Nâng cấp cơ sở pháp lý về phòng vệ thương mại
Những nội dung sửa đổi chủ yếu của dự thảo Luật bao gồm nhóm vấn đề về khuyến khích phát triển và bảo hộ hợp lý sản xuất kinh doanh trong nước: Bổ sung thêm Chương III quy định về thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ, quy định về điều kiện, nguyên tắc, thẩm quyền và thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ trên cơ sở kế thừa quy định tại 3 Pháp lệnh hiện hành.
Ngoài ra, để đảm bảo có đủ cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp về thuế mới có thể cần thiết để xử lý các trường hợp phát sinh như áp dụng thuế trả đũa được phép áp dụng trong khuôn khổ giải quyết cơ chế tranh chấp của WTO và các FTA Việt Nam đã tham gia, dự thảo cũng có bổ sung nội dung này.
Về thẩm quyền ban hành Biểu thuế cho từng mặt hàng, dự thảo cho rằng có những biểu thuế sẽ có quan điểm khác nhau giữa các bộ, nên nâng thẩm quyền từ Bộ trưởng Bộ Tài chính lên Thủ tướng quyết. Theo đó, dự thảo đã chỉnh sửa theo hướng Thủ tướng căn cứ theo Luật để ban hành các biểu thuế.
Từ khi gia nhập WTO, Việt Nam đối diện với gần 100 vụ kiện tự vệ thương mại nhưng mới tiến hành được 5 vụ để bảo vệ sản xuất trong nước. |
Về Khung thuế suất sẽ nâng thẩm quyền quyết định từ UBTVQH lên Quốc hội. Theo đó, Biểu khung thuế suất thuế xuất khẩu sẽ được ban hành kèm theo Luật này và chỉ điều chỉnh đối với hai nhóm hàng: Nhóm hàng phế liệu, phế thải từ sắt, thép giảm mức tối đa từ 30% xuống 17%; đối với các phế liệu, phế thải từ kim loại khác giảm mức tối đa từ 40% xuống 22% theo đúng cam kết WTO.
Để đảm bảo sự chủ động trong điều hành, nhất là trước các diễn biến khó lường của giá cả hàng hóa, nhu cầu sử dụng các loại tài nguyên, khoáng sản hiện nay, dự thảo Luật có quy định giao thẩm quyền cho UBTVQH trong việc sửa đổi, bổ sung Khung thuế xuất khẩu trong trường hợp cần thiết.
Tỷ trọng thuế trong thu ngân sách giảm dần do cắt giảm theo cam kết quốc tế
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong những năm gần đây, tỷ trọng số thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu trong tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) giảm nhưng số thu vẫn tăng hợp lý hàng năm. Giai đoạn 2005-2010 số thu bình quân chiếm khoảng 15-16% tổng thu NSNN. Những năm gần đây, do tác động của việc thực hiện các cam kết về cắt giảm thuế quan, tỷ trọng thu ngân sách từ thuế giảm dần. Cụ thể: năm 2011 số thu đạt 65.622 tỷ đồng, chiếm 9,09%; năm 2012 số thu đạt 60.066 tỷ đồng, chiếm 7,96%; năm 2013 số thu đạt 66.450 tỷ đồng, chiếm 8,22%; năm 2014 số thu đạt 80.099 tỷ đồng, chiếm 7,99%; ước năm 2015 số thu dự kiến là 81.200 tỷ đồng, chiếm g 8,11% tổng thu NSNN. Giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng thu từ thuế XNK ước đạt 5,8%năm. Về cơ cấu thu, bình quân giai đoạn 2011-2015, thu từ thuế xuất khẩu chiếm 20,5%, thu từ thuế nhập khẩu chiếm 79,5% tổng thu thuế XNK. Thu thuế xuất khẩu chủ yếu từ xuất khẩu khoáng sản chưa qua chế biến (dầu thô, than đá), giai đoạn 2011-2015 ước chiếm 76,6% tổng thu thuế xuất khẩu. |