Lo ngại nợ xấu khi Chính phủ bảo lãnh xây Cảng hàng không Long Thành
- Chính phủ chính thức trình Quốc hội giao ACV đầu tư sân bay Long Thành
- Vì sao Dự án Sân bay Long Thành mới giải ngân chỉ hơn 1%?
- Đề nghị giao Bộ Giao thông Vận tải trình báo cáo khả thi sân bay Long Thành
Chiều 24-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai) do Chính phủ trình. Đa số các đại biểu bày tỏ ủng hộ chủ trương xây dựng sân bay, trong đó có giao cho nhà đầu tư trong nước là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM). Tuy nhiên, một số vấn đề đại biểu lo ngại đó là nợ xấu, khó khăn giải phóng mặt bằng và chậm tiến độ.
Lo nợ xấu khi bảo lãnh cho ACV vay tiền
Đại biểu Phạm Phú Quốc (TP Hồ Chí Minh) bày tỏ băn khoăn về phương án tài chính trong báo cáo của Chính phủ đặt ra. Theo đó, ACV cho biết vốn dự có là 1,57 tỷ USD (chiếm khoảng 37%), còn lại là đi vay. Muốn như vậy, Chính phủ phải bảo lãnh cho doanh nghiệp này vay gần 2,6 tỷ USD.
Đại biểu băn khoăn việc Chính phủ bảo lãnh cho ACV vay lượng lớn tiền như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến nợ công. “Việc bảo lãnh cũng phải tính vào nợ công. Cần có đánh giá tác động ảnh hưởng đến nợ công như thế nào, có đụng trần hạn mức của Chính phủ hay không”, đại biểu Phạm Phú Quốc nói.
Ông Quốc cũng cho biết trong báo cáo ACV nói có 1,57 tỷ USD trong giai đoạn 2019-2025. Như vậy, một khoản tiền không nhỏ là tính ở “tương lai” vì khi đưa Long Thành vào khai thác, sân bay này sẽ chia sẻ lượng khách với nhiều sân bay khác, do đó hiệu quả kinh doanh tại các sân bay mà ACV đang khai thác giảm xuống. Từ đó dẫn đến các nguồn thu sẽ giảm, huy động tiền sẽ khó khăn hơn.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Anh Tuấn cũng cho rằng cần phân tích rõ tính khả thi khi Chính phủ bảo lãnh để ACV vay tiền, có thể tiềm ẩn rủi ro trong đó. Ông cũng nhấn mạnh cần có ý kiến của hội đồng thẩm định quốc gia về báo cáo khả thi để thấy rõ hơn về mặt hiệu quả khi đưa dự án vào khai thác.
“Cần đánh giá trên cơ sở dòng tiền thu được khi đưa sân bay vào vận hành. Như vậy, Quốc hội rất cần thêm ý kiến của hội đồng thẩm định”- đại biểu Trần Anh Tuấn đề nghị.
Tính toán phương án khó khăn khi giải phóng mặt bằng
Lo lắng về tiến độ giải phóng mặt bằng, đại biểu Trương Anh Tuấn (Nam Định) nêu vấn đề, từ trước đến nay, cứ "động" đến giải phóng mặt bằng là chậm tiến độ. Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành vào tháng 11-2017, đã tập trung nguồn lực nhanh để thu hồi đất dứt điểm, tránh tình trạng giải phóng mặt bằng kéo dài dẫn đến nhiều thời điểm áp giá đền bù, gây khó khăn trong công giải thích, tuyên truyền và dễ gây khiếu kiện trong nhân dân. Tuy nhiên, đến nay ý tưởng này rất khó thực hiện.
Hơn nữa, việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cũng phải thực hiện theo từng giai đoạn. Liệu trong những giai đoạn tiếp theo, chúng ta sẽ áp dụng khung giá thế nào cho thu hồi đất? Có nằm trong khung giá dự tính không? Giá đất lúc đấy sẽ trượt lên bao nhiêu? Hơn 22 nghìn tỷ đồng lúc đấy còn đủ không? Đại biểu Trương Anh Tuấn đề nghị, Chính phủ cần có giải trình cụ thể hơn về các bước nhằm thực hiện Nghị quyết về dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phục vụ dự án xây dựng sân bay Long Thành.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân |
Đại biểu Lê Hồng Tịnh (Đồng Nai) cũng đề nghị, cần cân nhắc thật kỹ và làm rõ cơ chế khi giao đất các doanh nghiệp thực hiện các dự án thuộc hạng mục 4 của dự án bởi vấn đề này liên quan đến việc thu hồi đất của dân. Bởi khi địa phương thu hồi đất của dân, chính quyền địa phương nói rằng thu hồi để phục vụ dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhưng khi nhượng quyền khai thác đất cho doanh nghiệp, doanh nghiệp vào thực hiện các dự án, trong đó có những dự án kinh doanh. "Cho dù là kinh doanh phục vụ cho sân bay đi nữa nhưng cũng sẽ gây thắc mắc trong người dân", đại biểu Lê Hồng Tịnh lưu ý.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh ) cũng lo lắng về tiến độ của dự án khi đặt mục tiêu hoàn thành chậm nhất vào năm 2025. Ông nhấn mạnh muốn triển khai dự án ngay vào năm sau thì phải có đất sạch, trong khi tiến độ giải phóng mặt bằng đang rất chậm chạp.
Cụ thể, đến tháng 8, việc đền bù giải phóng mới giải ngân được 232 tỷ đồng, trong tổng số 11.400 tỷ đồng (giai đoạn 2018-2019). Theo báo cáo, nếu nỗ lực hết 2019, sẽ thực hiện giải ngân được thêm 176 tỷ đồng, như vậy mới đạt khoảng 15%. “Việc chậm giải phóng dẫn đến giá cả đất đai đền bù, thu hồi gia tăng, ảnh hưởng kế hoạch giải phóng mặt bằng, có thể làm chậm dự án” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.