Bản hùng ca toàn quốc kháng chiến: Lời hịch non sông từ làng Vạn Phúc
Sau chuyến thăm lịch sử tới nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trên chiếc Thông báo hạm Dumont d’Urville của Hải quân Pháp. Có một câu chuyện nhỏ nhưng phản ánh tầm vóc của vị lãnh tụ vĩ đại diễn ra trên chiếc tàu chiến này khi nó vào tới vùng biển Bắc Bộ...
- Bản hùng ca toàn quốc kháng chiến (bài 1)
- Những nỗ lực ngoại giao ngăn chặn chiến tranh (bài 2)
- Theo Bác Hồ về nước kháng chiến (bài 3)
- Chặn đứng âm mưu lật đổ Chính phủ Hồ Chí Minh (bài 4)
- Lời hịch non sông từ làng Vạn Phúc (bài cuối)
Bài cuối: Lời hịch non sông từ làng Vạn Phúc
Lúc mọi người lên boong tàu ngắm cảnh Vịnh Hạ Long, xung quanh Hồ Chủ tịch là nhiều tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp của hải quân, lục quân Pháp. Mọi người cùng nói chuyện vui vẻ giữa cảnh thiên nhiên kỳ thú. Bỗng một viên tướng Pháp nói với Bác: “Thưa Chủ tịch, thế là ngài đã bị đóng khung rồi nhé!” – viên tướng cố tình nhấn mạnh chữ “đóng khung”. Đáp lại, Hồ Chủ tịch trả lời bằng tiếng Pháp: “Vâng thưa ngài, nhưng chính bức tranh mới làm cho cái khung có giá trị!”. Lời thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này trở thành hiện thực với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ…
Thông điệp từ những đường phố rực sắc cờ đỏ
Hải Phòng là một thương cảng lâu đời, cửa ngõ trọng yếu từ Việt Nam ra thế giới bằng đường biển. Cái tên “Hải Phòng” từ xa xưa đã nói lên tính chất phòng vệ vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc ở Đông Bắc Bộ. Ngày 20-10-1946, suốt dọc quốc lộ 5 từ Hà Nội đến những đường phố Hải Phòng đâu đâu cũng rực rỡ sắc màu cờ đỏ sao vàng. Người dân nô nức đi đón Bác Hồ trở về Tổ quốc bằng đường biển từ cảng Toulon đến Hải Phòng.
Những người đi đón Bác, về phía Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ; về phía Pháp có Đại tá Lami, đại diện của tướng Moóclie (Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Bắc Đông Dương). Khắp đường phố ngập tràn không khí hồ hởi, phấn khích; ngoài tình cảm và sự ngưỡng mộ vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh, dường như người dân cũng muốn thể hiện một thông điệp: Đoàn kết và ủng hộ Chính phủ Hồ Chí Minh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nền độc lập và sự thống nhất của Tổ quốc.
Bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong căn nhà lịch sử. |
Trong hồi ức “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng: “Hồi còi Nhà hát lớn Hải Phòng dõng dạc cất lên, báo tin vui đi khắp thành phố giờ phút Bác rời cầu tàu, đặt chân lên đất Cảng… Quốc thiều Việt Nam và quốc thiều Pháp nổi lên. Bác dự lễ chào cờ rồi đi duyệt đội danh dự. Các chiến sĩ ta giản dị trong bộ quân phục xanh, đầu đội mũ ca lô, súng cắm lưỡi lê, cùng với những sĩ quan mũ gắn sao vành vàng, tay cầm gươm tuốt trần…
Sau đó, Bác đi tới chỗ quân đội Pháp. Theo tiếng hô của một sĩ quan Việt Nam, đội danh dự Pháp mặc lễ phục trắng hạ ngang lá cờ ba sắc để chào Người. Phần nghi lễ xong, Bác quay lại Bến Ngự cảm ơn các đoàn đại biểu, nhận bó hoa của nhân dân Hải Phòng và ôm hôn hai em thiếu nhi chạy tới đón Bác. Tiếng hò reo nổi lên như sấm rền trên suốt các tuyến phố xe Bác đi qua”…
Lời của Bác – lời non nước
Từ khi Bác Hồ về nước cho đến mùa đông năm Bính Tuất 1946, những nỗ lực cao nhất của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm cứu vãn hoà bình, tránh một cuộc chiến tranh khốc liệt giữa hai dân tộc Việt – Pháp, đã bị thực dân Pháp hoàn toàn làm ngơ. Trung tuần tháng 12-1946, những bức điện tín kêu gọi đàm phán và vãn hồi hoà bình của Hồ Chủ tịch gửi Quốc hội, Chính phủ Pháp, đều bị chặn lại ở Sài Gòn – nơi duy nhất có thể chuyển những thông tin từ Việt Nam ra nước ngoài, cũng là nơi thực dân Pháp đã chiếm giữ sau ngày 23-9-1945; tất yếu một cuộc chiến toàn diện của dân tộc Việt Nam chống quân xâm lược nhất định sẽ diễn ra.
Trong những ngày căng thẳng đó, Hồ Chủ tịch và các đồng chí lãnh đạo của Chính phủ ban ngày vẫn làm việc tại Bắc Bộ phủ (nay là Nhà khách Chính phủ, số 12, Ngô Quyền, Hà Nội), nhưng ban đêm đều phải sơ tán về những địa điểm bí mật, bảo đảm an toàn tuyệt đối để tiếp tục họp bàn, đề ra những quyết sách chuẩn bị trường kì kháng chiến.
Đầu tháng 12-1946, Bác Hồ đã chỉ đạo đồng chí Trần Đăng Ninh tìm một địa điểm an toàn ở ngoại thành. Nhớ tới làng Vạn Phúc (nay thuộc quận Hà Đông, Hà Nội), nơi đã nuôi giấu nhiều cán bộ tiền bối của cách mạng, sau khi nắm thêm tình hình, đồng chí Trần Đăng Ninh báo cáo với Bác và được Người đồng ý.
Đồng chí Vũ Kỳ, nguyên là Thư kí riêng của Bác, trong dịp kỉ niệm 40 năm Toàn quốc kháng chiến đã nhớ lại: “Xe đi đến thị xã Hà Đông rẽ quá trên cầu làng Vạn Phúc thì đỗ lại. Trời tối hẳn. Anh Ninh đi trước. Đường làng lát gạch. Đến cổng xây, đồng chí Ninh dắt tay Bác qua một khoảng sân nhỏ, rồi lên cầu thang hẹp bên phải, xây bằng gạch.
Tầng gác này có một phòng rộng, ở phía ngoài bầy bàn thờ. Liền đó có một phòng nhỏ, cửa vào ngay cầu thang lên, khoảng 15 mét vuông là buồng riêng của “cậu Tú” con trai thứ cụ chủ nhà vừa dùng làm buồng học, buồng ngủ. Đồng chí Ninh đã mượn cả nhà một thời gian cho “cơ quan Chính phủ dùng”.
Trong căn nhà này tại làng Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), Bác Hồ đã viết “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (tháng 12-1946). |
Những người trong nhà và dân làng Vạn Phúc hồi ấy không một ai biết rằng nhà mình, làng mình lại được chọn làm nơi ở và làm việc của Bác Hồ… Cuộc họp lịch sử ở ngay trong căn gác hẹp tại làng Vạn Phúc, nơi làm việc của Bác Hồ lúc đó. Đồng chí Trường Chinh báo cáo tình hình và nêu ra nội dung chủ yếu của đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện. Đồng chí Võ Nguyên Giáp báo cáo những vấn đề chính về tình hình và kế hoạch quân sự”…
Với tôi, Vạn Phúc rất quen thuộc và hầu như hằng ngày tôi đều đi qua cổng ngôi nhà của cụ Nguyễn Văn Dương – nay đã thành nhà lưu niệm nơi Bác Hồ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ngôi nhà này được cụ Nguyễn Văn Dương xây từ năm 1939, đến nay kiến trúc vẫn còn hầu như nguyện vẹn… Bác Hồ đã ở Vạn Phúc từ ngày 3-12 đến 19-12-1946. Tại đây, Người chủ trì cuộc họp Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, quyết nghị thông qua chủ trương toàn quốc kháng chiến và Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến; trong đó có những câu bất hủ: “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ… Dù phải gian lao kháng chiến nhưng với một lòng kiên quyết hi sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!”. Đáp lời hịch thiêng liêng đó, tối 19-12-1946, Hà Nội đồng loạt nổ súng báo hiệu Toàn quốc kháng chiến và rạng sáng 20-12-1946, Đài Tiếng nói Việt Nam (đặt tại chùa Trầm, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) đã phát đi lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Qua bà Nguyễn Thị Hà (hiện 79 tuổi, sống tại làng Vạn Phúc), người con gái của cụ Nguyễn Văn Dương, tôi được biết: Trước lúc từ biệt Vạn Phúc vào tối 19-12-1946, Bác gặp cụ Dương để cảm ơn cụ đã giúp đỡ Chính phủ trong những ngày nước sôi lửa bỏng và căn dặn gia đình tiếp tục ủng hộ kháng chiến…
Khi cụ Dương hỏi Người về khả năng giành thắng lợi trong cuộc chiến không cân sức với quân Pháp, Bác khẳng định: “Nhất định là đánh được, còn lâu hay chóng là do ta. Nếu nhân dân ta ai cũng đồng lòng gắng sức thì dù giặc Pháp có máy bay, đại bác mạnh đến mấy cũng phải thua. Ta nhất định thắng!”. |