Ngàn người thương tiếc tiễn đưa giáo sư Phan Huy Lê

11:24 27/06/2018
Sáng nay, 27-6 dòng người đông nghẹt tại nhà tang lễ quốc gia tham gia tiễn đưa giáo sư sử học Phan Huy Lê về nơi yên nghỉ cuối cùng.


"Hiếm thấy đám tang nào mà người đến tiễn đông như thế, tôi phải tìm chỗ gửi xe ở xa" - anh Hoàng Dân, một trong những người yêu mến giáo sư có mặt lúc hơn 8h sáng cho biết.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang chia buồn với gia đình GS Phan Huy Lê

Được nhìn nhận là người dẫn dắt nền sử học Việt Nam trong nửa thế kỷ qua, sự ra đi đột ngột của GS Phan Huy Lê vào hôm Chủ Nhật vừa qua khiến nhiều thế hệ học trò và nhiều người dân bàng hoàng. Ông đã để lại khoảng trống lớn trong giới nghiên cứu lịch sử.

"Hẳn là ai cũng có thể nhận ra vai trò tiên phong dẫn dắt về mặt học thuật của GS Phan Huy Lê trong nền Sử học đa ngành nước ta, nhưng sự suy tôn một nhà khoa học lên vị trí cao nhất suốt một nửa thế kỷ cũng là câu chuyện hiếm có" - GS Nguyễn Quang Ngọc, một học trò 50 năm của GS Lê nói.

Đồng chí Phạm Minh Chính,  Phạm Minh Chính Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương ghi sổ tang.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ viếng

*********************************

NGƯỜI DẪN DẮT SỬ HỌC NỬA THẾ KỶ

Dấn thân vào nghề Sử, Phan Huy Lê càng ngày càng nhận thấy lịch sử Việt Nam ẩn chứa biết bao điều cần khám phá và lý giải một cách khoa học. Con đường để đi đến chân lý lịch sử là con đường phức tạp, quanh co, không một chút giản đơn.

Phan Huy Lê quan niệm kinh tế - xã hội là cơ sở nền tảng lịch sử. Nước ta là một nước nông nghiệp nên nghiên cứu kinh tế - xã hội Việt Nam truyền thống không thể không bắt đầu từ nông thôn, nông nghiệp và nông dân”.

Nói đến Phan Huy Lê là người ta nghĩ ngay đến chuyên gia hàng đầu về lịch sử chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự truyền thống Việt Nam với những tổng kết sâu sắc và độc đáo, góp phần nâng tầm những chiến công chung của đất nước.

Thế nhưng dường như Phan Huy Lê không định hướng vào lịch sử quân sự. Tổng số sách và bài đăng của ông trên các tạp chí nghiên cứu chuyên về mảng đề tài này là 50 trên tổng số 408 công trình ông đã hoàn thành (chiếm 12,2%), một tỷ lệ không cao so với nhiều mảng đề tài khác.

Điều mà Phan Huy Lê trước sau đặc biệt quan tâm là những vấn đề về kinh tế - xã hội, hình thái kinh tế - xã hôi và các thể chế chính trị - xã hội trong lịch sử Việt Nam trước Cận đại. Một khi có cơ hội, ông lại tranh thủ trở về với đề tài chế độ ruộng đất, kinh tế nông nghiệp, nông dân và làng xã cổ truyền. Số công trình ông viết riêng về mảng kinh tế - xã hội là 51 (chiếm 12,5%), trong đó tiêu biểu là các tác phẩm viết về phong trào nông dân Tây Sơn, các cuốn sách, chuyên đề về sự phát triển hình thái kinh tế - xã hội, kết cấu kinh tế - xã hội, làng xã của người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ...

Là một nhà sử học, Giáo sư Phan Huy Lê luôn nhấn mạnh vai trò của sử liệu và phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu lịch sử.

Với ông, sử liệu là chất liệu quan trọng nhất của công trình Sử học, nên trong quá trình nghiên cứu bao giờ ông cũng mở rộng khai thác triệt để các nguồn sử liệu và tìm cách mọi cách để có thể trở về với tư liệu nguyên gốc.

Ông là người đã đem bộ Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản từ Paris về Việt Nam và viết bài khảo cứu văn bản Đại Việt sử kí toàn thư: tác giả, văn bản, tác phẩm (1983).

Đồng thời với tiếp cận trực tiếp đối tượng, ông nêu thành nguyên tắc tiếp cận toàn bộ, toàn diện, đa tuyến về lịch sử Việt Nam trong mối quan hệ với khu vực và thế giới.

Trân trọng và đề cao kinh nghiệm viết sử truyền thống, ông lại chính là người dẫn đầu hiện đại hoá và cập nhật các phương pháp nghiên cứu mới, nhất là phương pháp đa ngành, liên ngành. Ông đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của địa bạ, châu bản, gia phả... và vai trò của điều tra khảo sát thực địa.

Phan Huy Lê quan niệm lịch sử Việt Nam là lịch sử chung của cả nước, của toàn dân, của tất cả 54 tộc người chung sống trên đất Việt Nam, nên bên cạnh các bộ thông sử, các nghiên cứu tổng quan, ông đặc biệt quan tâm đến lịch sử địa phương, lịch sử các dòng họ và những nhân vật cụ thể.

Ông chăm chú theo dõi toàn bộ tiến trình lịch sử đất nước từ các quy luật vận động chung cho đến những hiện tượng cá biệt có tính ngẫu nhiên của lịch sử. Chính tư liệu địa phương và tư liệu dòng họ là nguồn thông tin bổ sung quan trọng giúp ông làm sáng rõ và sinh động hơn bức tranh lịch sử nước nhà.

Ông cũng là một trong những chuyên gia đầu tiên của nền giáo dục mới Việt Nam tham gia giảng dạy chuyên đề, hướng dẫn và phản biện nghiên cứu sinh trong nước và quốc tế, trong đó có 17 học trò trực tiếp của ông đã bảo vệ thành công các luận án Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học.

Bên cạnh nhiệm vụ đào tạo Sử học, ông còn được giao trách nhiệm xây dựng hai ngành học mới là Việt Nam học và Đông Phương học. Ông được phong học hàm Giáo sư Sử học (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo Nhân dân (1994); được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động các hạng Nhất (1998), Nhì (1994), Ba (1973, 2012); được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Hồ Chí Minh (2017), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá Á châu Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002), Công dân Ưu tú của Thủ đô (năm 2010) , Danh hiệu Viện sĩ Thông tấn nước ngoài của Viện Hàn lâm Văn khắc và Mĩ văn thuộc Học viện Pháp quốc (2011) .

Khi bước vào tuổi lục tuần, ông bứt phá và tăng tốc đến ngoạn mục với nhịp độ 12 công trình/ năm và 231 công trình gồm hàng loạt những những tổng kết khoa học sâu sắc và chuẩn mực cho 19 năm liên tục (1995-2013), cũng là điều hết sức đặc biệt. Đã bước vào tuổi bát tuần rồi mà ông vẫn hăng hái dẫn đầu các đoàn khảo sát thực địa từ Thăng Long, Sơn La, Thái Nguyên, Tây Đô, Lam Sơn, Lũng Nhai, qua Triệu Phong, Ái Tử, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Tủy Xá, Hỏa Xá, Tây Sơn Thượng đạo (Gia Lai)… cho đến Mô Xoài, Bến Nghé, Đồng Nai, Óc Eo, Gò Tháp và ra tận Trường Sa…

Ông vẫn tiếp tục bổ sung bài giảng và sử dụng thành thạo các phương tiện, kỹ thuật hiện đại để nâng cao chất lượng mỗi giờ lên lớp; vẫn tươi mới, năng động và chuẩn chỉnh trong các tổng kết khoa học và các công trình công bố; vẫn bảo vệ đến cùng chân lý lịch sử và di sản của tổ tông. 

Hẳn là ai cũng có thể nhận ra vai trò tiên phong dẫn dắt về mặt học thuật của GS Phan Huy Lê trong nền Sử học đa ngành nước ta, nhưng sự suy tôn một nhà khoa học lên vị trí cao nhất suốt một nửa thế kỷ cũng là câu chuyện hiếm có.

GS Nguyễn Quang Ngọc (Nguyên Viện trưởng Viện Việt Nam học, ĐHQG Hà Nội)

******************

Theo Vietnamnet

Ngày 15/3/2024, trái tim của nữ biệt động thành Nguyễn Thị Mai (SN 1943) với biệt danh “con thoi sắt” đã ngừng đập. Bà là một trong những nữ biệt động thành đã cống hiến cả tuổi thanh xuân cho cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây kêu gọi Israel vẫn phải làm nhiều hơn nữa để tăng dòng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, đồng thời nhấn mạnh sẽ tận dụng chuyến thăm đến Trung Đông lần này để giải quyết vấn đề đó với các nhà lãnh đạo Israel.

Lợi dụng một bộ phận người dân chưa nắm đầy đủ thông tin về việc cài đặt, kích hoạt tài khoản định danh điện tử (VNeID), kẻ gian đã giả danh Công an, gọi điện thoại hướng dẫn, yêu cầu người dân cài đặt các ứng dụng giả mạo vào ĐTDĐ để lấy cắp thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài sản. Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có nhiều trường hợp rơi vào bẫy của đối tượng lừa đảo, tài sản bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.

Đến hôm nay, ông Đạt vẫn nhớ như in từng giây phút của ngày lịch sử 49 năm về trước. Hôm ấy, ông ôm máy ảnh lao ra đường phố Sài Gòn với bầu máu nóng của chàng trai vừa 19 tuổi, chụp những tấm ảnh về thời khắc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Dịp lễ 30/4 và 1/5, Công an tỉnh Tiền Giang đã huy động 100% lực lượng CSGT làm nhiệm vụ điều tiết, phân luồng, tránh ùn tắc giao thông, đồng thời tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn.

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (số 145 Trần Quang Khải quận 1, TP Hồ Chí Minh) là bảo tàng tư nhân đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh và là bảo tàng duy nhất tại Việt Nam về lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định. Bảo tàng nằm trong di tích, địa điểm trước đây thuộc nghiệp đoàn Ngọc Quế - cơ sở bí mật của lực lượng biệt động Sài Gòn thuộc sở hữu của gia đình Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Trần Văn Lai.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文