Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân sử dụng vốn vay gây thất thoát, lãng phí

10:46 25/05/2017
“Đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu.

Sáng nay, 25-5, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi).

Theo Tờ trình, trong giai đoạn 2010-2016 đã phát hành trên 1.277 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ với tốc độ tăng bình quân 36%/năm; huy động được khối lượng lớn vốn ODA, ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài với tổng trị giá cam kết đạt 36,6 tỷ USD, trong đó đã giải ngân 32,8 tỷ USD (khoảng 658 nghìn tỷ đồng) nhằm tăng cường nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp, ngân hàng chính sách huy động 632,8 nghìn tỷ đồng nhằm thực hiện chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đòi hỏi vốn đầu tư lớn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đọc Tờ trình của Chính phủ

Luật Quản lý nợ công cũng tạo điều kiện để tăng cường công tác quản lý nợ chặt chẽ, đảm bảo trả nợ Chính phủ đầy đủ, đúng hạn. “Đến cuối năm 2016, các chỉ tiêu nợ về cơ bản nằm trong giới hạn cho phép: nợ công ở mức 63,7% GDP, nợ của Chính phủ ở mức 52,6% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia ở mức 44,3% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ là 14,8% tổng thu NSNN” – Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nợ công cũng đã bộc lộ một số bất cập: Nợ công, nợ Chính phủ tăng nhanh gây áp lực lớn lên nghĩa vụ trả nợ (ngoài sự gia tăng nợ trong nước). Đáng chú ý là đã có sự gia tăng đáng kể dư nợ vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài (năm 2015 tăng 6,5 lần so với năm 2001), trong đó tập trung vào 3 chủ nợ lớn, đó là: Nhật Bản (tăng 6,8 lần), Ngân hàng Thế giới (tăng 11,5 lần) và Ngân hàng Phát triển Châu Á (tăng 20,3 lần).

“Việc phân bổ, sử dụng vốn vay cho đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao, trên thực tế đã có một số dự án vay lại vốn vay ODA, ưu đãi, bảo lãnh Chính phủ phát sinh rủi ro không trả được nợ, phải thực hiện tái cơ cấu tài chính, chuyển sang hình thức Nhà nước đầu tư hoặc Quỹ Tích lũy phải ứng trả thay; còn thiếu gắn kết giữa quyết định đầu tư với cân đối trả nợ…”, người đứng đầu Bộ Tài chính thừa nhận.

Thẩm tra dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung các quy định nhằm phân định rõ hơn việc phân cấp thẩm quyền gắn với trách nhiệm của từng cơ quan quản lý nhà nước; đặc biệt là thẩm quyền, trách nhiệm của người đứng đầu trong quy trình quản lý, giám sát, phân bổ, sử dụng, trả nợ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nợ công. Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý, đối tượng, điều kiện cấp bảo lãnh, kiểm soát rủi ro đối với bảo lãnh Chính phủ, vay về cho vay lại vốn vay nước ngoài; trách nhiệm của tổ chức thẩm định; cơ quan giám sát, sử dụng vốn vay, phương thức, điều kiện tái cơ cấu nợ...

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra

Về trách nhiệm trong quản lý vay nợ, dự thảo luật quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, cơ quan ngang bộ... song mới chỉ dừng ở những quy định liên quan đến nội dung công việc các cơ quan này thực hiện mà chưa phân định rõ chế độ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

“Để bảo đảm quyền hạn gắn liền với trách nhiệm, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đề nghị bổ sung quy định làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền quyết định và các đối tượng có liên quan trong toàn bộ quy trình huy động, thẩm định, phân bổ, quản lý, sử dụng nợ công, đặc biệt trong trường hợp sử dụng vốn vay không hiệu quả, gây thất thoát, lãng phí” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Đức Hải nêu.

Một điểm mới của dự thảo luật là quy định nhiều nội dung liên quan đến quản lý cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và quản lý bảo lãnh Chính phủ. “Song chưa quy định rõ trách nhiệm, chế tài, biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân liên quan và trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý, sử dụng vốn vay khi xảy ra sai phạm, sử dụng vốn vay không hiệu quả, vay lại song không có khả năng trả nợ... ” - Ông đề nghị nghiên cứu, bổ sung nội dung này vào dự thảo luật.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP.HCM): Quản lý chặt chẽ khoản nợ Chính phủ vay và cho vay lại để tránh tình trạng “đắp chiếu” dự án

ĐBQH Trần Hoàng Ngân

Số liệu nợ công cuối năm 2010 chỉ khoảng 1,1 triệu tỷ đồng (51% GDP); đến cuối năm 2016 đã xấp xỉ 2,9 triệu tỷ đồng (63,7% GDP). Tuy nhiên so với báo cáo cách đây 6 tháng Chính phủ gửi các ĐBQH về dự kiến nợ công ở mức 64,9% GDP (tức xấp xỉ trần là 65%) thì đây là điểm đáng mừng. Luật quản lý nợ công sửa đổi lần này đưa vào những điều khoản rất chi tiết để phù hợp với Luật ngân sách Nhà nước năm 2015 và Luật tổ chức chính quyền địa phương, Luật tổ chức Chính phủ… Trong đó có quy định nợ công gồm nợ Chính phủ, nợ Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương một cách chặt chẽ.

Hiện nay còn một điểm cần tranh luận là đầu mối quản lý thống nhất nợ công có nên để như trước đây (vừa Bộ Tài chính, vừa Bộ Kế hoạch – Đầu tư, vừa Ngân hàng Nhà nước) hay là tìm ra một cơ quan quản lý thống nhất. Đối với khoản nợ Chính phủ vay và cho vay lại thì cần quản lý như thế nào để hạn chế rủi ro? Vì như vừa qua các khoản nợ Chính phủ vay rồi về cho các dự án vay lại thì không phát huy được hiệu quả, “đắp chiếu”, rồi phải giải thể, phá sản… Nợ đó đã chuyển thành nợ công, và nợ xấu của nợ công cũng là bài toán mà chúng ta cần lưu ý.

Điều quan trọng hơn nữa là phải làm sao gắn trách nhiệm trong quản lý những khoản nợ này cũng như việc vay nợ; làm sao sử dụng các khoản nợ hiệu quả nguồn vốn đầu tư công cũng như gắn chặt Luật quản lý nợ công với Luật đầu tư công đã được Quốc hội thông qua năm 2015.


Quỳnh Vinh

Chiều 15/4, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (diễn ra từ ngày 14 đến ngày 15/4/2025). Chuyến thăm Việt Nam lần này của đồng chí Tập Cận Bình có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ giữa hai nước láng giềng, đặc biệt khi năm 2025 là năm đánh dấu 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Trung Quốc (18/1/1950 - 18/1/2025).

Điều này nhằm quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan Trung ương về chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù và khắc phục "khoảng trống" của Luật Tương trợ tư pháp (TTTP) năm 2007 khi không quy định về cơ quan có trách nhiệm lập yêu cầu chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù, dẫn đến việc Việt Nam không thể chủ động trong vấn đề này.

Sau nhiều năm dồn phần lớn lượng rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) để chôn lấp, tháng 3 vừa qua TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công nhà máy rác điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Đây mới chỉ là nhà máy rác điện thứ 2 trong khi từ lâu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại thành phố đã ở mức 8.000 - 9.000 tấn...

Sau hai ngày TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinatea, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng, chiều 15/4, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.  

Ngày 15/4, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Trần Thị Minh Huệ (SN 1980, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hành vi của Huệ thể hiện qua việc chị ta khoe quen biết ngân hàng thu gom USD giá rẻ, sau đó lừa những người nhiều tiền để chiếm đoạt hơn 140 tỷ đồng.

Ngày 15/4, thông tin từ Công an phường Nam Sơn (quận An Dương, TP Hải Phòng) cho biết, đơn vị vừa phát đi thông báo đề nghị cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến vụ việc cháu bé sơ sinh bị bỏ rơi tử vong trước công chùa trên địa bàn, để phục vụ công tác điều tra.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文