Máy bay đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về TP Hồ Chí Minh

06:54 03/05/2019
Lễ tang đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra hôm nay (3-5) tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Ngày 3-5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và gia đình tổ chức trọng thể Lễ tang điệu đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua đời lúc 20h10 ngày 22-4 tại nhà số 5A, Hoàng Diệu, Hà Nội. Tang lễ ông diễn ra với nghi thức Quốc tang trong hai ngày 3 và 4-5. Danh sách Ban lễ tang gồm 39 người, do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Ban.

12h40: Linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được đưa lên máy bay, bắt đầu hành trình vào TP Hồ Chí Minh.

Linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được chuyển lên máy bay để di chuyển vào TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VOV

Theo lịch trình, máy bay sẽ hạ cánh tại Tân Sơn Nhất vào khoảng 15h. Sau khi đến sân bay, linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ được di chuyển từ sân bay Tân Sơn Nhất qua các địa điểm quan trọng như Quân khu 7 (nơi Đại tướng Lê Đức Anh từng là Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu), nhà riêng của ông... Sau đó, linh cữu sẽ được đưa về Nghĩa trang TP Hồ Chí Minh, nơi có nhiều đồng chí, đồng đội của ông đang an nghỉ.

12h10: Đoàn linh xa đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh đi qua cầu Nhật Tân, hướng ra sân bay Nội Bài

11h30: Đoàn linh xa đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh ra Nội Bài

Theo lộ trình, tại Hà Nội, đoàn linh xa sẽ đưa linh cữu Đại tướng Lê Đức Anh đi từ Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông đi qua Bộ Quốc phòng, Nhà công vụ số 5A Hoàng Diệu, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phủ Chủ tịch rồi Sân bay Nội Bài.

Đoàn linh xa đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh qua những con phố Hà Nội.
Đoàn linh xa đưa linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh rời Nhà Tang lễ Quốc gia.

11h27: Đoàn linh xa chuẩn bị lăn bánh

Lực lượng CAND đã túc trực hai bên đường các tuyến đường đoàn linh xa đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng đi qua.
Theo lộ trình, đoàn linh xa chở linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sẽ đi qua một số địa điểm ở nội thành trước khi ra sân bay Nội Bài. Linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh sau đó sẽ được chuyển bằng máy bay vào TP Hồ Chí Minh để làm Lễ an táng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng nhiều lãnh đạo trong và ngoài nước, các nguyên lãnh đạo tiễn đưa đại tướng Lê Đức Anh lần cuối. 11h30, đoàn xe rời Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông.

11h20: Linh cữu đồng chí Lê Đức Anh được đưa ra linh xa


11h10: Toàn thể những người có mặt đi vòng quanh linh cữu tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

10h50: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn tại Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc điếu văn tại Lễ truy điệu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Đúng 10h50, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bước lên bục, trang trọng đọc lời điếu văn tiễn biệt nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. "Trong niềm tiếc thương vô hạn, Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cùng đồng bào, đồng chí, gia đình tổ chức trọng thể Lễ truy điệu Đại tướng Lê Đức Anh về nơi an nghỉ cuối cùng", Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa điểm lại những công lao to lớn của đồng chí Lê Đức Anh trên các cương vị, khẳng định nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh là nhà lãnh đạo xuất sắc, có uy tín lớn, là người đảng viên Cộng sản kiên trung, luôn hy sinh vì lợi ích của nhân dân. 

Sau điếu văn của Thủ tướng, ông Lê Mạnh Hà, con trai nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh thay mặt gia đình có lời đáp từ. Ông cảm ơn lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đoàn thể trung ương, địa phương, các giáo sư, bác sĩ đã quan tâm, chăm sóc, điều trị cho cha ông trong thời gian lâm bệnh cho đến những giây phút cuối đời, tổ chức tang lễ trọng thể, chu đáo... Sau cùng, ông Hà nghẹn ngào nói lời tiễn biệt với người cha kính yêu.

10h45: Lễ truy điệu đồng chí Lê Đức Anh bắt đầu

Trong không khí trang nghiêm tại Nhà tang lễ quốc gia chuẩn bị cho Lễ truy điệu đại tướng Lê Đức Anh. Ban Tổ chức lễ tang thông báo đã đến giờ làm lễ truy điệu. 

Đại diện ban tổ chức lễ tang trân trọng kính mới các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo và đại diện các cơ quan đoàn thể đứng bên phải tang, gia quyến nguyên Chủ tịch nước đứng bên trái phòng tang theo hướng từ dưới lên.

Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng gia quyến nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh dành phút mặc niệm tại Lễ truy điệu.

Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Trưởng ban Tổ chức Lễ tang tuyên bố lễ truy điệu. Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thông tin, đã có hơn 1.000 đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Nhà Tang lễ Quốc gia, Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh và Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhiều lãnh đạo các nước cũng đã gửi điện chia buồn.

"Vào thời khắc linh thiêng này, chúng ta tập trung ở đây để tiễn đưa đại tướng về nơi an nghỉ cuối cùng", Phó Thủ tướng nói và tuyên bố lễ truy điệu đại tướng Lê Đức Anh bắt đầu.

Ông vừa dứt lời, tiếng nhạc của bài Quốc ca vang lên trang trọng, mọi người có mặt trong nhà tang lễ lặng lẽ cúi đầu tưởng nhớ đồng chí Đại tướng, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. 

10h40: Sẵn sàng cho Lễ truy điệu đồng chí Lê Đức Anh

Trước giờ làm Lễ truy điệu, đội tiêu binh, cỗ linh xa đều đã vào vị trí, sẵn sàng đưa nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về nơi yên nghỉ vĩnh hằng.

10h30: Đoàn Lào do Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane dẫn đầu vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước Saysomphone Phomvihane dẫn đầu đoàn Lào vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

9h10: Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Đoàn Ngoại giao tại Hà Nội vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

9h03: Đoàn Campuchia do Thủ tướng Campuchia Hun Sen dẫn đầu vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Campuchia do Thủ tướng Hun Sen dẫn đầu vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Trước đó, chiều 2-5, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại đây, lãnh đạo Chính phủ Campuchia bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn và lời chia buồn sâu sắc trước tin nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh từ trần. Ông Hun Sen nhấn mạnh Đại tướng Lê Đức Anh là người bạn thân thiết, người đã đóng góp cho sự nghiệp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ vào năm 1979.

8h40: Đoàn Cuba do Bộ trưởng Bộ Truyền thông Cuba Jorge Luis Perdomo Di-Lella dẫn đầu vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

8h30: Các cơ quan, đoàn thể xếp hàng lần lượt vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn lãnh đạo các tỉnh, thành vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Đoàn thanh, thiếu niên thành phố Hà Nội vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

8h10: Đoàn Bộ Quốc phòng Campuchia do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh dẫn đầu vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia Tea Banh dẫn đầu đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

7h54: Đoàn Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội do Bí Thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội do Bí Thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

7h50: Đoàn Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Ban Tổ chức Trung ương do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh
7h45: Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

7h40: Đoàn Bộ Ngoại giao do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Bộ Ngoại giao do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Tại Hội trường Thống Nhất TP Hồ Chí Minh

Cùng thời điểm Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại Hà Nội, tại Hội trường Thống Nhất ở TP Hồ Chí Minh, Thành uỷ, HĐND, UBND, Mặt trận Tổ quốc và các thành viên ban Tổ chức lễ tang do Bí thư Thành uỷ Nguyễn Thiện Nhân vào viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh.

Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, đoàn đại biểu dành một phút tưởng niệm nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn với ông, trong buổi sáng cùng ngày đã có hàng trăm đoàn đại biểu đại diện cho các cơ quan, đoàn thể, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân đến viếng Đại tướng Lê Đức Anh. Ghi vào số tang, đồng chí Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã xúc động bày tỏ: Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố và nhân dân, cán bộ chiến sĩ thành phố vô cùng thương tiếc và tưởng nhớ một vị tướng tài ba, quả cảm đã trực tiếp chỉ huy nhiều trận đánh lớn; đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của đảng, của dân tộc; gắn bó sâu nặng với nhân dân Nam bộ, với quân, dân Sài Gòn - Gia Định…
Đoàn đại biểu Văn phòng TƯ Đảng vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.
Trung tướng Võ Minh Lương, Tư lệnh Quân khu 7 viết trong sổ tang: Đại tướng Lê Đức Anh - một nhà chính trị lớn, nhà quân sự tài ba, luôn nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, có tư duy sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Một chiến sĩ cách mạng tài trí kiên cường, một vị tướng, vị tư lệnh, chính ủy đức độ, tài năng suốt đời gắn với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, dân tộc.
Thay mặt lực lượng vũ trang Quân khu 9, Thiếu tướng Huỳnh Chiến Thắng xúc động ghi sổ tang: Đảng ủy Bộ tư lệnh quân khu 9 và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu vô cùng thương tiếc Đại tướng Lê Đức Anh. Đồng chí là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước, quân đội và nhân dân ta. 

Đồng chí đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và sự phát triển, đổi mới của đất nước… có mặt tại lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh từ rất sớm, ông Nguyễn Văn Tòng 90 tuổi, người giữ cương vị Phó chính ủy Quân khu 9 trong thời gian ông Sáu Nam - Đại tướng Lê Đức Anh là Tư lệnh Quân khu, ông Tòng khẳng định: Ông ấy là một vị tướng giỏi, tôi nhớ ông đến suốt đời. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, nhiều người dân và đại diện các cơ quan, đoàn thể khối quân, dân, chính, đảng, chức sắc tôn giáo, cơ quan ngoại giao, tổ chức nước ngoài… tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam cũng đã có mặt từ rất sớm để viếng và bày tỏ niềm tiếc thương với ông Sáu Nam, người đã gắn bó khăng khít với vùng đất Nam bộ trong hơn 80 năm hoạt động cách mạng.

Đức Thắng


Tại Thừa Thiên - Huế

Cũng từ 7h sáng 3-5, Lễ viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh diễn ra tại Hội trường UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Ban Chỉ đạo Lễ viếng, Lễ truy điệu của tỉnh Thừa Thiên- Huế gồm có 18 thành viên. Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên- Huế Lê Trường Lưu làm Trưởng ban Chỉ đạo; Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà và Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ làm Phó Trưởng ban.

Tỉnh Thừa Thiên- Huế treo cờ rủ trên Kỳ đài.
Các đoàn ở tỉnh Thừa Thiên- Huế vào viếng nguyên Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh tại tại trụ sở HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế.

Đoàn cán bộ của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Thừa Thiên- Huế do Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ dẫn đầu vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.

Đoàn Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ dẫn đầu đoàn vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ và các thành viên trong đoàn đã dành một phút mặc niệm, thể hiện lòng tri ân sâu sắc đến Đại tướng Lê Đức Anh. Ông Phan Ngọc Thọ xúc động viết vào sổ tang Đại tướng: “Hôm nay cả nước đau buồn tiễn đưa Bác. Bác ra đi là một tổn thất to lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân ta, trong đó có nhân dân Thừa Thiên Huế. Chúng cháu tự hào có Bác, người tướng lĩnh tài ba của dân tộc, người con trung hiếu của Đảng, của quê hương. Vĩnh biệt Bác với niềm thương tiếc vô hạn”.

Lễ viếng Đại tướng Lê Đức Anh được tỉnh Thừa Thiên- Huế tổ chức trọng thể.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế Phan Ngọc Thọ viết vào sổ tang Đại tướng Lê Đức Anh.

Ngay sau đó, các đoàn Công an tỉnh Thừa Thiên- Huế, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh và các Sở, ngành địa phương cũng đã vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.

Anh Khoa


7h35:
Đoàn Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ Công an do Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng uỷ Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Đại tướng Tô Lâm chỉnh vòng hoa trước khi vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

7h30: Đoàn Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng do Đại tướng Ngô Xuân Lịch Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân uỷ Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
7h25: Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam do Chủ tịch Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

7h20: Đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh và các đại biểu Đoàn Chủ tịch nước vào viếng Đại tướng Lê Đức Anh.
Ghi sổ tang, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh viết: Trọn 100 tuổi - với hơn 80 năm tuổi Đảng, Đồng chí Lê Đức Anh đã sống và cống hiến cho độc lập, tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân Việt Nam. Nhấn mạnh sự ra đi của Đại tướng là một mất mát to lớn, nỗi tiếc thương vô hạn đối với Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam cùng nhiều bạn bè, đồng chí trên thế giới, Phó Chủ tịch nước nói rằng các thế hệ con cháu hôm nay sẽ luôn ghi sâu công ơn và nhớ về vị Đại tướng tài ba, vị Chủ tịch nước giàu lòng nhân ái và xin nguyện tiếp tục công tác tốt, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, phát triển bền vững trên con đường đổi mới và hội nhập.

7h15: Đoàn Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Chính phủ làm trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh

Đoàn Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thắp hương trước linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Ghi sổ tang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vô cùng thương tiếc vị tướng tài ba, một nhà chỉ huy xuất sắc có tầm nhìn chiến lược. Nhà lãnh đạo tài năng, đức độ của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi sổ tang. Ảnh: VOV

"Đồng chí là một chiến sĩ cách mạng kiên cường, được tôi luyện, trưởng thành qua các cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả", Thủ tướng viết và nhấn mạnh, "với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, Đại tướng Lê Đức Anh đã trọn đời phấn đấu, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. “Xin kính cẩn nghiêng mình, vĩnh biệt đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh- anh Sáu Nam kính mến!".

7h10: Đoàn Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Đoàn Quốc hội do đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội, làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉnh vòng hoa trước khi vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Ghi sổ tang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân viết: "Vô cùng thương tiếc Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. Đồng chí là một nhà chính trị, nhà quân sự lỗi lạc, nhà lãnh đạo tài ba, mẫu mực, giàu lòng nhân ái, và cuộc sống giản đơn. Xin vĩnh biệt đồng chí về nơi yên nghỉ vĩnh hằng".

7h00: Lễ Viếng đồng chí Lê Đức Anh bắt đầu

Đúng 7h00 sáng 3-5, Lễ Viếng đồng chí Lê Đức Anh bắt đầu. Trong tiếng nhạc Hồn tử sĩ, Đoàn Ban chấp hành Trung ương Đảng do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng đoàn vào viếng nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành phút mặc niệm trước linh cữu đồng chí Lê Đức Anh.

Đoàn bước chậm và dàn thành các hàng ngang đứng cúi đầu mặc niệm một phút trước linh cữu đồng chí Lê Đức Anh.

Tiếp đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi vòng quanh linh cữu. Các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành thời gian nắm tay từng người, chia sẻ nỗi đau mất mát với gia quyến đồng chí Lê Đức Anh.

6h50: Phó thủ tướng Trương Hoà Bình đã phát biểu mở đầu Lễ viếng, ôn lại quá trình hoạt động cách mạng và những đóng góp của nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh trên nhiều cương vị khác nhau.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu.

"Hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế. Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta", Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nói.

6h: Treo cờ rủ trên quảng trường Ba Đình

Đúng 6h sáng, cờ rủ kéo lên tại quảng trường Ba Đình ở Hà Nội, bắt đầu hai ngày Quốc tang tưởng nhớ nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh. Nghi lễ do tiêu binh Đoàn 275, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện. Quốc kỳ được buộc lại bằng băng vải đen để cờ không bay và treo ở độ cao 2/3 chiều cao của cột cờ.

Nghi lễ treo cờ rủ trên Quảng trường Ba Đình sáng 3-5.

6h00: Lễ viếng đồng chí Lê Đức Anh bắt đầu từ 7h đến 10h45 ngày 3-5, tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu Đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh từ 11h cùng ngày tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.

Lễ an táng từ 17h cùng ngày tại Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Lê Đức Anh.

Linh cữu đồng chí Lê Đức Anh được quàn tại vị trí trang trọng nhất, chính giữa đài lễ tại Nhà Tang lễ số 5 Trần Thánh Tông.

Tại Nhà Tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, từ sớm nay, linh cữu nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh được quàn tại vị trí trang trọng nhất, chính giữa đài lễ và được phủ Quốc kỳ đỏ thắm.

Trước linh cữu của đồng chí Lê Đức Anh là bàn thờ Tổ quốc, bên trên là Quốc kỳ viền dải băng đen, nổi bật dòng chữ “Vô cùng thương tiếc đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam” và di ảnh của đồng chí cùng gối huân, huy chương.

Cũng từ sớm, nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có mặt để dự Lễ viếng đồng chí Lê Đức Anh.

TÓM TẮT TIỂU SỬ ĐỒNG CHÍ ĐẠI TƯỚNG LÊ ĐỨC ANH

nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam

Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đồng chí Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa; Sáu Nam), sinh ngày 1-12-1920; quê quán: Xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế; thường trú tại số nhà 5A Hoàng Diệu, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1937; vào Đảng tháng 5-1938.

QUÁ TRÌNH CÔNG TÁC

Năm 1937, đồng chí tham gia phong trào dân chủ ở Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên Huế); tháng 5-1938, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.

Năm 1939 - 1943, địch khủng bố mạnh, mất liên lạc, đồng chí vào Hội An, Đà Lạt, Lộc Ninh, Thủ Dầu Một tham gia hoạt động trong các hội Ái hữu.

Tháng 3-1944, đồng chí bắt liên lạc được với tổ chức và được giao nhiệm vụ hoạt động trong các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh, Quảng Lợi, Xa Can, Xa Cát.

Đầu năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng trung kiên trong các nghiệp đoàn, chuẩn bị đấu tranh võ trang.

Tháng 8-1945, đồng chí được phân công phụ trách chỉ huy khởi nghĩa giành chính quyền ở các đồn điền cao su và hai huyện Hớn Quản, Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Thời gian này, đồng chí tham gia Quân đội, chỉ huy giành chính quyền ở Lộc Ninh, tham gia tỉnh uỷ lâm thời, phụ trách quân sự phía Bắc tỉnh Thủ Dầu Một.

Tháng 11-1946 đến tháng 10-1948, đồng chí làm Chính trị viên Chi đội 1 (sau là Trung đoàn 301), Trung đoàn Uỷ viên, Tỉnh uỷ viên Thủ Dầu Một.

Tháng 10-1948 đến tháng 12-1948, đồng chí làm Tham mưu trưởng Khu 7, Quân khu Uỷ viên.

Tháng 1-1949 đến tháng 10-1949, đồng chí làm Tham mưu trưởng Khu 8, Quân khu Uỷ viên.

Tháng 11-1949 đến tháng 5-1950, đồng chí làm Tham mưu trưởng Quân khu Sài Gòn - Chợ lớn, Quân khu Uỷ viên.

Tháng 6-1950 đến tháng 12-1950, đồng chí làm Tham mưu trưởng Khu 7.

Tháng 1-1951, đồng chí làm Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Tháng 5-1955, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Phó Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 10-1957, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Cục phó thứ nhất Cục Quân lực, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam .

Tháng 12-1958, đồng chí được Đảng, Nhà nước phong quân hàm Đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam .

Tháng 8-1961, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam .

Tháng 8-1963, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam .

Tháng 8-1965, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam , Uỷ viên Quân uỷ Miền.

Năm 1968, đồng chí giữ chức Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam , Uỷ viên Quân ủy Miền.

Năm 1969, đồng chí giữ chức Tư lệnh Khu 9, Phó Bí thư Khu ủy.

Năm 1974, đồng chí giữ chức Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam , Ủy viên Quân ủy Miền. Đồng chí được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm từ Đại tá lên Trung tướng Quân đội nhân dân Việt Nam (tháng 4/1974).

Năm 1975, đồng chí giữ chức Phó Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân Tây Nam .

Tháng 5-1976, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9, Bí thư Quân Khu ủy.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12-1976), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Tháng 6-1978, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Uỷ viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương.

Tháng 1-1981, đồng chí được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam .

Tháng 6-1981, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Cam-pu-chia.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3-1982), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.

Tháng 12-1984, đồng chí được Đảng, Nhà nước thăng quân hàm Đại tướng Quân đội nhân dân Việt Nam .

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12-1986), đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 2-1987, đồng chí được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6-1991), đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng.

Tháng 9-1992, tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá IX, đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6-1996), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, làm Thường vụ Bộ Chính trị.

Tháng 12-1997, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ tư khoá VIII, đồng chí xin thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng, thôi giữ chức Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng suy tôn làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đến tháng 4-2001.

Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khoá IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Uỷ viên Bộ Chính trị các khoá V, VI, VII, VIII; Thường vụ Bộ Chính trị khoá VIII; Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ tháng 9-1992 đến tháng 12-1997); Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng (từ năm 1997 đến tháng 4-2001); Đại biểu Quốc hội các khoá VI, VIII, IX.

Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huân chương Quân công hạng Nhất; Huân chương Chiến công hạng Nhất; Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.



Nhóm phóng viên CAND Online

Thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 11,5 độ Vĩ Bắc; 112,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.

Tối 23/12, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh cho biết, lúc 15h30 cùng ngày, đã tiếp nhận điều trị 5 ca bị bỏng và bị thương nặng được chuyển đến từ Trung tâm Y tế huyện Tân Biên. Có 4/5 nạn nhân đã được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) tiếp tục điều trị.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trần Hồng Minh vừa công điện gửi Cục Đường cao tốc Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, các ban quản lý dự án, nhà đầu tư về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện 8 dự án đầu tư kinh doanh công trình trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông.

46,15% cơ quan, doanh nghiệp bị tấn công mạng trong năm 2024; Số vụ tấn công mạng ước tính lên tới hơn 659.000 vụ; Việt Nam thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chuyên trách về an ninh mạng; Tấn công có chủ đích, tấn công gián điệp và tấn công mã hoá dữ liệu là những hình thức tấn công phổ biến nhất; Tỷ lệ sử dụng sản phẩm, dịch vụ “Make in Vietnam” còn rất khiêm tốn, chỉ 24,77%; Tình trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân đáng báo động nhưng công tác đảm bảo an ninh còn nhiều lúng túng.

Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, liên quan vụ án "Đưa hối lộ" và "Nhận hối lộ" xảy ra tại tại Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất và các KCN tỉnh Quảng Ngãi đã khởi tố thêm tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” đối với một số đối tượng.

Sáng mai (24/12), TAND TP Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 17 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu (giai đoạn 2) về các tội: “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Che giấu tội phạm”.

Ngày 23/12, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết đã nắm thông tin phản ánh của người thân một nữ bệnh nhân trẻ trên mạng xã hội Facebook về hành vi thiếu chuẩn mực của bác sĩ nam khi siêu âm tuyến giáp, tim và bụng. Sự việc xảy ra tại Phòng khám Đa khoa thuộc Công ty cổ phần Đầu tư Tư vấn dịch vụ y tế Y Đạo (địa chỉ 46-48 Ngô Quyền, phường 5, quận 10).

Công an huyện Lục Nam, Bắc Giang đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 5 triệu đồng đối với M.V.S về hành vi “Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Quyết tâm duy trì mô hình "Ngã tư an toàn giao thông" hiệu quả, thay đổi bộ mặt giao thông Thủ đô, lực lượng CSGT xử lý nghiêm tất cả những tài xế xe máy và ô tô có thói quen đứng đè vạch dừng hoặc đè vạch sang đường của người đi bộ, khi bị xử lý lại đổ lỗi do đường đông và đi vội.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文