Nghị trường “nóng” gian lận thi cử, tăng giá điện
- 8 bị can liên quan vụ gian lận thi cử ở Sơn La bị khai trừ khỏi Đảng
- Xử lý nghiêm và công khai cán bộ lãnh đạo liên quan gian lận thi cử
- Cải tiến kỳ thi có trị tận gốc gian lận thi cử?
- Đại biểu Quốc hội đề nghị kiểm toán lại giá điện1
- Thanh tra giá điện: Không phát hiện bất thường, hoá đơn tăng do dân dùng nhiều điện!
Sáng nay, 30-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả phát triển kinh tế xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch năm 2019, quyết toán ngân sách 2017.
Vấn đề tăng giá điện, hay câu chuyện gian lận trong Kỳ thi THPT quốc gia là những vấn đề “nóng” được nhiều đại biểu quan tâm, đề cập. Bày tỏ đồng tình với báo cáo của Chính phủ đã vẽ nên bức tranh về tình hình KTXH có nhiều điểm sáng, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cũng cho rằng vẫn còn những khoảng tối, trong đó có giáo dục.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương |
Ông nhận định, giáo dục là lĩnh vực lớn, phức tạp, cả xã hội quan tâm nên rất cần ghi nhận những cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong 6 tháng vừa qua. Tuy nhiên cảm giác Bộ cứ loay hoay với nhiều vấn đề mà ít đạt được mục tiêu phát triển giáo dục. Nhiều cử tri phàn nàn về lĩnh vực giáo dục, bệnh thành tích.
Nền giáo dục sẽ đi về đâu khi hiện trạng giáo dục như vậy, thị trường văn bằng chứng chỉ giả đầy sôi động, vừa rồi Công an Hà Nội khám phá có 1 vụ mà thu được cả tấn phôi bằng?
“Về sai phạm kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, tôi dám chắc Bộ Giáo dục chưa thấy hết hậu quả để lại do sai phạm mang lại. Nó khiến cho xã hội mất niềm tin, là người tổ chức kỳ thi do mình xây dựng và tiến hành nhưng Bộ chưa thấy hết được, kể cả sai phạm khi xảy ra là do một nhóm thầy giáo ở Hà Nội phát hiện, tố giác thì Bộ mới vào cuộc” – ĐBQH tỉnh Ninh Thuận nói.
Theo đại biểu, điều đáng nói hơn, khi làm rõ được sai phạm thì việc công khai danh tính của những học sinh và phụ huynh liên quan đến sai phạm Bộ không có chính kiến rõ ràng vì cho rằng “nhạy cảm, nhân văn”.
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu |
“Nhưng mất mát lớn nhất là mất đạo đức xã hội. Sau sai phạm năm 2018, Bộ đang nỗ lực cải tiến kỳ thi 2019 nghiêm túc và hiệu quả, nhưng ai dám đảm bảo sai phạm không xảy ra nữa?”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương chất vấn.
“Nếu phúc tra cả nước, tôi tin sẽ phát hiện ra nhiều vi phạm trong thi cử”, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) nhận định, cho rằng giáo dục vừa qua có nhiều cải cách nhưng phương pháp chưa đúng.
“Đúng sao được khi mà một lớp gần có 100% học sinh đạt loại giỏi. Trong phiên thảo luận về Luật Giáo dục, chúng ta bàn nhiều về triết lý giáo dục, nhưng trước mắt cần đưa ra nguyên tắc giáo dục đơn giản là nền giáo dục không nói dối”, ông nói. Đại biểu nêu quan điểm, không thể tạo nên một sản phẩm hoàn hảo khi chấp nhận nói dối ngay từ những năm các con cắp sách đến trường.
Liên quan vấn đề giá điện, ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu cho biết, tại kỳ họp này, Bộ Công Thương đã có báo cáo 20 trang, trong đó khẳng định “Bộ làm đúng”. Từ kinh nghiệm bản thân làm bác sỹ, ông Hiếu đưa ra ví dụ, khi bác sỹ có phác đồ điều trị đúng nhưng nếu sai ở mắt xích nào đó thì phải suy xét một cách nghiêm túc, không thể bảo thủ, duy ý chí, sai lầm.
Toàn cảnh hội trường |
Ông đề nghị Bộ Công Thương cần rà soát lại trong điều hành giá điện, giá xăng. “Phải chăng nguyên nhân sâu xa ở đây là vấn đề độc quyền của ngành điện?”, ông Hiếu đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đánh giá, về giá điện thì từ thuở khai sinh ra ngành điện, nước nhà luôn tuân theo 1 quy trình bất biến: Tăng rồi, tăng nữa, tăng mãi… “Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng hoàn toàn có lý khi nghi ngờ việc tăng giá điện chỉ 8,36% như ngành điện công bố là không chính xác. Khi mà hoá đơn tiền điện họ phải trả cho nhà đèn nhiều, thậm chí gấp đôi, gấp ba”, đại biểu bày tỏ.
Ông cho rằng, giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ phải được lấy làm gốc, căn cứ vào đó để chấp hành, không thay đổi. Một số chuyên gia cho rằng việc chia bậc của EVN bao gồm cả nguyên tắc đảm bảo tiết kiệm điện nhưng chưa đúng với quy định về giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ.
“Có cử tri nói 1 điều rất đáng suy nghĩ, cứ nói đất nước phát triển, đời sống người dân được nâng cao, ấy vậy mà mức tiêu thụ điện chỉ duy trì ở mức tối thiểu, 50-100kw, chỉ phù hợp với những gia đình nghèo, ở những vùng khó khăn. Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp thực tiễn chứ không phải EVN thấy thời điểm chuyển mùa thì tăng giá điện, cứ đổ cho thời tiết và đỡ phải giải thích nhiều”, đại biểu tỉnh Ninh Thuận nêu.