lời”, bà Nga phân tích.
Cho ý kiến thêm về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị không đặt áp lực lên một thành viên Chính phủ trong vòng một buổi, có thể tăng số lượng Bộ trưởng đăng đàn nhưng thời gian chất vấn mỗi người ngắn hơn. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị rút thời gian chất vấn trong kỳ họp còn 2,5 ngày.
Đề xuất đổi mới trong thảo luận báo cáo kinh tế - xã hội
Liên quan đến thảo luận về kinh tế - xã hội, quyết toán ngân sách nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị xem xét đổi mới, có thể chỉ gửi báo cáo bổ sung của năm trước đến các đại biểu vì Quốc hội đã thảo luận rất kỹ tại kỳ cuối năm. Tại kỳ họp giữa năm sau chỉ nên thảo luận vấn đề mới, rút ngắn thời gian thảo luận.
“Đúng ra sau này báo cáo đánh giá bổ sung về kinh tế - xã hội nên gửi đại biểu nghiên cứu thôi vì đã thảo luận rồi. Nhiệm kỳ này quen thực hiện thì cứ làm nhưng nhiệm kỳ sau nên đổi mới”, ông nêu ý kiến.
Toàn cảnh phiên họp |
Tuy nhiên Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị nên cân nhắc vì đây là nội dung mà cử tri và đại biểu hết sức quan tâm. Khoảng thời gian cuối năm cũng nhiều vấn đề xảy ra và việc này cũng được thực hiện mấy chục năm rồi.
Lý giải thêm về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, không phải vì mấy chục năm nay rồi thì cứ thế mãi mà vẫn cần đổi mới. Vấn đề bức xúc thì nhiều chứ không chỉ kinh tế - xã hội.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, khoá này có thể chưa thực hiện được nhưng những khoá sau chúng ta cũng nên chỉ gửi báo cáo thôi. “Tôi cũng từng điều hành và nhiều ý kiến trùng nhau, vẫn thế thôi không có gì mới cả. Còn cần thiết Quốc hội thấy vấn đề gì nổi có thể mang ra bàn, thành một chuyên đề thảo luận về kinh tế - xã hội, như thế là đổi mới”, ông nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình cái gì đổi mới được thì đổi mới. Báo cáo bổ sung kinh tế - xã hội năm 2018 mà đến khi họp giữa năm 2019 còn thảo luận lại thì có vẻ không thực tế.
Đề nghị rút ngắn thời gian thảo luận kinh tế - xã hội từ 2 ngày xuống 1,5 ngày ở kỳ họp thứ 7, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, nếu UBTVQH đồng ý thì kỳ họp năm sau sẽ đổi mới, tập trung thảo luận từ đầu năm và bàn giải pháp cuối năm…