Ký ức những ngày tháng chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc

08:37 17/02/2019
Chúng tôi, những cán bộ, chiến sỹ Công an trong Trung đội Cảnh sát vũ trang, Công an huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh tự hào khi nhớ, nhắc về những ngày, tháng đầy khó khăn, vất vả nhưng rất đỗi tự hào trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Với nhiệm vụ chủ động phối hợp với Công an, Quân đội, chính quyền trong phát hiện, bắt giữ thám báo, bọn phản động; củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; hăng hái thi đua sản xuất, chiến đấu; thực hiện tốt phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là phong trào “3 không” (không nghe đài địch, không làm lộ bí mật, không phao tin đồn nhảm)...

Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ xin nói lên những việc làm, tấm gương dám vượt lên mọi thiếu thốn, khó khăn, gian khổ, công tác, chiến đấu quên mình. Nhớ nhất là lần đầu tôi trực tiếp chỉ huy một tiểu đội cơ động, đi bộ gần 50km đường rừng, dốc núi cao, hiểm trở, lại hết sức phức tạp về ANTT, thậm chí có thám báo phục kích để đến thôn Sông Mooc, xã Đồng Văn (địa bàn xung yếu về ANTT, chủ yếu là đồng bào Dao sinh sống), làm nhiệm vụ thường trực, chủ trì phối hợp cùng các lực lượng phát hiện, ngăn chặn mọi hoạt động thám báo, biệt kích xâm nhập, bảo đảm an ninh, an toàn cho cán bộ và nhân dân ở cơ sở. 

Ngay khi vừa đặt chân lên địa bàn đã nhận được tin có thám báo xâm nhập. Quá mệt, lại chưa kịp nghỉ ngơi, ăn uống, chúng tôi phải triển khai ngay kế hoạch xác minh, truy lùng. Nửa đêm, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, về nơi nghỉ (chúng tôi ở tại nhà đồng chí trưởng thôn). 

Biết chúng tôi rất vất vả, mệt mỏi, đói bụng, đồng chí trưởng thôn đem cháo ngô cùng măng ngâm chua mời ăn đêm, nhưng chưa húp hết miếng cháo đầu tiên, mọi người đều như khựng lại bởi cháo quá chua, lại có mùi không ai nuốt nổi. Biết chúng tôi chưa quen món cháo của đồng bào, đồng chí trưởng thôn giải thích, như muốn phân bua để chúng tôi đồng cảm, hiểu thêm phong tục, tập quán, bởi “khoái khẩu” của đồng bào là cháo nấu xong thường để chua, ăn mới mát, dễ tiêu hóa. 

Sau khi tạm ăn xong, tôi cùng hai đồng chí mặc nguyên quần áo, lên giường ngủ trong cát rét thấu xương ở vùng biên cương. Thế rồi năm tháng qua đi, chúng tôi đã dần quen với nếp sống, sinh hoạt, ăn uống của đồng bào.

Chiến sĩ Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Đoàn H54 bộ đội địa phương tỉnh Hoàng Liên Sơn dũng cảm chiến đấu giữ chốt. Ảnh: tư liệu

Một lần khác, vào chiều 30 Tết Kỷ Mùi, năm 1979. Theo lịch, tôi phải trực tiếp chỉ đạo một tiểu đội làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn cho các đồng lãnh đạo gồm lãnh đạo Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, chỉ huy đặc khu Quảng Ninh và các đơn vị quân đội đóng chân trên địa bàn… sơ tán tại thôn Nà Kẻ, xã Tình Húc trong dịp Tết Nguyên đán thì nhận được mệnh lệnh về ngay Công an huyện nhận nhiệm vụ mới. 

Đi bộ gần 3km đường rừng, sau gần tiếng đồng hồ có mặt tại Công an huyện, tôi được giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là chỉ huy và trực tiếp dẫn giải tên thám báo nguy hiểm, xâm nhập địa bàn quân sự bị bắt về giao cho các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh phục vụ khai thác, làm rõ âm mưu, ý đồ của chúng. 

Phấn khởi hơn là sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì được nghỉ Tết 3 ngày tại quê. Vui vẻ cùng hai đồng chí lên đường làm nhiệm vụ, lúc đó khoảng 15h chiều, chúng tôi khẩn trương đưa đối tượng đi để kịp chuyến xe khách cuối cùng từ huyện về tỉnh. 

Trên đường về, khi xuống phà Ba Chẽ, lợi dụng loại xe khách Ba Đình qua cải tạo đã cũ nát, lại gặp đường dẫn xuống phà gập ghềnh, làm cửa trên xe khách đu đưa, lúc mở lúc đóng, đối tượng đã cuộn người lao xuống biển. 

Song việc làm này không thể che mắt được chúng tôi, những người đã dạn dầy kinh nghiệm. Chúng tôi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bàn giao đối tượng bảo đảm đúng qui định, an toàn rồi vội ra đường đón những chuyến xe khách cuối cùng về Đông Triều quê tôi. May mắn qua 3 lần nhờ xe, tôi đã về được phố huyện. 

Chạy vội bộ gần 4km về đến nhà, lúc đó là 0h45 phút, nhìn qua khe cửa, thấy u tôi vẫn ngồi đăm chiêu, bên ngọn đèn dầu tù mù, nhìn cụ chưa đến 70 tuổi nhưng quá già, gầy rộc, mặt quắt, nhăn nheo. Quá nhiều năm bà đã tiễn đưa, đợi chờ ba con trai đánh giặc trở về, trong đó có tôi. 

Khẽ gọi cửa, như một phản xạ tự nhiên, u tôi bừng tỉnh hỏi to: “Ai đấy”! Tôi vội nói: “Con, Thế đây”!. Trong đêm khuya giá lạnh, u tôi bật khóc, gào lên bảo, con ơi người ta đồn con hy sinh rồi, có phải con về thật không, hay u mơ ngủ?!. Cửa mở, tôi chỉ biết khóc. Trong tiếng nấc, tôi nói với u, con chưa thể hy sinh được đâu!

Ngay trong buổi sáng 17-2-1979, dưới làn đạn pháo dày đặc, gầm thét trên đầu, bắn từ bên Trung Quốc đến tận trận địa pháo của Trung đoàn 189, Sư đoàn 395, đóng tại xã Vô Ngại (xã cuối của huyện, giáp huyện Tiên Yên). 

Thực hiện chủ trương của Ban Chỉ huy thống nhất huyện, chúng tôi vẫn tiếp tục bám cơ sở, bám dân, gan dạ, tự tin, không quản vất vả, hy sinh, phối hợp cùng lực lượng quân đội, các ban, ngành và chính quyền cơ sở tổ chức sơ tán hàng chục ngàn dân về tuyến sau an toàn trong điều kiện phương tiện hầu như không có, phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nông, lâm trường và đơn vị quân đội trên địa bàn. 

Khi cuộc chiến đấu ở vào giai đoạn hết sức căng thẳng, ác liệt ở các điểm cao 600 và điểm cao Ca Ba Lanh, chúng tôi lại được giao nhiệm vụ có ngay kế hoạch bảo đảm an toàn các đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ huy thống nhất huyện đi tiếp tế, động viên bộ đội trên các điểm cao. 

Trong các lần đi, đặc biệt tại điểm cao 600, tôi chứng kiến những gương chiến đấu đầy mưu trí, dũng cảm, không ngại gian khổ, hy sinh của quân đội ta trước làn đạn dày đặc, nổ tung toé, khói mù mịt của các loại vũ khí từ hiện đại đến thô sơ được bắn đến từ nhiều phía của quân bành trướng Trung Quốc. 

Và rồi, sáng 10-3-1979, ngay sau vài tiếng đồng hồ địch rút khỏi điểm cao 600, tôi lại được trực tiếp chỉ đạo lực lượng phối hợp cùng trinh sát của Trung đoàn 41, Sư đoàn 395 có nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an toàn các đồng chí lãnh đạo Ban Chỉ huy thống nhất huyện, cùng đoàn quốc tế đi điều tra tội ác của quân bành trướng Trung Quốc.

Nhắc về những kỷ niệm trên, chúng tôi có nguyện vọng muốn gửi đến các thế hệ hôm nay, nhất là những cán bộ, chiến sỹ trẻ một thông điệp phải luôn trân trọng cuộc chiến đấu chính nghĩa, bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; trân trọng sự hy sinh xương máu của biết bao người để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thế

Đắk Song là huyện biên giới của tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với nước bạn Campuchia. Đây là địa phương có diện tích cây nông nghiệp lớn bậc nhất tỉnh Đắk Nông, gồm các loại chủ lực là cà phê, hồ tiêu và sầu riêng.

Chỉ sau hơn 1 tháng thực hiện Luật Căn cước, Hà Tĩnh đã có xã đầu tiên trên toàn tỉnh hoàn thành chỉ tiêu cấp thẻ căn cước cho công dân ở 3 độ tuổi. Đến nay, sau 4 tháng triển khai, Hà Tĩnh tiếp tục là một trong những địa phương dẫn đầu, xếp thứ 2 toàn quốc về tỷ lệ thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho công dân trên địa bàn.

Diễn đàn “Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường lắng nghe nông dân nói” được tổ chức ngày 24/11 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tuyên truyền, phổ biến, giải đáp, cung cấp thông tin để đẩy mạnh thi hành Luật Đất đai 2024, nhất là đối với những vấn đề liên quan đến đất đai trong nông nghiệp, nông thôn.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文