Cần nhà nghiên cứu chung tay giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc

14:06 23/11/2019
Ngày 23-11, tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam đã tổ chức lễ tiếp nhận thành quả sưu tầm nghiên cứu di sản văn hóa phi vật thể do nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Hải Liên hiến tặng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự, biểu dương những đóng góp của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên và trao tặng ông bình gốm có chữ ký của Thủ tướng.

Ông Nguyễn Hải Liên là một người con của Quảng Nam và là người đã đạt được nhiều thành tựu nghiên cứu, sưu tầm văn hóa truyền thống. Về văn hóa Chăm, ông đã sưu tầm, phục dựng hầu hết các Lễ hội Chăm. 

Tất cả các bài bản của lễ nhạc gồm 75 bài trống Ginăng và 6 giai điệu kèn Saranai đã được sưu tầm và ký âm. Ông đã phát hiện ra bộ Trống thiêng loại nhỏ đi với hai cái chiêng núm, kèn ru hồn Saranai và trống lớn thân cây - bộ nhạc cụ này ít xuất hiện nên rất ít người biết đến. 

Ông Nguyễn Hải Liên còn kết hợp phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc thành công thông qua Lễ hội Festival Thánh địa Mỹ Sơn, Quảng Nam, phục hiện lại các Lễ hội Chăm với cụm diễn xướng tổng hợp giữa Hát lễ - Nhạc lễ và Múa lễ, tạo nên nét đặc sắc hiếm có, được bạn bè quốc tế khâm phục. 

Ngoài ra, ông còn sáng lập ra ba Đoàn nghệ thuật bán chuyên Chăm (Ninh Thuận, Bình Thuận, Mỹ Sơn Quảng Nam), đưa văn hóa dân gian Chăm trơ lên sang trọng, tinh tế, hướng đến sân khấu chuyên nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng bình gốm lưu niệm cho nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên và gia đình

Về văn hóa Raglai, bằng những cứ liệu thuyết phục, ông đã chứng minh với cơ quan chức năng rằng người Raglai có sử thi và đã được công nhận. Trong đó, minh chứng rõ ràng nhất là sáu bộ sử thi đồ sộ, đặc biệt là Bộ sử thi Sa-Ea có độ dài 37 cuộn băng cattset, mỗi cuộn 90 phút. V

ới nhạc cụ Mã la, ông cũng đã ghi âm và ký âm được 150 bài, khôi phục lại những nhạc cụ đã mất như Trống đất, Chiềng nứa, Kèn bầu Sarakel. Ông còn phát hiện, phục dựng trang phục cổ truyền người Raglai. Toàn bộ công trình sưu tầm, nghiên cứu của ông Nguyễn Hải Liên trong hơn 30 năm về văn hóa phi vật thể Chăm, Raglai đã được trao tặng cho Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thay mặt Chính phủ biểu dương và đánh giá cao những đóng góp to lớn của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên cho sự nghiệp làm giàu kho tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam. 

Thủ tướng khẳng định: Xuyên suốt chiều dài lịch sử, trải qua hàng ngàn năm văn hiến, văn hóa là sức mạnh nền tảng trong xây dựng khối đoàn kết toàn dân tộc trong mọi tiến trình dựng nước và giữ nước. Trong đó, bản sắc văn hóa là một trong những yếu tố cốt lõi tạo nên bản sắc dân tộc. Dân tộc nào gìn giữ được bản sắc của mình thì dân tộc đó mãi mãi trường tồn. Đây là việc không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa, công nghiệp hóa, đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Vì vậy, phát huy các di sản văn hóa dân gian trong thời kỳ hiện đại không chỉ là bảo tồn cho đúng các giá trị nguyên bản mà còn phải phát triển thêm các giá trị tốt đẹp để làm phong phú đời sống tinh thần của dân tộc.

Thủ tướng nhấn mạnh, văn hóa dân gian là cội nguồn, sản sinh và nuôi dưỡng các hình thức văn hóa dân tộc, là văn hóa của quần chúng lao động, mang tính bản địa, tính nội sinh cao. Trải qua hàng nghìn năm, ông cha ta đã để lại một kho tàng văn hóa dân gian đồ sộ, các nghề thủ công truyền thống. Kho tàng này cùng với các di sản văn hóa vật thể độc đáo khác là tài sản, hình thành nên bản sắc văn hóa độc đáo của nước ta. 

Sự đa dạng, phong phú, đặc sắc về văn hóa không chỉ là lợi thế cho ngành du lịch mà còn là đòn bẩy quan trọng cho đoàn kết, kết nối và thu hút nguồn lực của đất nước. Bạn bè quốc tế đánh giá cao văn hóa vật thể cũng như phi vật thể của Việt Nam, nhiều di sản văn hóa đã được UNESCO công nhận.

Thủ tướng cũng nhận định: Việc hiến tặng công trình tâm huyết và cũng là gia sản lớn nhất trong cuộc đời của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên cho Nhà nước để phục vụ đông đảo nhân dân là thể hiện cụ thể, sống động nhất của tình yêu quê hương đất nước của ông. 

Quản lý nhà nước về văn hóa rất cần những người giàu tâm huyết như nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên chung tay đóng góp trong việc giữ gìn, tôn vinh, phát huy các giá trị văn hóa dân gian phong phú, lâu đời, làm giàu kho tàng văn hóa dân gian, văn hóa dân tộc Việt Nam. Công trình tâm huyết của nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Liên sẽ tiếp tục được đầu tư bảo tồn, phát triển, phổ biến và diễn xướng một cách thích đáng trong nhân dân.

Dịp này, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công tác bảo tồn chữ viết, văn hóa các dân tộc thiểu số, đồng thời tổng hợp thống kê, báo cáo và đề xuất chi tiết các giá trị văn hoá dân gian cần được bảo tồn, duy trì và phát triển, đề ra kế hoạch hành động cụ thể. Cần kết hợp giữa phát triển du lịch với bảo tồn di sản văn hóa dân tộc, văn hóa dân gian thông qua các lễ hội truyền thống, các hoạt động du lịch cộng đồng. 

Quản lý Nhà nước về văn hóa cần tìm ra và phát huy những giá trị kinh tế và giá trị văn hóa trong văn hóa dân gian, biến văn hóa trở thành di sản và tạo sinh kế cho người dân; cần rà soát các khung pháp lý, nghiên cứu xây dựng cơ chế liên quan để phát triển ngành công nghiệp văn hóa có bản sắc, có tính cạnh tranh cao, có khả năng thúc đẩy các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của dân tộc.


Hoa Nguyễn

Báo cáo số 3003/KQLĐBIII-QL,TCGTĐB ngày 16/12 của Khu Quản lý đường bộ III gửi Cục Đường bộ Việt Nam về khắc phục thiên tai gây hư hỏng trên các tuyến quốc lộ ở địa bàn miền Trung – Tây Nguyên, có đề cập thông tin chi tiết về sự cố sạt lở ở đèo Khánh Lê gây ách tắc giao thông trên tuyến quốc lộ 27C như Báo CAND đã thông tin.

Chiều 16/12, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang) cho biết, vừa tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh tạm giam đối với Đoàn Đức Vinh (SN 1996, cư trú: xã Thạnh Lộc, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) để điều tra về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Thông tin từ Sở GTVT tỉnh Khánh Hòa cho biết đến 13h20’ chiều nay 16/12, quốc lộ 27C đoạn qua đèo Khánh Lê (thuộc địa phận xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) vẫn ách tắc do chưa thu dọn xong đất đá sạt lở tại điểm đầu tiên thì phát sinh thêm tình trạng sạt lở tại một số điểm khác.

©2004. Bản quyền thuộc về Báo Công An Nhân Dân.
®Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Công An Nhân Dân.
English | 中文